Sự kiện giáo dục

18 tác phẩm đoạt Giải báo chí viết về giáo dục lần 1

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 19-11, Hội Nhà báo TP.HCM cùng Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã tổ chức Lễ trao Giải báo chí viết về giáo dục lần 1 năm 2023 với chủ đề “Vì sự nghiệp phát triển giáo dục TP.HCM”.


Ông Nguyễn Tấn Phong – Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM nhận xét về các tác phẩm đoạt giải

Tham dự có ông Lê Thắng Lợi – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT; ông Nguyễn Hồng Tây – Phó Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM; ông Nguyễn Minh Hải – Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM…

Giải báo chí viết về giáo dục lần 1 năm 2023 triển khai từ đầu tháng 10-2023 với gần 80 tác phẩm từ 14 đơn vị báo chí trung ương và TP.HCM gửi về dự thi.


Ban Tổ chức tặng hoa cảm ơn Ban Giám khảo

Giải quy tụ thành phần Ban Giám khảo gồm các ông, bà có chuyên môn cao, uy tín đến từ các đơn vị báo chí trực thuộc Hội Nhà báo TP.HCM như: Nhà báo Dương Vũ Thông – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP.HCM; ông Nguyễn Bảo Quốc ­- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM; Nhà báo Lý Việt Trung – Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TP.HCM; Nhà báo Lê Thế Chữ – Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ; ông Thái Thành Chung – Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM; nhà báo Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao động; ông Nguyễn Khắc Văn – Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn giải phóng.


Ông Nguyễn Tấn Phong – Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cùng ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM cảm ơn đơn vị đồng hành

Qua quá trình làm việc công tâm, chọn lọc kỹ lưỡng, đầy trách nhiệm, Ban Giám khảo đã chọn ra 18 tác phẩm xuất sắc để trao giải.

Giải nhất thuộc về tác phẩm “TP.HCM qua 20 năm xây trường mở lớp” của tác giả Quang Huy và Thu Tâm (Báo Sài Gòn giải phóng); 2 giải nhì thuộc về tuyến bài “Thiếu giáo viên” của tác giả Trần Ngọc Quý (Báo Tuổi trẻ) và tác phẩm “Mập mờ tuyển sinh liên thông cao đẳng, đại học” của tác giả Huế Xuân – Huy Lân (Báo Người Lao động). Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn trao 5 giải ba và 10 giải khuyến khích. 


Ông Nguyễn Tấn Phong trao giải nhất cho đại diện nhóm tác giả đến từ Báo Sài Gòn giải phóng

Riêng Tạp chí Giáo dục TP.HCM có 2 tác phẩm đoạt giải gồm: Loạt bài “Lọt, lộ thông tin dữ liệu học sinh” của tác giả Yến Hoa đoạt giải ba và Loạt bài gương sáng học đường “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của tác giả Hồ Trinh đoạt giải khuyến khích.

Các tác phẩm đoạt giải khẳng định sự đa dạng, phong phú, sáng tạo, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm, tâm huyết của tác giả đối với giáo dục TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều tác phẩm được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phản ánh chân thực, toàn diện, chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc về ngành giáo dục và đào tạo hiện nay.


Tác giả nhận giải nhì

Ông Nguyễn Tấn Phong – Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức giải – khẳng định, trong quá trình phát triển đất nước, giáo dục được Đảng và Nhà nước xem là quốc sách hàng đầu góp phần xây dựng dân trí, đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển đất nước. Trong đó, đội ngũ phóng viên, nhà báo là đội ngũ tham gia phản biện, đưa thông tin tuyên truyền, góp ý xây dựng tích cực trên mật trận thông tin về giáo dục TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

“Qua các tác phẩm dự giải cho thấy các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt tình và tâm sức của mình để mang tới cho công chúng những tác phẩm báo chí có chất lượng cao, thiết thực trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay’, ông Phong đánh giá.


Ông Lê Thắng Lợi – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT trao giải ban cho tác giả Yến Hoa (Tạp chí Giáo dục TP.HCM)

Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM, Phó Trưởng ban Tổ chức giải, Ban Giám khảo – nhận xét, các tác phẩm dự thi khá đồng đều về chất lượng. Nhiều tác phẩm đã tạo hiệu ứng xã hội tốt, gây ấn tượng trong dư luận, mang cảm xúc chân thật và suy nghĩ tích cực cho bạn đọc về người thầy, về những hoạt động sáng tạo của ngành giáo dục TP, đồng thời có tính phản biện và định hướng cho việc xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.  

Theo ông Nguyễn Thanh Tú, hội đồng giải đánh giá rất cao tính nhân văn, sự sáng tạo và tinh thần phản biện thể hiện rất rõ trong từng tác phẩm. Tất cả những điều đó đã góp phần xây dựng ngành giáo dục TP ngày càng phát triển vững mạnh trên bước đường hội nhập.


Ban Tổ chức, Ban Giám khảo chụp hình lưu niệm cùng tác giả đoạt giải

“Đặc biệt, giải báo chí viết về giáo dục lần này được tổ chức đúng dịp Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Trong số những tác phẩm dự thi, có những tác phẩm viết về những tấm gương thầm lặng mà cao cả của người thầy đã hết lòng hết dạ vì học sinh thân yêu của mình. Những tác phẩm ấy thay cho những đóa hoa tươi thắm gửi tặng quý thầy cô giáo trong ngày lễ trọng đại này”, ông Tú chia sẻ.

Trong giai đoạn hiện nay, TP.HCM đang tập trung thực hiện thành công các nghị quyết để phát triển TP trong tình hình và điều kiện mới. Trong đó, báo chí góp phần quan trọng thực hiện thành công các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và các nghị quyết về TP.HCM nói riêng.

Hồ Trinh

Bình luận (0)