Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những thông tin cần biết về bệnh sởi

Tạp Chí Giáo Dục

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ…
Cần tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ – Ảnh: Shutterstock
Bệnh có thể gặp ở trẻ em và cả người lớn, nếu không đề phòng, bệnh có thể gây thành dịch và để lại những biến chứng, như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng.
Những thông tin cần thiết sau trên trang About, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh sởi.
Bệnh sởi có thể được phòng ngừa thông qua tiêm chủng. Bệnh sởi là một trong 10 bệnh có thể được khống chế hoặc tiêu diệt bằng vắc xin. Bệnh sởi nằm trong danh sách một trong những loại bệnh nguy hiểm. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính từ năm 2000-2012, trên toàn thế giới có đến 13,8 triệu người tử vong vì bệnh sởi dù đã được ngăn ngừa bằng cách tiêm vắc xin.
Bệnh sởi rất dễ lây. Sởi là một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan qua ho và hắt hơi. Quá trình nhiễm bệnh thường diễn ra khoảng 4 ngày trước khi bắt đầu phát ban tới 4 ngày sau khi ban xuất hiện. Vi rút gây bệnh sởi có thể sống và gây bệnh cho đến 2 giờ trên các bề mặt bị ô nhiễm, do đó việc vệ sinh tay vô cùng quan trọng trong việc phòng chống bệnh sởi.
Sởi vẫn có thể xảy ra dù đã tiêm vắc xin. Hầu hết bệnh sởi có thể phòng ngừa bằng vắc xin, nhưng vẫn có một số trường hợp vắc xin không hoàn toàn chắc chắn có thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh sởi, đặc biệt khi thực hiện việc tiêm phòng chậm trễ.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh sởi. Một số đứa trẻ không thể chủng ngừa vắc xin sởi do còn quá nhỏ, hoặc những đứa trẻ có nguy cơ đối với bệnh sởi bao gồm: không được chủng ngừa (sởi-quai bị-rubella), chẳng hạn như bị suy giảm miễn dịch, và kể cả trẻ em được điều trị ung thư hoặc đang dùng liều cao corticoid.
Chủng ngừa bệnh sởi. Trẻ em thường được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi khi được 12-15 tháng tuổi (liều đầu tiên) và một lần nữa vào khoảng 4-6 năm sau (liều nhắc lại), điều đó có nghĩa trẻ sơ sinh vẫn có nguy cơ bị bệnh sởi trước khi được tiêm liều vắc xin đầu tiên. Ngoài ra, trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị sởi bởi liều vắc xin đầu tiên chỉ có tác dụng bảo vệ hệ miễn dịch một phần nào đó cho đến khi chúng nhận được liều vắc xin nhắc lại.
Sởi được chú ý bởi sự xuất hiện của các đốm đỏ. Bệnh sởi phát ban có thể trông giống như phát ban do vi rút. Không có cách chữa bệnh sởi khi bị nhiễm, cũng không có thuốc kháng vi rút để điều trị bệnh sởi. Cách điều trị được khuyến cáo áp dụng hiện nay bao gồm chăm sóc hỗ trợ, chẳng hạn như chế độ dinh dưỡng tốt, uống nhiều nước.
Theo About, sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em trên toàn thế giới, mặc dù đã có vắc xin tiêm phòng hiệu quả. Các trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi thường xuyên xảy ra ở hầu hết các nước đang phát triển với hệ thống chăm sóc y tế nghèo nàn.
Cách vi rút sởi gây bệnh. Vi rút sởi xuất hiện trong tế bào mặt sau của cổ họng và phổi. Nó lây lan qua hệ thống bạch huyết trong khắp cơ thể, gây nhiễm vi rút toàn thân. Khi vi rút vào trong cơ thể bệnh nhân sẽ kích thích sinh kháng thể, từ đó gây thiệt hại cho các thành mạch máu nhỏ, dẫn đến phát ban.
Triệu chứng của bệnh. Các triệu chứng của bệnh sởi thường xuất hiện khoảng 10-12 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc vi rút với các biểu hiện sốt cao kéo dài 4-7 ngày kèm theo chảy nước mũi, ho, chảy nước mắt, và xuất hiện những đốm nhỏ màu trắng bên trong má. Từ 7-18 ngày sau khi tiếp xúc vi rút, phát ban sẽ xuất hiện trên mặt và cổ, lan xuống trong khoảng thời gian 3 ngày và kéo dài 5-6 ngày. Các nốt ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên hai bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 giờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, hai tay và sau cùng là hai chân trong từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3. Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết đường tiêu hóa.
Lam Nghi
(TNO)
 

Bình luận (0)