Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang bước vào vụ sản xuất hành. Vậy nhưng, chưa bao giờ nông dân lại đối diện với việc khan hiếm cát trắng để sản xuất nông nghiệp như hiện nay.
Anh Trần Tiên (37 tuổi), ở thôn Đông, xã An Vĩnh, vừa là chủ và cũng là một tài xế xe vận tải cho biết: “Thiếu cát trầm trọng, tôi phải thức trắng đêm để hút cát dưới biển chở về rải lên mặt ruộng. Nhiều đêm không tìm ra cát trắng để xuống giống”.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, toàn đảo hiện có khoảng 300ha đất sản xuất nông nghiệp. Mỗi sào (500m²) phải cần từ 3 – 4m³ cát trắng. Với 300ha, mỗi năm nông dân Lý Sơn cần khoảng 1.800 – 2.400m³ cát trắng để trồng hành tỏi. Hiện toàn Lý Sơn có 10 bè khai thác cát theo hình thức hút ở đáy biển từ ngoài khơi rồi mang vào bờ với giá từ 85.000 – 90.000 đồng/m³. Hơn 1 tháng qua, mỗi đêm có từ 5 – 10 xe tải tham gia vận chuyển cát trắng với tổng khối lượng vào khoảng 250 – 350m³.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, cho biết: “Cát trắng là thành phần không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp trên đảo, nhất là trong canh tác hành tỏi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nguồn cát trắng đang khan hiếm dần. Các viện, trường đại học, hay các cơ sở khoa học cần nghiên cứu, tìm ra phương pháp mới để trồng hành tỏi mà không tốn quá nhiều cát trắng, trong khi vẫn giữ được hương vị đặc trưng vốn có”.
HÀ MINH
(SGGP)
Bình luận (0)