Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngành dệt may trước áp lực cạnh tranh

Tạp Chí Giáo Dục

Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2014 được 24 tỷ USD. Trong năm 2015, dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng lên 30 tỷ USD. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế châu Âu, sự tăng trưởng này sẽ gặp khó khăn khi hiệp định TPP có hiệu lực, được nhiều nước tận dụng triệt để.

Chỉ gia công

Thống kê từ Hiệp hội Dệt may TPHCM, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2014 đạt 24 tỷ USD nhưng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp đến 60%. Trong tỷ lệ đóng góp của DN FDI, giá trị gia tăng để lại cho nước ta không cao. Mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến lĩnh vực dệt may của DN trong nước còn rất hạn chế. Các DN FDI chủ yếu sử dụng chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu. Với việc sử dụng chuỗi cung ứng này càng nhiều, dẫn đến nước ta chỉ tăng kim ngạch nhập khẩu.

Chưa hết, nếu xét theo cơ cấu doanh thu của DN nội, có đến 85% DN làm gia công đơn thuần. Số rất ít, khoảng 13% DN hoạt động theo hình thức mua nguyên liệu và bán sản phẩm. Và chỉ có 2% DN làm được hoàn thiện sản phẩm từ khâu thiết kế, phát triển nguyên phụ liệu, sản xuất và giao hàng. Điều này khiến giá trị gia tăng của sản phẩm ngành dệt may nước ta không cao, bởi lẽ giá trị nguyên phụ liệu đã chiếm từ 60% – 70%. Còn giá gia công cao nhất có thể đạt được cũng chỉ 20% – 25% giá trị sản phẩm. Phân tích từ Hiệp hội Dệt may TPHCM cho thấy, nếu áp cơ cấu trên để phân tích doanh thu ngành may thành phố thì DN may mặc Việt Nam tại TPHCM chỉ đạt 1,8 tỷ USD. Và với 85% DN thực hiện phương thức gia công, có giá trị tương đương 25% đơn giá FOB thì kim ngạch thực hiện từ gia công xuất khẩu chỉ có thể đạt mức 382 triệu USD trong năm 2014.

Doanh nghiệp may Việt Nam sản xuất chủ yếu là gia công sản phẩm.

Ảnh: CAO THĂNG

Với cơ cấu hiện nay, lợi nhuận từ nguyên phụ liệu đa phần do các công ty trung gian giao hàng gia công thụ hưởng. Và lợi nhuận DN may Việt Nam thu được rất khiêm tốn khi chi phí lao động ngày càng cao và năng suất có hạn. Thực tế hiện nay, các DN gia công có thể bảo toàn vốn đã khó. Nếu 85% DN đang hoạt động dưới hình thức gia công đơn thuần chuyển sang phương thức kinh doanh FOB thì doanh thu ngành may mặc có thể tăng thêm 5 lần, tức khoảng 90 triệu USD. Và nếu chuyển được sang hình thức ODM thì giá trị gia tăng còn cao hơn rất nhiều.

Nút thắt khó gỡ

Phát triển theo hướng gia tăng giá trị cho sản phẩm may mặc là xu thế tất yếu, nhất là khi hiệp định thương mại phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nút thắt hiện nay của ngành là nguồn cung nguyên liệu rất hạn chế. Chỉ tính trong năm 2014, vải nhập khẩu đạt giá trị 9,5 tỷ USD, tăng 14%. Nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc thì nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 45,2%. Nguồn nguyên liệu nội địa chỉ chiếm 25% trong kim ngạch xuất khẩu, hay nói cách khác tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm may mặc xuất khẩu chỉ chiếm 35,7% giá trị nguyên liệu!

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty May Garmex Sài Gòn cho biết, chủ động nguyên liệu sản xuất và mẫu thiết kế được xem là hai yếu tố sống còn của DN hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cho đến nay cả hai khâu này Việt Nam đều chưa thực hiện được. Về phía công ty cũng như hiệp hội đã nhiều lần đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ hoặc có chính sách khuyến khích hình thành những trung tâm thiết kế thời trang, kiến tạo mẫu, thay cho việc phải đi mua mẫu từ các nước với chi phí cao hoặc phải gia công lại mẫu của các nước. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa thực sự được các cơ quan chức năng quan tâm. Còn việc phát triển nguồn nguyên phụ liệu còn khó hơn khi liên quan đến Luật bảo vệ môi trường. Để có thể tạo ra nguyên phụ liệu cho ngành dệt may chắc chắn phải có nhà máy dệt nhuộm. Thế nhưng như tại TPHCM, dệt nhuộm được liệt vào những ngành nghề nhạy cảm với môi trường nên không được cấp phép thành lập hoặc hạn chế cấp phép. Với những DN đã được cấp phép trước đây cũng khó tồn tại vì thiếu sự hỗ trợ đầu tư xử lý chất thải. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị cần phải xây dựng cụm công nghiệp dệt nhuộm để chủ động tạo nguồn nguyên phụ liệu sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.

Ông Brian Staples, chuyên gia Dự án EU-MUTRAP cho biết, những khó khăn trên của ngành dệt may nói chung và nhiều ngành khác của Việt Nam sẽ tạo áp lực rất lớn cho sự tồn tại và phát triển kinh tế bền vững của DN. Nhất là trong bối cảnh quốc tế cần giảm tỷ lệ tổng thương mại về hàng hóa trung gian và ưu tiên cho DN xuất khẩu chứng minh được nguồn lực nội địa của mình. Sự hình thành Hiệp định TPP là một minh chứng. Đây là giải pháp giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch thương mại. Theo đó, những sản phẩm sản xuất hoàn toàn tại bên xuất khẩu và từ nguyên vật liệu hoàn toàn của bên đó, sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu 0%. Hiệp định này rất có lợi cho sản phẩm nội địa của những nước tham gia hiệp định. Thế nhưng, theo bà Trần Xuân Thảo, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TPHCM, Bộ Công thương cho biết, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may chỉ có 1/10 trên tổng kim ngạch hàng xuất khẩu được nhận ưu đãi này. Trong thời gian tới, khi Hiệp định TPP được mở rộng, cho phép mở rộng phạm vi xác định nguồn nguyên liệu theo vùng thay lãnh thổ một nước, nhiều DN tận dụng triệt để lợi thế nội địa hóa nguyên liệu sản xuất để nhận ưu đãi thuế quan thì các DN nước ta sẽ khó có thể cạnh tranh được về giá thành. Không dừng lại đó, hiện đang có làn sóng di cư đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vào nước ta để tranh thủ lợi ích từ Hiệp định TPP. Do vậy, nếu DN Việt Nam vẫn loay hoay với việc phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, không thoát khỏi thân phận làm thuê ngay chính trên đất nước mình sẽ khó để cạnh tranh và tồn tại.

ÁI VÂN

(SGGP)

Bình luận (0)