Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Niềm vui dạy học

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bất cứ ngành nghề nào, cũng đều có niềm vui, hạnh phúc nhất định. Riêng đối với nghề giáo, không chỉ vậy, mà còn có giá trị thiêng liêng, bởi lẽ Comenxki đã từng khẳng định: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, đề cao tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, luôn tôn kính thầy cô giáo, những người đã có công khai tâm, mở trí cho mọi người. Chính từ sự tôn vinh đó, đòi hỏi người thầy phải đáp ứng những yêu cầu rất cao của xã hội đặt ra, mà trước hết là nhân cách, phẩm chất và đạo đức.


Luôn có niềm vui trong nghề dạy học đã giúp nhà giáo Nguyễn Hiếu Tín 3 năm liền đạt danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM

Niềm vui xuất phát từ dạy và học

Thời đại ngày nay, để xứng đáng với hai từ nhà giáo quả thật không dễ, nó đòi hỏi người thầy không chỉ cố gắng mà phải nhận thức lại về vai trò, trách nhiệm, nhất là về cách dạy của mình đối với người học. Được như vậy, mới thật sự mang lại niềm vui dạy học.

Trong cuộc sống thường ngày, không ít người xem việc dạy học như là một nghề nghiệp, một cách duy nhất để có thể kiếm sống, nhưng phần lớn mục đích các giáo viên dạy học là vì nó mang đến cho họ sự hài lòng sâu sắc nhất. Điều này, dễ dàng thấy được ở những vị thầy đầy tâm huyết, bởi họ luôn có sự say đắm triền miên vào bài giảng và người học, họ có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và đời sống người học, khiến trong việc dạy học hiển nhiên có niềm vui, có tiếng cười, có nhiều điều thú vị.

Ngọn lửa của tình yêu tùy thuộc vào chất lượng của thứ chất đốt, hy vọng rằng người say mê nghề giáo như nhà khoa học say mê với những phát minh mới mẻ của mình để đem đến lợi ích nhiều hơn cho nhân loại. Và chính điều đó mới đích thực tạo nên niềm vui dạy học.

Do vậy, niềm vui trong dạy học sẽ mang tính hai chiều: người thầy cảm thấy vui khi mang đến niềm vui cho người học, và được đáp lại bằng cách người học làm cho thầy cô vui. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của người thầy luôn xuất phát từ các thành quả của người học. Đó là sự tiến bộ vượt bậc của học trò, thấy học trò mình làm chủ được các kỹ năng, đạt được thành tích mới mẻ, mở rộng sự hiểu biết và khai sáng những kiến thức từ mình truyền đạt. Chính vì lẽ đó, niềm vui thật sự của việc dạy học và học tập luôn luôn tập trung vào sự nâng cao hiểu biết và khát vọng thành công của thầy và trò.

Niềm vui – một yếu tố cơ bản của nghề dạy học

Để thật sự có được niềm vui dạy học, thì chính niềm vui phải trở thành “chiến lược” giảng dạy, yếu tố cấu thành trong quá trình dạy học. Bởi lẽ, có niềm vui mới tạo được một bầu không khí của lớp học, mà trong đó người học cảm thấy vui vẻ khi học tập. Điều này, có nghĩa rằng các bài học và công việc học tập phải mang lại sự thích thú, những thành quả bền vững nhất của tri thức, sự hiểu biết thấu đáo áp dụng từ thực tiễn đời sống phong phú.

