Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

37% bệnh viện vệ tinh có tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến giảm rõ rệt

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay một số bệnh viện vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới.

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh năm 2013-2014, do Bộ Y tế tổ chức sáng 16/4, người đứng đầu ngành y tế dẫn chứng, đó là các bệnh viện điển hình như Bệnh viện đa khoa các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam…

Xạ trị cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN)

Những năm qua, các bệnh viện vệ tinh với việc tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện hạt nhân, tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện vệ tinh đã giảm rõ rệt. Có 37,5% số bệnh viện vệ tinh đã có tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt.

Chẳng hạn như Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận tỷ lệ chuyển tuyến chấn thương sọ não năm 2013 là 104 ca nhưng năm 2014 chỉ còn 12 ca, giảm chuyển tuyến 88%; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ sau khi được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ung bướu, số lượt người bệnh được xạ trị và phẫu thuật ung bướu tại bệnh viện tăng lên gần 2 lần (năm 2013 là 2.876 ca, năm 2014 là hơn 5.500 ca)…

Đề án bệnh viện vệ tinh là một trong những giải pháp Bộ Y tế đang tập trung thực hiện nhằm giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Bộ trưởng Y tế cho hay, sau hai năm thực hiện Đề án (2013-2015), đến nay Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế bước đầu thu được một số kết quả đáng được khích lệ. Chuyên ngành ung bướu đã tiến hành chuyển giao 58 lượt kỹ thuật cho tuyến dưới, chuyên ngành tim mạch đã chuyển giao 27 kỹ thuật, chuyên ngành ngoại chấn thương đã hoàn thành 105 lượt chuyển giao kỹ thuật, chuyên ngành nhi đã hoàn thành 34 lượt chuyển giao kỹ thuật, chuyên ngành sản đã hoàn thành 28 lượt chuyển giao kỹ thuật…

Đánh giá về đề án sau hai năm thực hiện, phó giáo sư Trần Bình Giang – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay: “Sau khi đề án được triển khai, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được kỹ thuật khó được chuyển giao khá hiệu quả như mổ máu tụ trong não. Trước khi chuyển giao, nhiều nơi chưa thực hiện được nhưng hiện nay thì khác, tỷ lệ chuyển tuyến lên chỉ còn 1-3%.”

“Ngoài ra có tình trạng, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới và khó cho một bác sỹ xong mất nhiều công sức nhưng học xong bác sỹ lại không về tỉnh công tác gây nên lãng phí lớn,” Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nhấn mạnh.

Phó giáo sư Giang đề xuất, các bệnh viện cần lựa chọn kỹ thuật để chuyển giao không phải làm tràn lan, như mổ tim hở chỉ cần một vài nơi làm được. Bên cạnh đó, cần khảo sát đánh giá trước cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện vệ tinh trước khi chuyển giao kỹ thuật, tránh tình trạng bác sỹ được đào tạo, chuyển giao xong về tuyến dưới không có thiết bị để làm.

Để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, theo đề nghị của Bộ Y tế, ngày 09/01/2013 Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 92/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện. Đề án gồm 8 nội dung hoạt động, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế phê duyệt và triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh.

Giai đoạn đầu của Đề án, Bộ Y tế đã giao cho 14 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân và 47 bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên ngành đang quá tải trầm trọng là: tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương, sản, nhi./.

THÙY GIANG

(VIETNAM+)

Bình luận (0)