Sống chung với một căn bệnh mãn tính nào đó đã là một thách thức, nhưng sống chung với một bệnh tự miễn càng khó hơn nhiều.
Duy trì việc rèn luyện cơ thể giúp bạn tránh được nhiều bệnh – Ảnh: Shutterstock
|
Theo Huffington Post, mỗi loại bệnh tự miễn có phương pháp điều trị khác nhau, và trong một số trường hợp bệnh này hoàn toàn dựa vào sự thay đổi hành vi.
Bệnh tự miễn dịch về cơ bản là làm cơ thể chống lại chính nó. Trong cơ thể mỗi người đều có một hệ thống miễn dịch với chức năng bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật. Tuy nhiên, ở một số người, vì nhiều lý do khác nhau, hệ thống miễn dịch bị rối loạn chức năng và mất khả năng phân biệt lạ – quen, quay ra tấn công lại chính các tế bào của cơ thể, từ đó sinh ra các bệnh lý tự miễn dịch.
Có hơn 80 loại bệnh tự miễn. Nhóm bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến hầu hết các hệ thống cơ quan trong cơ thể, gặp nhiều nhất là hệ thống mô liên kết (như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì), hệ thần kinh (như bệnh xơ cứng rải rác, viêm đa dây thần kinh, bệnh nhược cơ), hệ nội tiết (viêm tuyến giáp tự miễn, bệnh basedow, tiểu đường tuýp 1), hệ thống cơ khớp (viêm da cơ, viêm đa khớp dạng thấp), hệ tiêu hóa (viêm gan tự miễn, bệnh Crohn), các tế bào máu (tan máu tự miễn, xuất huyết giảm tiểu cầu), ngoài da (bệnh Pemphigus, vảy nến) và hệ thống mạch máu (viêm động mạch thái dương, viêm mao mạch dị ứng…).
Bệnh tự miễn dịch tương đối phổ biến. Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ ước tính hiện có tới 23 triệu người Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi bệnh tự miễn, và khoảng 5-8% dân số nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng bởi bệnh này và nó là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ.
Bệnh có thể là do di truyền. Các nhà khoa học cho rằng có nhiều yếu tố kết hợp dẫn đến việc phát sinh bệnh lý này như, giới tính, nội tiết, các kích thích từ môi trường và đặc biệt là yếu tố di truyền. Nhiều nghiên cứu cho thấy một số gen hoặc tổ hợp gen có liên quan mật thiết với sự phát sinh của nhiều loại bệnh tự miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, tiểu đường tuýp 1, bệnh xơ cứng rải rác, nhược cơ, viêm đa khớp dạng thấp… Bên cạnh đó, yếu tố giới tính và nội tiết cũng dường như đóng vai trò quan trọng vì hầu hết các bệnh tự miễn dịch đều xảy ra ở phụ nữ trẻ tuổi và việc bổ sung nội tiết tố nữ cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tự miễn như bệnh lupus do thuốc.
Do yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong cơ chế gây phát sinh các bệnh tự miễn dịch nên các bệnh này thường có tính chất gia đình, những người cùng huyết thống với bệnh nhân mắc bệnh tự miễn cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh này. Do đó, khi một người bị mắc bệnh tự miễn, nên hỏi xem các thành viên khác trong gia đình có các triệu chứng bệnh giống như mình không.
Các bệnh tự miễn khác với dị ứng. Các triệu chứng của bệnh tự miễn đôi khi bị nhầm lẫn do các phản ứng dị ứng. Và cũng có một số bằng chứng cho thấy khuynh hướng di truyền cho cả hai bệnh dị ứng và bệnh tự miễn dịch, thậm chí còn gợi ý rằng dị ứng có thể gây ra các bệnh tự miễn dịch.
Bệnh Celiac là một ví dụ điển hình: Một người bị dị ứng với lúa mì và một người bị bệnh Celiac, cả hai đều được xử lý tương tự; cụ thể là, cả hai sẽ loại bỏ gluten từ chế độ ăn uống. Nhưng cơ thể của người bị dị ứng với lúa mì sẽ không quay ra tấn công chính mình và họ không có nguy cơ gây thiệt hại cho đường ruột cũng như các rủi ro khác liên quan đến bệnh Celiac.
Có thể mất nhiều năm để chẩn đoán. Một số triệu chứng có thể gặp trong hầu hết các bệnh tự miễn dịch là sốt nhẹ và kéo dài, gầy sút cân, mệt mỏi, đau mình, chán ăn… Tuy nhiên, các biểu hiện khác của mỗi bệnh tự miễn tùy thuộc chủ yếu vào vị trí cơ quan bị tổn thương như viêm đa khớp dạng thấp có biểu hiện đặc trưng là sưng đau và biến dạng nhiều khớp, trong lupus ban đỏ hệ thống là ban cánh bướm ở mặt, đau khớp, rụng tóc, viêm cầu thận, trong xơ cứng bì là dày cứng da, đau khớp, co thắt mạch máu đầu chi, trong viêm tuyến giáp tự miễn là các biểu hiện suy giáp như mệt mỏi, sợ lạnh, chậm nhịp tim…
Do bệnh tự miễn ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, và các triệu chứng có thể đến và đi, nên đôi khi gây khó khăn cho các chuyên gia y tế nhận biết và điều trị.
Trúc Lam
(TNO)
Bình luận (0)