Số ca mắc sốt xuất huyết trong gần ba tháng đầu năm 2015 đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2014.
Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng sẽ bước vào cao điểm từ tháng 4 tới. Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cảnh báo dịch cúm cũng đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều chủng cúm mới gần đây.
Tuy ba tháng đầu năm số mắc bệnh tay chân miệng trên cả nước giảm, nhưng tuần qua bắt đầu tăng nhích cục bộ tại các địa phương như TP.HCM, Long An, Đồng Tháp, Đà Nẵng…
Theo ông Phu, do đây là dịch lưu hành và liên quan nhiều đến hành vi vệ sinh của từng cá nhân nên rất khó khống chế.
Trong khi đó, dù cao điểm của dịch sốt xuất huyết là vào mùa mưa, nhưng số mắc sốt xuất huyết đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2014.
“Tôi đang rất lo vì năm 2014 là năm sốt xuất huyết giảm mạnh nhất trong 10 năm gần đây, nhưng có một chu kỳ là năm tăng năm giảm, năm 2014 giảm rồi thì năm 2015 có nguy cơ tăng” – ông Phu nhận định.
Cũng theo ông Phu, dịch cúm rất cần cảnh báo do đang diễn biến phức tạp trên thế giới: tại Mỹ xuất hiện chủng cúm H9N2, tại Trung Quốc chủng cúm H7N9 chưa khống chế độc, tại Việt Nam đã xuất hiện chủng cúm H5N6 trên gia cầm ở Thanh Hóa và H5N1 lưu hành ở thủy cầm các tỉnh phía Nam.
Ba tháng đầu năm 2015, dù cúm A/H1N1 chỉ chiếm 10% tổng số bệnh nhân cúm giám sát được, nhưng tại tỉnh Lâm Đồng vừa phát hiện ổ dịch cúm đầu tiên kể từ đầu năm, với 16/18 học sinh trong một lớp mắc bệnh.
Tháng 4-5 là mùa của rất nhiều dịch bệnh mùa hè như viêm não Nhật Bản B (năm 2014 số mắc đã tăng khoảng 35% so với cùng kỳ 2013), sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Bên cạnh đó, mùa nắng nóng cũng có nguy cơ bệnh tả, bệnh dại và nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác bùng phát.
LAN ANH
(TTO)
Bình luận (0)