Dự thảo thông tư ban hành quy định về Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến. Bộ chuẩn này giúp các nhà quản lý, nhà giáo dục, phụ huynh hiểu rõ về khả năng, mức độ đạt được của trẻ em 5 tuổi; đồng thời làm căn cứ để xây dựng chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Trẻ 5 tuổi Trường Mầm non Thiên Ân 3 (TP.Thủ Đức) trong giờ học kể chuyện cùng cô giáo
Thông tư này khi ban hành sẽ áp dụng đối với các trường mầm non, trường mẫu giáo; lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Căn cứ xây dựng chính sách phát triển giáo dục mầm non
Theo Bộ GD-ĐT, bộ chuẩn sẽ làm cơ sở xác định kết quả mong đợi ở trẻ trong xây dựng chương trình giáo dục mầm non. Đồng thời, làm căn cứ tham chiếu để xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non, địa phương và quốc gia.
Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi gồm 6 lĩnh vực, 22 chuẩn, 70 chỉ số. Trong đó, các năng lực cơ bản thuộc lĩnh vực phát triển thể chất được phản ánh thông qua sức khỏe thể chất (chuẩn 1, 2); thực hiện các kỹ năng vận động (chuẩn 3, 4); hiểu biết, thực hành dinh dưỡng, vệ sinh và an toàn (chuẩn 5, 6). Lĩnh vực phát triển tình cảm – xã hội đề cập đến các năng lực của trẻ về nhận thức bản thân (chuẩn 7, 8) và năng lực quan hệ xã hội (chuẩn 9, 10).
Các năng lực cơ bản thuộc lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và giao tiếp được phản ánh thông qua nghe hiểu và biểu đạt thông tin phù hợp trong giao tiếp (chuẩn 11, 12); sẵn sàng cho việc học đọc, học viết (chuẩn 13, 14). Những năng lực cơ bản trong lĩnh vực phát triển nhận thức được phản ánh thông qua sử dụng khả năng tư duy về các sự vật, hiện tượng gần gũi và biểu đạt bằng nhiều hình thức khác nhau; sử dụng kiến thức, kỹ năng sơ đẳng về toán, khoa học, tiếp cận công nghệ để tham gia hoạt động; giải quyết vấn đề đơn giản liên quan đến toán, khoa học – công nghệ trong cuộc sống hằng ngày (chuẩn 15, 16, 17, 18).
Lĩnh vực phát triển thẩm mỹ đề cập đến năng lực phát triển thẩm mỹ ở trẻ cuối 5 tuổi, bao gồm cảm thụ cái đẹp (chuẩn 19); sử dụng nghệ thuật như là phương tiện để thể hiện cảm xúc, hiểu biết và sự sáng tạo của bản thân (chuẩn 20). Các chuẩn, chỉ số thuộc lĩnh vực này đề cao cảm xúc, ý tưởng của trẻ trong các hoạt động nghệ thuật và ứng dụng sáng tạo nghệ thuật vào cuộc sống. Lĩnh vực tiếp cận với việc học đề cập một số yếu tố cần thiết hướng đến hình thành các năng lực học tập bền vững sau này như tự chủ với việc học (chuẩn 21) và giải quyết vấn đề đơn giản trong cuộc sống (chuẩn 22).
Huy động xã hội cùng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em
Theo dự thảo thông tư, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm sử dụng bộ chuẩn làm cơ sở trong xây dựng chương trình giáo dục mầm non; hướng dẫn các địa phương sử dụng bộ chuẩn làm căn cứ để xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục mầm non tại địa phương đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bộ cũng có trách nhiệm huy động sự tham gia của xã hội vào hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định tại bộ chuẩn nhằm đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam.
Các sở GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chính sách, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non, bảo đảm các điều kiện giúp trẻ em mầm non phát triển toàn diện theo quy định tại bộ chuẩn. Hướng dẫn các phòng GD-ĐT sử dụng bộ chuẩn làm căn cứ tham mưu xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục mầm non tại địa phương. Truyền thông nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, cộng đồng, các tổ chức và cá nhân liên quan tại địa phương về bộ chuẩn.
Trẻ có kỹ năng an toàn Tại chuẩn 6, trẻ biết và không thực hiện các hoạt động gây mất an toàn; trẻ nhận ra tình huống nguy hiểm và biết cách xử lý phù hợp (tránh xa, kêu cứu, thông báo với người lớn…); nhận ra một số dấu hiệu bất thường của cơ thể và thông báo với người lớn (cảm thấy mỏi mệt, đau, mẩn ngứa, buồn nôn…). |
Cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường, phát triển chương trình giáo dục; đổi mới phương pháp và hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định tại bộ chuẩn. Hướng dẫn cha mẹ trẻ em, người chăm sóc trẻ về hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em theo quy định tại bộ chuẩn. Ngược lại, gia đình cũng phối hợp với cơ sở giáo dục mầm non thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Ủy ban nhân dân cấp xã thì vận động các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức, cá nhân phối hợp tham gia những hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em theo quy định tại bộ chuẩn.
Việt Ngân
Bình luận (0)