TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (không thí điểm) và thành phố trong thành phố. Ngay sau khi Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 19 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM được thông qua, Đảng bộ thành phố đã tập trung quán triệt, triển khai để Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, đảm bảo phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển đô thị của thành phố nhanh và bền vững.
Thành ủy Thủ Đức công bố nhân sự các trung tâm: An sinh xã hội, Phát triển hạ tầng kỹ thuật, Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Thủ Đức, tháng 8-2023
Thành phố Thủ Đức được chính thức thành lập từ ngày 1-1-2021, trên cơ sở nhập toàn bộ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1 triệu người, có 34 phường. Để đảm bảo thành phố Thủ Đức đủ thẩm quyền để chủ động giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế – xã hội, đời sống dân sinh trên địa bàn, các lĩnh vực về tài chính, dự án, đầu tư, đô thị, đất đai, môi trường… UBND TP.HCM đã phân công, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với thành phố Thủ Đức nghiên cứu đề xuất và trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách vượt trội để thành phố Thủ Đức phát triển. Theo đó, TP.HCM đã ban hành danh mục 36 đề án, kế hoạch, chương trình, phương án do các sở, ngành thành phố phối hợp với thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện. UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã ủy quyền 1 số nhiệm vụ cho UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cũng đã phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền được giao.
Thành phố Thủ Đức sau khi thành lập đến nay đã tổ chức ổn định bộ máy, thực hiện tốt các nhiệm vụ tại địa phương, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Thủ Đức trở thành trung tâm động lực phát triển đột phá của TP.HCM và khu vực phía Nam. Trong đó, thành phố Thủ Đức đã tập trung thực hiện sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách; giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư sau khi thành lập.
Theo đánh giá của TP.HCM, thực tiễn của quá trình vận hành thành phố Thủ Đức theo mô hình mới đã đặt ra yêu cầu và những thách thức rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường, quốc phòng an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là phát huy và tối ưu hóa các nguồn lực, các tiềm năng, thế mạnh của thành phố Thủ Đức để phát triển đúng theo định hướng là đô thị sáng tạo, tương tác cao, đóng vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng là kinh tế tri thức và khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi thành phố Thủ Đức cần sớm được tạo điều kiện về cơ chế hoạt động có tính chất ưu việt hơn từ Trung ương và TP.HCM để đảm bảo vận hành theo mô hình chính quyền đô thị đầu tiên của cả nước đạt được hiệu quả.
Lãnh đạo thành phố Thủ Đức gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn, tháng 8-2023
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, đồng thời để phát huy thế mạnh, vai trò của mô hình thành phố trong thành phố, đảm bảo thành phố Thủ Đức đủ thẩm quyền để chủ động giải quyết nhiều vấn đề từ thực tiễn, TP.HCM kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nhằm cụ thể hóa mô hình thành phố thuộc thành phố, áp dụng vào thực tiễn tại thành phố Thủ Đức. Từ đó, làm cơ sở đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương đối với mô hình thành phố thuộc thành phố. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, việc phân cấp, ủy quyền cho chính quyền thành phố Thủ Đức để phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Với vai trò là chủ thể, thành phố Thủ Đức cần nhanh chóng triển khai thực hiện đưa Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đi vào cuộc sống nhằm giải quyết những điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực để phát triển trong giai đoạn tới.
Quan trọng nhất là thành phố Thủ Đức phải tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền và đẩy mạnh cải cách hành chính. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc thành lập thành phố Thủ Đức để tạo được sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Rà soát cụ thể để xây dựng các phương án sắp xếp để vừa đảm bảo đúng quy định, vừa phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vừa tạo được sự đồng thuận của nhân dân thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức thật sự trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, động lực tăng trưởng của TP.HCM và khu vực, thật sự trở thành mô hình chính quyền hiệu quả như mục tiêu đề ra khi thành lập.
Ngọc Thắng
Bình luận (0)