Theo đó, một số giải pháp trọng tâm sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người lao động trong việc đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động trong quá trình làm việc.
Lao động TP.HCM
Chiều 26-4, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, thông tin năm 2023, trên cơ sở báo cáo tình hình tai nạn lao động do các doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, theo đó số vụ tai nạn lao động xảy ra là 703 vụ, giảm 12,45% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có 44 vụ tai nạn lao động có người chết giảm 45%, 44 người chết giảm 42,8% và 98 người bị thương nặng giảm 39,5%. Riêng lao động tự do có 13 vụ tai nạn lao động chết người làm chết 14 người.
Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu UBND TP trình Thành ủy ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19 tháng 3 năm 2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.
Theo đó, một số giải pháp trọng tâm sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người lao động trong việc đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động trong quá trình làm việc.
Bao gồm, tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động đến người sử dụng lao động, người lao động nhằm chủ động thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo các quy định hiện hành.
Tăng cường hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong đó chú trọng đến việc cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo người lao động tuân thủ các nội quy, quy trình làm việc an toàn lao động.
Chủ động, kiểm soát và nhận diện, đánh giá các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động đặc biệt là trong các nhóm ngành, nghề, công việc có tiềm ẩn rủi ro cao như làm việc trên cao, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, trong xây dựng, khai khoáng, trong sử dụng điện, thiết bị áp lực, hóa chất, thiết bị nâng, thang máy…
Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nguy cơ tiềm ẩn cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhận diện mối nguy hiểm, nguy hại và đưa ra các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các loại hình doanh nghiệp.
Đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn công tác tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại doanh nghiệp, đảm bảo an toàn, sức khoẻ và tính mạng cho người lao động.
Đối với các UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức, thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến nghiệp vụ an toàn vệ sinh lao động; hướng dẫn việc thống kê, báo cáo tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động và các vấn đề liên quan đến pháp luật an toàn vệ sinh lao động.
Về quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động: chủ động tăng cường rà soát các lĩnh vực có nhiều nguy cơ mất an toàn lao động; chủ động kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động trong các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động.
Theo thống kê, TP.HCM có khoảng trên 220.000 doanh nghiệp và trên 434.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, trong đó có khoảng 86.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, 17 khu chế xuất – khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 1 công viên phần mềm, 1 khu nông nghiệp công nghệ cao, 10 cụm công nghiệp, với lực lượng lao động trên 4,6 triệu người làm việc trong các thành phần kinh tế.
N.Trinh
Bình luận (0)