Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học sinh tiểu học trổ tài lập trình robot, xây tháp, cầu tải trọng từ que nhựa, ống hút

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh 2 trường tiểu học trên địa bàn quận 1 là Tiểu học Nguyễn Thái học và Tiểu học Phan Văn Trị đã cùng trổ tài lập trình robot, xây tháp, xây cầu tải trọng từ que nhựa, ống hút trong Ngày hội giao lưu STEM-Robotics sáng 29-3.


Lần đầu 2 trường tiểu học tổ chức ngày hội STEM khiến học sinh thích thú

Tham gia vào ngày hội, học sinh 2 trường sẽ ghép cặp để cùng lập các đội trổ tài xây dựng robot từ bộ Wedo 2.0 thi đấu đá bóng; Sử dụng các vật liệu là que gỗ, bột kết dính hoặc đất sét, ống hút, keo để xây tháp cao nhất, xây cầu có tải trọng lớn nhất.

Sử dụng chất liệu ống hút, nhóm của Bảo Khang – học sinh Trường tiểu học Phan Văn Trị – xây dựng nên chiếc cầu tải trọng. Bạn cho biết khó nhất là làm sao cầu xây xong phải có tính kết nối, mềm dẻo để chịu được sức nặng. “Nếu không chặt chẽ thì chỉ cần đặt một, hai cục pin lên là cầu đã sập”.


Khéo léo điều khiển bóng vào khung thành

Hào hứng tham gia lập trình robot để thi đấu đá bóng, Tuấn Kiệt – học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Học cho hay hoạt động giúp bạn ứng dụng những kiến thức được học từ nhà trường để giải quyết yêu cầu đặt ra trong hội thi.


Thiết kế tháp cao nhất từ ống hút

Theo cô Trần Bé Hồng Hạnh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học – đây là lần đầu tiên ngày hội giao lưu STEM-Robotics được 2 trường cùng tổ chức. Mục đích trước hết tạo sân chơi trí tuệ, bổ ích, lý thú cho học sinh 2 trường có cơ hội giao lưu, học tập, thể hiện năng khiếu, khả năng sáng tạo theo tiêu trí hướng tới giáo dục STEM và cuộc cách mạng 4.0 trên các lĩnh vực công nghệ số. Qua đó phát huy khả năng, hiệu quả làm việc theo nhóm của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động. Khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà khoa học trong tương lai.


Mô hình cầu chịu lực tải được sức nặng của nhiều cục pin khiến học sinh, giáo viên thích thú

“Sân chơi cũng góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy, học, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá. Phát triển năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Khuyến khích các giáo viên hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo của giáo viên…” – cô Trần Bé Hồng Hạnh cho biết thêm.


Ngày hội tạo sân chơi giao lưu, sáng tạo bổ ích cho thầy và trò 2 trường tiểu học

Trong khi đó, thầy Lê Hồng Thái – Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị cho biết, năm học 2023-2024, STEM được ngành giáo dục TP.HCM đẩy mạnh triển khai ở bậc tiểu học, đưa vào bài học. Do vậy ngày hội giao lưu STEM-Robotics trở thành cầu nối để giáo viên nhà trường có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi về cách thức triển khai giáo dục STEM trong trường tiểu học; thêm mạnh dạn, tự tin thiết kế các bài dạy STEM trong môn học, hoạt động giáo dục… Từ những vấn đề đặt ra trong ngày hội khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)