Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tìm về trái tim của giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Là chủ đề Hội thảo đào tạo thực hành 2023 – Phương pháp dạy học khai phóng tư duy (PEN 2023) cho giáo viên từ cấp tiểu học cho tới phổ thông, đại học… với lòng nhiệt thành cùng nhau nhìn vào cái tâm của người làm giáo dục. Hội thảo vừa diễn ra tại TP.HCM dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.


Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu – CEO và Sáng lập Quỹ phát triển Giáo dục IEG đã khéo léo chuyển hóa những tri thức truyền thụ bởi các nhà hiền triết về giáo dục thành con đường dẫn tới ngọn hải đăng

Chương trình hội thảo đào tạo thực hành dành cho giáo viên PEN (Pioneering Educator Network – tạm dịch là mạng lưới các nhà giáo dục tiên phong), đồng khởi xướng bởi Quỹ phát triển Giáo dục IEG và Đại học Fulbright Việt Nam, đã chính thức quay lại.

Năm nay, lần thứ tư hội thảo được diễn ra, cũng đánh dấu lần đầu tiên có được sự đồng hành từ phía Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP với thương hiệu Lof. Lof Kun, Lof Malto trong suốt thời gian qua đã luôn bền bỉ mang yêu thương, hạnh phúc – niềm hứng khởi đến các trường học trên cả nước.

Tiến sĩ Mira Seo – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta ở đây, vì khi chọn làm một nhà giáo dục, chúng ta trân trọng việc học hỏi cũng nhiều như chúng ta yêu quý việc dạy học”.

Trước thực trạng nhiều giáo viên rời bỏ công việc yêu thích của mình sau nhiều biến động mà đại dịch Covid mang lại, trong lần thứ tư tổ chức hội thảo này, các diễn giả khách mời đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực, đã quyết định đưa các giáo viên đi ngược lại dòng chảy sự nghiệp trên con đò giáo dục. Cùng nhau tìm về trái tim của người làm nghề giáo thông qua việc đặt lại các câu hỏi mang tính triết lý về ý nghĩa và căn tính của người thầy, cũng nhưng những cách thức mà người thầy có thể mang lại niềm vui cho chính mình và những học sinh của mình qua công việc dạy học.    

Qua bài chia sẻ về “Căn tính của người làm nghề giáo”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu – CEO và Sáng lập Quỹ phát triển Giáo dục IEG đã khéo léo chuyển hóa những tri thức truyền thụ bởi các nhà hiền triết về giáo dục thành con đường dẫn tới ngọn hải đăng, nơi mà ẩn sâu trong đó là những gì căn bản nhất của người giáo viên.

Bên cạnh đó, hội thảo PEN 2023 còn có sự xuất hiện từ diễn giả là Tiến sĩ Nathan Gehlert – giảng viên khoa Tâm lý học của Đại học Fulbright Việt Nam. Tiến sĩ Nathan Gehlert đã cùng các giáo viên tìm lại niềm vui trong cái tâm của người làm nghề, từ đó mang chúng quay trở lại lớp học, làm sao cho học sinh cảm nhận được sự tâm huyết và lòng nhiệt thành mà các giáo viên dành cho học trò.

Có thể thấy, mong muốn của người tổ chức ra hội thảo PEN 2023 tạo nên một mạng lưới để giáo viên có một diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm và  học hỏi lẫn nhau. Đến với Hội thảo PEN năm nay, giáo viên không chỉ được tham gia vào bài giảng của các diễn giả khách mời, mà chính thầy cô cũng có cơ hội chia sẻ với những đồng nghiệp của mình tại chuyên đề PENex. Đây là nơi để những nhà giáo cho thấy tính thiết thực và hiệu quả từ kiến thức ở các mùa PEN trước qua việc áp dụng chúng vào trong công tác giảng dạy của mình.

Tại PENex, giáo viên đã nói lên những suy nghĩ, đưa ra những sáng kiến mới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và trau dồi chuyên môn. Từ những bài học mà bản thân đã đúc kết được qua những năm tháng đứng trên giảng đường ấy, chính giáo viên sẽ truyền cảm hứng cho giáo viên.

Đợt 2, hội thảo diễn ra ở Hà Nội vào ngày 22-23/4. Trong cả hai đợt, với khoảng 300 giáo viên đến từ 40 tỉnh thành tham dự trực tiếp, và có thêm khoảng 500 giáo viên tham dự online.

N.Trinh

Bình luận (0)