Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Việt Nam có thể sẽ không đón thêm khách quốc tế đến hết năm 2020?

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Lê Tuấn Anh (Tổng Cục Du lịch) cho rằng nếu đến hết tháng 12/2020 dịch vẫn chưa kết thúc, thì từ tháng 4 đến tháng 12 Việt Nam sẽ gần như không đón thêm khách quốc tế nào.
Du lịch Việt Nam đang ở vị thế tăng trưởng kỷ lục 2 con số vào năm 2019 thì đến đầu năm 2020 bất ngờ rơi vào khủng hoảng do ảnh hưởng của virus corona.
Lượng khách quốc tế giảm sâu chưa từng có do các biện pháp “siết chặt” phòng chống dịch như: hạn chế đi lại, tạm dừng nhập cảnh người nước ngoài… 
 
Từ đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, tháng 3/2020, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều chuyên gia dự báo, lượng khách du lịch sẽ còn tiếp tục đà giảm sâu và xuống đáy từ tháng 4, do hàng loạt các nước trên thế giới tiếp tục gia tăng các biện pháp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.   
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin Du lịch (Tổng Cục Du lịch) đánh giá, sự phục hồi của du lịch Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm Covid-19 được khống chế trên thế giới.
Trong đó, nếu đại dịch kết thúc cuối tháng 6/2019, thì du lịch Việt Nam sẽ phục hồi dần vào cuối năm. Ngoài ra, nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12/2020 dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, thì từ tháng 4 đến tháng 12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế đến.
Kịch bản 1: Dịch kết thúc cuối tháng 6/2020, khách quốc tế sẽ giảm 70% 
Ông Lê Tuấn Anh phân tích, trong trường hợp này, lượng khách quốc tế sẽ ở đáy từ tháng 4 đến tháng 6. Thời gian này, gần như không có khách quốc tế đến Việt Nam. Số lượng khách sẽ hồi phục dần vào cuối năm nhưng còn thấp, chưa thể tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2019.
Biểu đồ 1. Dự báo khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 6/2020.
Sau khi dịch được khống chế, hoạt động du lịch công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất…
Tuy nhiên, độ mở về đi lại chưa hoàn toàn như trước khi có dịch do các nước vẫn còn đề phòng sự quay lại của Covid‐19. Các thị trường gần trong khu vực châu Á có khả năng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc…
"Theo kịch bản này, khách du lịch quốc tế đến năm 2020 có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt", ông Tuấn Anh nhìn nhận.
Kịch bản 2: Dịch kết thúc cuối tháng 9/2020, lượng khách giảm sâu
Trong trường hợp này, đại dịch kéo dài trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, Bắc Mỹ. Ở châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác cơ bản khống chế được dịch trước, tuy nhiên các biện pháp hạn chế đi lại, giao thương vẫn bị hạn chế để ngăn ngừa dịch lây lan.
Biểu đồ 2. Dự báo khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 9/2020.
Nếu vậy, thời gian ngưng trệ gần như không có khách du lịch quốc tế sẽ kéo dài hơn trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9, chỉ có thể bắt đầu hồi phục rất hạn chế từ cuối năm với các hoạt động đi lại du lịch công vụ, giao thương.
Ông Lê Tuấn Anh cho rằng, theo kịch bản này, lượng khách du lịch quốc tế đến năm 2020 sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt.
“Ngoài ra, nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12/2020 dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, từ tháng 4 đến tháng 12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế đến, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 80% so với năm 2019, dừng ở tổng số 3 tháng đầu năm với 3,7 triệu lượt”, chuyên gia này nói.
Mô hình phục hồi V, U, L hay W?
Thời gian qua, nhiều kịch bản hồi phục của nền kinh tế nói chung, ngành du lịch nói riêng sau đại dịch Covid-19 theo các mô hình chữ V, chữ U, chữ L hay chữ W được nhiều chuyên gia đưa ra phân tích.
Theo đó, mô hình hồi phục hình chữ V thể hiện sự phục hồi nhanh tương đương với đà sụt giảm.
Mô hình chữ U thể hiện một quá trình trì trệ kéo dài trước khi phục hồi nhanh, chữ L thể hiện quá trình trì trệ chưa biết thời điểm phục hồi hoặc trước mắt phục hồi chậm, chữ W thể hiện sự thiếu ổn định, khó dự báo, tăng trưởng nhanh xen lẫn sụt giảm nhanh trong thời gian ngắn, nhất là khi dịch bệnh hoặc sự kiện có tác động tương tự có thể sớm lặp lại.
Ông Lê Tuấn Anh (Tổng Cục Du lịch) cho rằng nếu đến hết tháng 12/2020 dịch vẫn chưa kết thúc, thì từ tháng 4 đến tháng 12 Việt Nam sẽ gần như không đón thêm khách quốc tế nào.
Từ các kịch bản nêu trên, theo ông Lê Tuấn Anh cho rằng, du lịch Việt Nam trong năm 2020 có thể gần theo mô hình chữ L hơn các mô hình khác.
"Trong cả hai kịch bản dự báo đối với du lịch Việt Nam, dịch Covid‐19 kéo dài làm ngừng trệ các hoạt động du lịch trong một khoảng thời gian.
Sau khi dịch được khống chế, khách du lịch quốc tế không còn nhiều thời gian để lên kế hoạch đi du lịch vào cuối năm, cộng thêm tâm lý vẫn còn e ngại sau khi dịch đi qua nên năm 2020 dự báo sẽ là năm tăng trưởng thấp kỷ lục của du lịch Việt Nam trong bối cảnh sụt giảm nghiêm trọng của du lịch thế giới.
Dịch Covid‐19 kéo dài làm ngừng trệ các hoạt động du lịch trong một khoảng thời gian.
Khả năng phục hồi theo mô hình chữ U rất khó xảy ra do sau giai đoạn kéo dài ở đáy suy giảm, có sự thay đổi cả ở phía cung (sản phẩm, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không bị thiệt hại…) và cầu du lịch (thị trường hồi phục dần theo từng nhóm, nội địa và quốc tế, từng phân khúc). Mô hình chữ V đã không thể xảy ra và mô hình chữ W còn tiềm ẩn nhưng chưa thể dự báo trước", ông Lê Tuấn Anh phân tích.
Trước đó, ông Ngô Hoài Chung (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) cũng dự báo, để hết dịch thì lạc quan nhất cũng phải hết tháng 6/2020 và ngành du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi lại các hoạt động như trước khi có dịch là vào đầu năm 2021.
Hà Trang (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)