Đất nước ta vừa trải qua một năm học lịch sử, với rất nhiều khó khăn, thử thách.
Giáo viên tại TP.HCM dạy học trực tuyến trong đợt nghỉ học dài ngày sau Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: Y.Hoa
Nhìn lại năm học cũ 2019-2020
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, ngành GD-ĐT chịu nhiều tác động tiêu cực nhất. Tuy nhiên, đối diện với tất cả những biến động ấy, với sự cố gắng của tập thể cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên cả nước, ngành GD-ĐT đã cơ bản thực hiện được các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra từ đầu năm học, thầy trò cả nước đã nỗ lực hết mình đảm bảo tiến độ dạy và học, trau dồi kiến thức và hoàn thành nhiệm vụ năm học. Hành trình vượt khó trong năm học 2019-2020 cũng là một cơ hội, thử thách để thầy trò ngành GD-ĐT rèn luyện kỹ năng thích nghi, tư duy tích cực và sự kiên trì bền bỉ nhằm hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Trong năm học vừa qua, trước việc học sinh phải nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch Covid-19, ngành GD-ĐT cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó chưa có tiền lệ. Trong đó, việc ưu tiên hàng đầu là vừa bảo đảm an toàn, vừa duy trì được nền nếp dạy và học cho học sinh và đội ngũ nhà giáo. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh về khung thời gian năm học 2019-2020, quyết định phù hợp và kịp thời thời gian nghỉ học gián đoạn của học sinh, nhất là đối với các em chuẩn bị trải qua các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh cuối năm, được học sinh và phụ huynh ủng hộ. Trong đó, đáng chú ý, trong thời gian tạm nghỉ, để giúp học sinh không bị gián đoạn, duy trì nền nếp học tập, ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều hình thức dạy học từ xa phù hợp với điều kiện của từng trường, từng địa phương, như dạy học qua truyền hình, mạng internet, giao bài tập đến từng học sinh… Bên cạnh đó, nhà trường, đội ngũ nhà giáo đã chủ động tinh giản nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, nhằm tránh tình trạng học sinh bị quá tải. Đồng hành với nhà trường, các bậc phụ huynh cũng dành thời gian để giúp con em đảm bảo thực hiện những yêu cầu học tập tại nhà, đồng thời đánh giá nghiêm túc, đúng đắn chất lượng học tập của học sinh, sinh viên.
Năm học mới 2020-2021 đã cận kề, là năm học diễn ra trong tình hình mới đồng thời vẫn tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021
Năm học mới sắp sửa bắt đầu trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Yêu cầu đặt ra với các nhà trường là tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về những biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục của mình và tuyên truyền kịp thời để phụ huynh, học sinh đồng tình ủng hộ và cùng phối hợp thực hiện. Sự gián đoạn học tập có thể tiếp tục xảy ra, cho nên, bên cạnh việc tích cực, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, kế hoạch học tập… để sẵn sàng bước vào năm học mới, việc chú trọng phát huy hoạt động học tập từ xa cần được lưu tâm. Tiếp tục duy trì, phát triển và sáng tạo thêm các hình thức học tập từ xa mà học sinh đã được tiếp cận, làm quen và thực hiện trong năm học trước. Trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, có hơn 50% số trường ĐH đã tổ chức dạy học từ xa giúp sinh viên hoàn thành tiến độ học tập; tỷ lệ học sinh phổ thông học qua internet, qua truyền hình đạt hơn 86%. Từ đó, Bộ GD-ĐT đã xác định bên cạnh hình thức dạy học trực tiếp đã có thêm hình thức dạy học trực tuyến và đang xây dựng dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến, công nhận hình thức này như một phương thức bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả. Về phương hướng, nhiệm vụ năm học, bắt đầu từ năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai đối với lớp 1, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện đối với từng khối lớp ở các bậc học. Ngành GD-ĐT đang gấp rút mọi công việc nhằm thực hiện chương trình một cách hiệu quả: Rà soát, sắp xếp lại các điểm trường để tập trung cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học; thực hiện đổi mới về chuyên môn, dạy học sinh theo hướng tiếp cận năng lực, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh; tăng cường tập huấn cho giáo viên về Chương trình GDPT mới và tập huấn về nghiệp vụ để nâng cao chất lượng dạy học; chỉ đạo các trường lựa chọn sách giáo khoa… Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học, việc triển khai đồng bộ các mặt giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh cũng được ngành GD-ĐT tiếp tục đặc biệt quan tâm.
Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) vệ sinh khử khuẩn trong mùa dịch
Bộ GD-ĐT đang xây dựng Dự thảo quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với các bậc học. Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5-9-2020; không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, thời gian thực học cho bậc THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần, thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và thời gian nghỉ hè cho học sinh được tăng thêm.
Năm học mới – Nhiệm vụ mới
Trong năm học mới, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi nhà giáo là rất nặng nề. Nhiều yêu cầu, công việc mới lạ có thể phát sinh, song trong hoàn cảnh khó khăn, với trách nhiệm và tình cảm của người thầy, mỗi nhà giáo cần khắc phục, chủ động, sáng tạo vượt qua để giúp học sinh duy trì nền nếp học tập, không bị gián đoạn trong việc tiếp thu kiến thức. Đồng thời, chúng ta cũng cần nhận thức một cách sâu sắc rằng, trong Chương trình GDPT mới, nhà giáo có vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục, đào tạo nói chung và công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng, cho nên hoạt động bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của nhà giáo, nhằm nâng cao chất lượng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp, là rất quan trọng.
Với mỗi phụ huynh, cần cập nhật thông tin, hợp tác chặt chẽ cùng nhà trường, giáo viên để tạo điều kiện tốt nhất cho con em yên tâm học tập; giám sát, nhắc nhở con em thực hiện nghiêm túc lịch học tập, tiếp thu kiến thức tại trường và tại nhà. Về phần học sinh, thực hiện khung thời gian năm học mà Bộ GD-ĐT điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể. Đặc biệt, học sinh lớp cuối cấp chuẩn bị thi tốt nghiệp, tuyển sinh, cần xác định tâm thế bình tĩnh, chú tâm vào học tập, ôn luyện, bổ sung kiến thức theo sự hướng dẫn của thầy cô. Đồng thời, các em cũng phải thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch khi ở nhà, bảo đảm sức khỏe tốt nhất để sẵn sàng cho năm học mới. Cuối cùng, bên cạnh việc duy trì hiệu quả nền nếp học tập như trước đây, nhà trường, thầy cô, học sinh, phụ huynh cần tiếp tục chung sức để cùng nhau vượt qua những khó khăn có thể nảy sinh trong tình hình mới, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm học – như lời Bác Hồ từng dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.
Đỗ Thành Dương
Bình luận (0)