Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

ĐBSCL: Hạn, mặn ngày càng nghiêm trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng nắng hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại ĐBSCL, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Theo Đài Khí tượng – Thủy văn khu vực Nam bộ, hiện nước mặn đang xâm nhập sâu vào khu vực nội đồng ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, có nơi vào sâu đến 60km. Mức nhiễm mặn cao nhất tập trung ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng bởi ảnh hưởng thủy triều từ biển Tây theo kênh Long Xuyên – Rạch Giá và kênh Vĩnh Tế đổ vào vùng Thoại Sơn (tỉnh An Giang) và khu vực Đông Hồ (tỉnh Kiên Giang) dù trước đó các cửa đập ngăn mặn của vùng tứ giác Long Xuyên đã đóng lại.
Tỉnh Bến Tre có những cửa sông lớn như Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên… nên bị nước mặn xâm nhập khá nhanh, hiện khoảng 50 – 60km, gồm huyện Ba Tri, Chợ Lách, Châu Thành. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng…

Nhiều kênh nội đồng ở Trà Vinh bị kiệt nước. Ảnh: Hạnh Nguyễn

Tại khu vực các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, tình trạng thiếu nước ngọt đang diễn ra gay gắt. Chiều 23-3, bà Ngô Thị Khởi, cán bộ Văn phòng UBND xã đảo Nam Du, cho biết: Hàng ngàn người dân xã đảo này đang chịu cảnh thiếu nước ngọt từ nhiều tháng qua. Việc sử dụng nước ngọt tiết kiệm đang được đặt lên hàng đầu. Nguồn nước ngọt tại xã đảo chủ yếu là từ các giếng nhỏ trong dân nhưng nay đã cạn kiệt. Hiện nguồn nước ngọt sinh hoạt của người dân được “tiếp tế” từ xã đảo An Sơn (có hồ chứa và nhiều giếng) với giá 150.000 đồng/m³, nhưng chất lượng nước rất kém. Trong khi đó, hồ chứa nước 30.000m³ trên xã đảo An Sơn hiện sắp trơ đáy. Nước uống của người dân trên đảo chủ yếu là nước bình từ đất liền chuyển ra với giá rất cao, 25.000 đồng/lít (trong đất liền khoảng 8.000 – 10.000 đồng/bình 20 lít). Vì thiếu nước ngọt, nắng hạn kéo dài nên giá các loại rau quả bán tại đảo đều từ đất liền chuyển ra với giá rất cao.
Tại Bến Tre, nhiều người dân ở các địa phương thuộc huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại… gặp cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt vì bị nhiễm mặn. Nhiều trạm cấp nước sinh hoạt cho người dân bị nhiễm mặn nên người dân phải chịu cảnh xài nước mặn nhưng vẫn trả tiền giá nước ngọt.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nhận định: “Nước mặn bắt đầu xâm nhập đến “vương quốc” cây ăn trái đặc sản, hoa kiểng, cây giống của tỉnh với quy mô gần 10.000ha rồi. Bị đe dọa nghiêm trọng là 6 xã vùng phía Bắc của huyện, giáp sông Cổ Chiên, gồm: Hưng Khánh Trung, Vĩnh Thành, Phú Sơn, Long Thới, Tân Thiềng và Vĩnh Hòa. Từ đầu mùa khô, do lường trước tình hình sẽ nghiêm trọng nên ngành nông nghiệp huyện kết hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện nghiêm việc gia cố hệ thống thủy lợi, cống đập ngăn mặn; khuyến cáo người dân chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Hiện việc theo dõi, đo độ mặn diễn ra hàng ngày tại các trạm trên địa bàn để kịp thời thông báo cho người dân chủ động điều tiết sản xuất”.
Trong khi đó, tại Trà Vinh, toàn bộ hệ thống cống đập ngăn mặn được đóng kín để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, bên ngoài cống nước đang bị nhiễm mặn với nồng độ cao.

BÌNH ĐẠI

(SGGP)

Bình luận (0)