Trước cơn sốt của công cụ phần mềm ChatGPT, dư luận thêm một lần nữa băn khoăn, với trí tuệ nhân tạo (AI) thì vai trò của giáo viên có sụt giảm, thầy cô có bị đẩy… ra rìa?
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, giáo viên vẫn giữ vai trò là người dẫn dắt, định hướng học sinh
Giáo viên có bị đảo vai?
Trong một chuyên đề giáo dục với học sinh toàn trường mới đây, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) đã thử nhờ sự trợ giúp của công cụ phần mềm ChatGPT khi yêu cầu viết một bài báo cáo. “Tôi hoàn toàn bất ngờ với kết quả mang lại. Trước đây, nếu cặm cụi, chú tâm viết thì tôi sẽ phải mất khoảng một buổi tối lựa chọn, chỉnh sửa từng câu chữ để hoàn thiện bài phát biểu. Thế nhưng, với ChatGPT, quãng thời gian đó rút ngắn lại chỉ còn vài giây mà lại chính xác từng câu chữ”, thầy Phú nói.
Thầy Phú cho biết, với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, ChatGPT tác động đến giáo dục khiến chúng ta phải suy nghĩ rằng liệu vai trò của người thầy có bị “đảo vai”. Giáo viên dạy gì, dạy thế nào, kiểm tra đánh giá học sinh ra sao, trang bị cho học sinh các kỹ năng nào khi bất cứ điều gì học sinh cũng có thể đặt câu hỏi và nhờ ChatGPT giải đáp. “Chúng ta không thể cấm học sinh sử dụng ChatGPT. Đây là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Một khi đã là sản phẩm thì việc sử dụng thế nào để hiệu quả lại phụ thuộc vào chính chúng ta. Theo tôi, nếu biết sử dụng hiệu quả thì ChatGPT sẽ là một công cụ hữu ích hỗ trợ thầy cô rất nhiều trong việc giáo dục học sinh, trang bị bổ sung kiến thức cho học sinh. Do vậy, điều này đặt ra thêm cho giáo viên vai trò phải là người dẫn đường, dẫn dắt, định hướng học sinh sử dụng sao cho hiệu quả, không lạm dụng, trang bị cho các em kỹ năng ứng xử trước trí tuệ nhân tạo”, thầy Phú nhấn mạnh.
Ở vai trò là một giáo viên môn ngữ văn, ThS. Phan Thế Hoài (giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) nhìn nhận, sự xuất hiện của công cụ phần mềm ChatGPT đòi hỏi giáo viên phải luôn cập nhật, am hiểu và có khả năng vận dụng công nghệ để không bị lạc hậu, kể cả đào thải. Về mặt tiêu cực, nếu giáo viên không kiểm soát được việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính trong giờ học thì có khả năng cao học sinh sẽ lạm dụng ChatGPT để làm bài tập. Dù vậy, thầy Hoài khẳng định, ChatGPT không thể thay thế vai trò của giáo viên dạy văn “dù có thể sẽ xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ”, bởi đặc trưng của văn chương là nghệ thuật ngôn từ, nghĩa là người thầy phải có sự sáng tạo, có cảm xúc. “Học sinh có thể tham khảo ChatGPT như một công cụ trong học tập. Điều đó cần khuyến khích chứ không nên cấm đoán. Tuy nhiên, sử dụng làm sao để hiệu quả nhất thì đòi hỏi vai trò của giáo viên trong việc định hướng, chia sẻ, dẫn dắt học sinh; sáng tạo trong cách đặt câu hỏi, kiểm tra đánh giá làm sao hướng đến phát huy tối đa được năng lực, phẩm chất học sinh”, thầy Hoài chia sẻ.
“Báo động đỏ” về sự đổi mới của giáo viên
Thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng với công cụ phần mềm ChatGPT một lần nữa phát đi “báo động đỏ” cho ngành giáo dục về việc giáo viên phải đổi mới, phải chuyển mình, phải không ngừng học hỏi để thích ứng với sự thông minh của trí tuệ nhân tạo. “Nếu chúng ta chỉ lo sợ, chỉ cảm thấy bị đe dọa trước trí tuệ nhân tạo mà ChatGPT chỉ là một ứng dụng thì chúng ta sẽ không thể giáo dục được học sinh của mình. Giáo viên không ngừng học hỏi, sáng tạo, chú trọng dạy cho học sinh các kỹ năng để thích ứng, cân bằng trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang ngày càng chi phối. Nếu được, theo tôi, thầy cô nên mạnh dạn đưa trí tuệ nhân tạo vào trong các bài học. Nếu ChatGPT giúp cho quá trình, công việc giảng dạy của giáo viên nhẹ đi phần nào thì thầy cô nên tận dụng để giảm bớt khối lượng công việc”, thầy Phú nhìn nhận.
Hiện nay, điều quan trọng nhất là nhà trường và giáo viên trang bị cho học sinh kỹ năng ứng xử với trí tuệ nhân tạo
Phó hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức cũng cho rằng, giáo viên không nên “lo sợ” bị mất đi vị thế, vai trò trước sức nóng của ChatGPT. Bởi đây chỉ là công cụ tìm kiếm, có thể đưa ra giải pháp cho con người từ sự phân tích, đánh giá của trí thông minh nhân tạo. Song mọi ý tưởng, lên chương trình hay đặt câu hỏi đều là từ chúng ta và ChatGPT chỉ thực thi nhiệm vụ. Chúng ta là người đặt câu hỏi, sắp xếp sườn bài, lên ý tưởng… ChatGPT hỗ trợ chúng ta làm việc nhanh hơn. Nói một cách tích cực, nó sẽ giúp công việc của giáo viên, việc học của học sinh nhẹ nhàng hơn chứ không thể làm giảm vai trò của giáo viên. “Thực tế hiện nay có rất nhiều công cụ tìm kiếm, ngoài ChatGPT. Hiện học sinh đã vận dụng công nghệ rất nhiều rồi. Cái mà giáo viên dạy là làm cho học sinh hiểu vấn đề và làm chủ công nghệ. Như vậy, đặt ra yêu cầu bắt buộc giáo viên phải đổi mới cách dạy, cách kiểm tra đánh giá. Để làm được điều này thì giáo viên cần được quan tâm hơn về mọi mặt để họ có động lực trong dạy học của thời đại mới”, vị phó hiệu trưởng nhìn nhận. Đặc biệt, vị phó hiệu trưởng này cho rằng, trước hết giáo viên nên mạnh dạn trải nghiệm, phải biết ChatGPT là gì, nó hoạt động như thế nào, nó có thể làm được gì đối với công việc của chính chúng ta… Từ đó sẽ có cách thay đổi phương pháp giảng dạy, tạo hoạt động giảng dạy, bài tập, giúp học sinh chủ động hơn.
ThS. Lê Thanh Tùng (Giám đốc Chương trình ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Hoa Sen) cảnh báo, với ChatGPT, nếu giáo viên không cẩn thận có thể sẽ bị “đảo vai”, khi học sinh có xu hướng tìm kiếm, nhờ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ với những hiểu biết, phân tích sâu rộng hơn người thầy. “Điều cần thiết hiện nay là giáo viên và nhà trường phải trang bị cho học sinh kỹ năng để sử dụng ChatGPT hiệu quả chứ không phải là lạm dụng, lệ thuộc; ChatGPT chỉ là một công cụ để bổ trợ, khai thác trí tuệ nhân tạo để làm hiệu quả hơn cho việc học”, ông Tùng lưu ý.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)