Trong năm 2023, các địa phương sẽ tăng cường việc xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng thông qua hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên địa bàn.
Ông Trần Nguyên Hiền – Trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP thông tin về NVSCC
Tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM chiều 16-3, ông Trần Nguyên Hiền – Trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng 255 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), tập trung nhiều nhất khu vực nội thành với quận 5 có 38 NVSCC, quận 1 và quận 3 có khoảng 10-18 NVSCC.
Hàng năm, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực môi trường tại địa phương. Theo đó, năm 2021 có 6.051 trường hợp vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, trong đó 2.667 trường hợp bị nhắc nhở, 3.384 trường hợp bị xử phạt với tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng.
Năm 2022 có 3.257 trường hợp vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, trong đó có 531 trường hợp bị nhắc nhở, 2.726 trường hợp bị xử phạt với tổng số tiền là 1,6 tỷ đồng; xử phạt đối với các hành vi được phát hiện qua camera giám sát là 58 trường hợp, xử phạt qua công tác kiểm tra là 2.668 trường hợp.
“Trong năm 2023, các địa phương cũng sẽ tăng cường việc xử lý các hành vi vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên địa bàn”, ông Hiền nói.
Theo ông Hiền, nhằm đáp ứng nhu cầu vệ sinh của người dân, khách vãng lai cũng như góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, sự hài lòng, thoải mái cho khách du lịch đến TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị đang được giao quản lý, vận hành và khai thác các NVSCC đã được đầu tư tại các bến xe, công viên và các khu vực công cộng khác như: Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Du lịch, UBND TP.Thủ Đức và quận, huyện, Công ty TNHH MTV DVCI Thanh niên Xung phong khẩn trương cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ.
Yêu cầu UBND TP.Thủ Đức và quận, huyện chủ động, khẩn trương lựa chọn vị trí thực hiện lắp đặt mới các NVSCC di động trên địa bàn, đồng thời rà soát, vận động các chủ sở hữu, đơn vị quản lý, khai thác các cơ sở kinh doanh, dịch vụ như: bưu điện, cây xăng, trung tâm văn hóa, trung tâm đào tạo, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống, bến xe… thực hiện nâng cấp, cải tạo nhằm nâng cao chất lượng nhà vệ sinh tại cơ sở; đồng ý cho khách du lịch, khách vãng lai được sử dụng các nhà vệ sinh này khi có nhu cầu để tăng số lượng nhà vệ sinh sẵn sàng phục vụ trên địa bàn.
Quang cảnh buổi họp báo
“Giải pháp này nếu được triển khai đồng bộ sẽ góp phần phát huy những giá trị, truyền thống tốt đẹp, chung tay góp sức của tất cả các tầng lớp nhân dân trong giải quyết tình tình trạng thiếu NVSCC và góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, nâng cao chất lượng phục vụ cuộc sống của người dân, khách du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các ngành du lịch, dịch vụ”, ông Hiền nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiền, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì làm việc với UBND quận 1 để trao đổi, thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng NVSCC trên địa bàn, trong đó có giải pháp cải tạo đầu tư mới NVSCC dạng di động.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Tài nguyên và Môi trường có tiếp xúc, làm việc với một số nhà sản xuất cung cấp nhà vệ sinh di động với nhiều mẫu mã, thiết kế tùy theo điều kiện đặc thù của các địa phương để kết nối, giới thiệu các nhà sản xuất đến các đơn vị có nhu cầu trang bị, được giao làm đầu tư NVSCC.
N.Trinh
Bình luận (0)