Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh chàm ở trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh chàm thường xuất hiện ở trẻ em, thường là do cơ địa. Tuy nhiên khi lớn, phần đông trẻ sẽ thoát khỏi bệnh này, và các mảng tổn thương sẽ không để lại sẹo.

Bệnh chàm ở trẻ em

Mới đây bé Đ.T (hơn 6 tháng tuổi, ở Q.7, TP.HCM) đột nhiên nổi những mảng đỏ trên hai gò má, người nhà cứ tưởng là dị ứng thông thường, nên không đưa bé đi khám bệnh, mấy ngày sau thì tình trạng diễn biến nặng nề hơn. Người nhà đưa bé đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM được bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh chàm và đang bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, bé được cho về điều trị tại nhà, vì theo bác sĩ nếu nằm lại tại bệnh viện sẽ dễ bị nhiễm trùng nặng hơn. Bệnh của bé Đ.T sau đó đã lui, nhưng tuần vừa qua bệnh lại tái phát, phải đến tái khám.
Một trường hợp khác, chị Q.H (19 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết lúc còn nhỏ (từ 3 – 5 tuổi) hầu như mỗi tháng chị đều được bố mẹ đưa đến tái khám bệnh chàm ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Bệnh chàm của chị H. xuất phát ở xung quanh vành tai bên phải, và cứ tái đi tái lại rất thường xuyên, nên chị phải đến bác sĩ suốt, khiến bố mẹ chị rất nóng ruột.
Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng (chuyên khoa da liễu, người khám cho bé Đ.T nói trên), bệnh chàm thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Loại bệnh này có liên quan đến nhiều yếu tố như cơ địa, thời tiết (lạnh kéo dài), thức ăn, môi trường… Theo bác sĩ Hoàng, thời tiết lạnh kéo dài dễ làm bộc phát bệnh chàm ở trẻ em, gặp nhiều nhất là trẻ 3 – 4 tháng tuổi (còn gọi là chàm sữa). Những trẻ dễ mắc bệnh này thường cơ địa đã có sẵn, bình thường bệnh không biểu hiện, nhưng khi gặp các yếu tố thuận lợi thì bệnh sẽ làm bộc phát, lộ ra triệu chứng. Khi bệnh đã bộc phát một lần thì sau đó thường xuyên tái phát cho đến khi trẻ ngoài 2 tuổi bệnh mới lui; có trường hợp trẻ lớn hơn thì bệnh mới khỏi. Và, may mắn là những mảng tổn thương trên da do bệnh chàm gây ra, khi điều trị khỏi sẽ không để lại sẹo.
Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, bệnh chàm có tính di truyền. Nếu cha hoặc mẹ, hay anh, chị, em ruột của cha hoặc mẹ từng có các bệnh như suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm… thì trẻ dễ mắc bệnh chàm. Nếu cha hoặc mẹ từng có các bệnh trên thì con sinh ra có nguy cơ mắc bệnh chàm 50%; nếu cả cha và mẹ đều từng có bệnh trên thì 100% con sinh ra sẽ mắc bệnh, nhất là khi thời tiết lạnh bệnh ở trẻ sẽ bộc lộ ra ngoài. Một số trẻ có cơ địa chàm như nói trên, khi bắt đầu ăn dặm, dùng những thực phẩm như đồ biển, đậu phộng, thức ăn lên men… cũng có trường hợp làm bệnh bộc lộ.
Biểu hiện có thể thấy là những mảng đỏ, mụn nước ở vùng mặt (giống như dị ứng); những mảng đỏ này có thể chảy nước, gây nhiễm trùng. “Phần lớn những trẻ mắc bệnh này bác sĩ không cho nhập viện, trừ những trường hợp quá nặng, vì những mảng đỏ chảy nước rất dễ bị nhiễm trùng nặng hơn khi gặp “ổ vi trùng” ở môi trường bệnh viện”, bác sĩ Huy Hoàng nói.
Khi trẻ bị bộc phát bệnh, nhất là ở vùng mặt, cần giữ vệ sinh cho trẻ, tránh hôn, sờ tay lên má rất dễ làm nhiễm trùng, nguy hiểm. Và lưu ý không nôn nóng tự ý dùng những thuốc mạnh có chứa corticoid để mau hết triệu chứng, vì sẽ làm bệnh bùng phát trở lại và nặng nề hơn.

Thanh Tùng

(TNO)

Bình luận (0)