Mặt khác, niềm vui đòi hỏi phải để “trí tuệ của người học được tỏa sáng”. Thật vậy, những lớp học nghiêm túc không nhất thiết là những lớp học ảm đạm, chúng có thể là những trận cười nghiêng ngả, người dạy cần tìm cách phát huy tối đa những trí tuệ và khôi hài của người học. Việc làm thư giãn những sự nghiêm trọng thường là cần thiết cho việc học tập và như là một trong nhiều con đường dẫn đến sự hiểu biết đầy đủ hơn về cuộc đời, khiến người học cảm thấy gần gũi, mạnh dạn chia sẻ những quan điểm, những ý tưởng của riêng mình, và sự học, sự thích thú sẽ bắt đầu từ đây. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng chia sẻ triết lý giáo dục: “Một nền giáo dục hiện đại trước hết là ở trong tính hiện đại của triết lý giáo dục mà nó đeo đuổi. Và triết lý giáo dục hiện đại là xây dựng một nền giáo dục không phải để nhằm tạo nên một cái máy tinh xảo được nạp một bộ nhớ kiến thức khổng lồ như hiện nay ta đang ra sức làm mà là tạo nên những con người tự do biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi khám phá ra chân lý, lẽ phải và từ đó làm chủ cuộc sống của mình của đất nước…”. Thiết nghĩ, một triết lý giáo dục nhằm tạo ra con người tự do, thì cũng tất yếu đòi hỏi một phương pháp giáo dục khác hẳn phương pháp chúng ta đang thực hiện hiện nay ở các trường đại học, nó đòi hỏi sự hiểu biết tổng hợp từ nhiều nguồn tri thức khác. Cũng như hạnh phúc, càng cảm thấy thấm thía sau khi đã trải qua những đau khổ, thì niềm vui trong dạy học cũng có nghĩa là phải thừa nhận những khó khăn, thách thức trong việc dạy và học tập.


Niềm vui lớn nhất của người thầy luôn  xuất phát từ các thành quả của người học

Trong tâm thức sâu xa của người thầy, niềm vui  xuất phát từ việc họ biết rằng trò của mình đã học được một điều gì đó từ họ. Thầy cô luôn hy vọng rằng trò hiểu được những gì mà mình dạy và khi được trò nhớ lại giáo viên của mình với lòng trìu mến và kính trọng. Niềm vui đó, cũng đến từ việc người thầy chứng kiến sự thành công của những học trò cũ khi năm tháng đã trôi qua. Bởi lẽ, tất cả mọi việc chuyển giao tri thức đều nhằm chuẩn bị cho tương lai của người học, một trong những niềm vui dạy học chính là mang lại một viễn cảnh tốt đẹp cho người học. Tất cả thầy cô đều nuôi hy vọng dành cho học trò mình như những bậc phụ huynh đã đóng góp vào trí tuệ, hạnh phúc, và lợi ích của người học.

Dạy học cũng là một món quà của người này trao cho người kia. Nó là sự trải lòng của thầy và trò. Trong món quà của mình trao đi, có cả sự mãn nguyện to lớn của việc dạy học, sự trao đi không chỉ là kiến thức mà quan trọng hơn đó là tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của người thầy. Trong thời đại mới, trách nhiệm đó, phẩm chất đó được thể hiện trong việc tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy, mang lại niềm vui cho người học, chính là niềm vui của người thầy. Bản chất con người là hoạt động để luôn luôn sáng tạo cái mới tốt đẹp hơn. Nếu giáo dục là một sự vận động không ngừng để tiến tới, thì cái đẹp, niềm vui của giáo dục nói chung và của người thầy nói riêng, cũng phải biến đổi theo cùng một nhịp. Thế nên, nếu muốn say mê nghề giáo, người thầy phải luôn đi tìm cái mới, những cái mới trong kiến thức, trong tâm hồn của mình, để tạo nên những cái mới từ người học và từ đó hy vọng đóng góp vào việc xây dựng cái mới cho dân tộc trong tương lai. Giáo dục phải luôn luôn được hiện đại hóa về bản chất, chứ không phải về hình thức, để theo kịp những sự phát triển mới trên thế giới. Chính người thầy mới là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện cái mới ấy bằng sự học hỏi không ngừng, bằng sự sáng tạo, bằng lòng can đảm vượt qua mọi khó khăn để thực hiện cái mới cho kỳ được.

ThS. Nguyễn Hiếu Tín

Bình luận (0)