Cục Điều tiết Điện lực đang quản lý tới 71 thủ tục hành chính, nhiều trong số đó sẽ phải rà soát lại hoặc bãi bỏ để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại cuộc Họp về công tác triển khai kiểm soát thủ tục hành chính và triển khai Nghị quyết 19/CP của Chính phủ nhằm tháo gỡ các nút thắt về thể chế và pháp luật trong lĩnh vực công thương, diễn ra sáng 3/4, tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết, trong tổng số 381 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương thì Cục Điều tiết Điện lực quản lý 71 thủ tục, Cục Xuất nhập khẩu quản lý 55 thủ tục, Vụ Thị trường trong nước quản lý 50 thủ tục, Vụ Công nghiệp nhẹ quản lý 45 thủ tục, Vụ Công nghiệp nặng quản lý 3 thủ tục…
Trang thông tin về Cải cách hành chính của Bộ Công Thương (Ảnh: Moit)
Theo chương trình công tác của Bộ về cải cách hành chính, đến thời điểm này, Cục Điều tiết Điện lực mới rà soát và hoàn thành được 28/38 thủ tục hành chính theo kế hoạch được giao.
Một trong những thủ tục đang được Chính phủ và Bộ Công Thương yêu cầu gấp rút triển khai đó là đưa chỉ số tiếp cận điện năng đối với doanh nghiệp xuống còn 36 ngày thay vì 45 ngày như trước đây.
Cụ thể, thời gian đấu nối vào lưới điện trung áp xuống còn 36 ngày; trong đó, thời gian thực hiện thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước từ 18 ngày và thời gian thực hiện thủ tục của các đơn vị điện lực là 18 ngày.
Trong năm 2014, năm đầu tiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện Chỉ số tiếp cận điện năng cho 9.686 khách hàng với thời gian cấp điện trung bình là 45,51 ngày; trong đó có 95,96% khách hàng có thời gian cấp điện trung bình là 43,2 ngày và 4,05% khách hàng có số ngày cấp điện trung bình là 100,35 ngày.
Để làm được việc này, EVN cho biết, theo các quy định hiện hành của các Bộ ngành liên quan, thời gian giải quyết của EVN là 18 ngày, giảm 42 ngày so với các quy định trước với 5 bước, gồm Tiếp nhận hồ sơ; Khảo sát hiện trường; Thoả thuận đấu nối; Thoả thuận thiết kế và Nghiệm thu đóng điện, ký kết hợp đồng mua bán điện.
Tuy vậy, vẫn còn một loạt các thủ tục do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện có thể làm chậm tiến độ cấp phép, bao gồm việc Sở Công Thương xác nhận phù hợp với quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch, Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch – Kiến trúc hoặc Sở Giao thông vận tải thỏa thuận vị trí cột điện/trạm điện và hành lang lưới điện; Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện hoặc cấp xã cấp phép đào đường vỉa hè, báo cáo đánh giá tác động môi trường và cơ quan phòng cháy chữa cháy địa phương thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy…
Chưa kể khách hàng cũng phải thực hiện các thủ tục như lập các hồ sơ, phương án, báo cáo theo quy định pháp luật để chuyển cho đơn vị Điện lực và các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phối hợp giải trình để thỏa thuận, phê duyệt và cấp phép…
Trước thực tế trên, để có thể hoàn thành tiến độ đề ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực cần báo cáo cụ thể tình hình triển khai, cũng như khó khăn vướng mắc qua đó có phương án trình lãnh đạo bộ.
Tính trong năm 2014, Bộ Công Thương đã bãi bỏ, đơn giản hóa 72 thủ tục hành chính trên tổng số 220 thủ tục hành chính thực hiện tại Bộ Công Thương, giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí xã hội. Cuối tháng 12 năm 2014, Bộ Công Thương đã chính thức triển khai kết nối các thủ tục hành chính vào Cơ chế một cửa quốc gia, qua đó giúp tạo thuận lợi cho việc chuyển giao hàng hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại.
Bộ Công Thương cũng đã công khai địa chỉ website về cải cách hành chính, địa chỉ email và số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về thủ tục hành chính, quy định hành chính ngành Công Thương tại địa chỉ: http://kstthc.moit.gov.vn; để người dân dễ dàng tiếp cận tìm hiểu thủ tục hành chính và giải đáp những vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính.
Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ http://www.moit.gov.vn cũng cập nhật thường xuyên các thông tin liên quan đến lĩnh vực công thương, giúp doanh nghiệp phân tích được thị trường và từ đó có định hướng kinh doanh phù hợp./
ĐỨC DUY
(VIETNAM+)
Bình luận (0)