Trong cùng một thời gian, ThS.DS Lý Khoa Đăng (hiện công tác tại Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đã theo học chương trình cao học ở hai trường ĐH và có tới ba lần đạt danh hiệu thủ khoa. Theo anh Đăng, việc học nhiều ngành nhằm tăng cường kiến thức phục vụ đời sống, không phải để có thêm bằng cấp.
ThS.DS Lý Khoa Đăng (hiện công tác tại Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu)
Theo đó, tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, anh Đăng vừa là thủ khoa đầu vào lớp cao học chuyên ngành dược lý – dược lâm sàng, vừa là thủ khoa đầu ra của toàn khóa. Còn ở Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), anh tốt nghiệp thủ khoa khối ngành kinh tế – quản lý công.
Học cao học cùng lúc tại hai trường ĐH
Năm 2016, chàng thanh niên trẻ Lý Khoa Đăng tốt nghiệp chuyên ngành dược Trường ĐH Y dược Cần Thơ và trở về quê hương Bạc Liêu làm việc. Sau hai năm tham gia hoạt động dược ở bệnh viện thì anh Đăng được cơ quan cử đi thi rồi trúng tuyển thủ khoa đầu vào lớp cao học chuyên ngành dược lý – dược lâm sàng tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Đến giữa năm 2019, anh Đăng tiếp tục thử sức dự tuyển và trúng tuyển lớp cao học quản lý công ở Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trong hai năm 2019 và 2020, anh Đăng phải cân bằng thời gian giữa việc học cao học ở hai trường. Cuối năm 2020, anh bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp thạc sĩ dược tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM với số điểm 9,6/10 và đạt thủ khoa toàn khóa khối cao học ngành dược. Đến năm 2021, mặc dù vừa tham gia công tác chống dịch Covid-19, anh Đăng vừa phải cố gắng hoàn tất việc học thạc sĩ quản lý công tại Trường ĐH Quốc tế, đặc biệt là thực hiện luận văn tốt nghiệp. Trong kỳ bảo vệ luận văn tốt nghiệp tại trường ĐH này, anh được chấm 91,2/100 điểm, tiếp tục đạt thêm danh hiệu thủ khoa khối ngành kinh tế – quản lý công. Đến nay, tân thạc sĩ “thủ khoa kép” đã có sáu bài báo khoa học trên tạp chí uy tín trong nước và một bài báo cáo hội nghị khoa học. Anh Đăng cho biết giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát là thời điểm vô cùng áp lực đối với anh. Khi đó, bản thân anh cũng dành hầu hết thời gian cho công việc phòng chống dịch. Việc học, xem video bài giảng, viết luận văn và bài báo khoa học được anh tranh thủ thực hiện trong giờ giải lao và sau những buổi thực hiện nhiệm vụ đầy căng thẳng. Điều may mắn là cả hai trường ĐH đều tạo điều kiện bằng việc bố trí thời gian học và hình thức học khá linh động cho anh.
Anh Đăng rất quan tâm đến lĩnh vực y tế công, vì anh cho rằng lĩnh vực này giúp đem lại sức khỏe cho nhân dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội. “Trong quá trình làm việc tại cơ sở y tế, bản thân tôi đã tiếp xúc rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Điều này thôi thúc tôi phải cố gắng làm được điều gì đó cho người bệnh tại chính quê hương”, anh Đăng nói.
Trao đổi thêm, anh Đăng cho biết hai ngành anh theo học có vai trò bổ trợ nhau, đều phục vụ cho công việc của anh tại một cơ sở y tế công lập. Cụ thể, cao học ngành dược giúp anh củng cố kiến thức và kỹ năng chuyên môn; trong khi cao học ngành quản lý công giúp anh phát triển kỹ năng quản lý, xây dựng khả năng làm việc có tính hệ thống và tính dự báo cao.
Đừng chỉ vì có thêm… bằng cấp
Nói về ý nghĩa của việc học song ngành, anh Đăng chia sẻ, hiện nay kinh tế – xã hội phát triển đòi hỏi giải quyết những vấn đề có tính chất phức tạp hơn so với trước đây. Do đó, việc chúng ta có nhiều kiến thức, kỹ năng sẽ tạo điều kiện giải quyết tốt các vấn đề cũng như tạo được những dấu ấn khác biệt. Sự khác biệt này được đem đến từ việc tự học, tự trau dồi trong thực tế hay từ việc học (sau ĐH) thêm một ngành khác. Tuy nhiên, điều các bạn trẻ cần cân nhắc kỹ khi chọn là ngành học thứ hai nên có tính bổ trợ và có sự liên kết với ngành học thứ nhất cũng như định hướng công việc trong tương lai. Bởi thời gian, công sức và chi phí bỏ ra cho một chương trình học sau ĐH là khá lớn. “Sau khi tốt nghiệp ĐH, các bạn trẻ nên có thời gian trải nghiệm công việc thực tế để thật sự biết công việc nào phù hợp, có thể gắn bó lâu dài hay những kiến thức, kỹ năng nào mình còn thiếu. Từ đó các bạn có thể phát triển ngành học của mình hoặc học thêm ngành khác để bổ trợ, phục vụ cho công việc”, anh Đăng nhắn nhủ.
Điều đặc biệt, theo anh Đăng, các sinh viên nên xác định rõ việc học thêm ngành không phải vì mục tiêu có nhiều bằng cấp mà quan trọng là những kiến thức, kỹ năng thu nhận được trong quá trình học được áp dụng trực tiếp để giải quyết công việc của thực tiễn đời sống. Anh chia sẻ sâu hơn, để học ngành quản lý công, ban đầu người học cần có nền tảng kiến thức về kinh tế học và quản trị học. Trong quá trình học, người học sẽ được phát triển và trau dồi thêm hàng loạt kiến thức liên quan đến quản lý công hiện đại như: Xây dựng và thực thi chính sách, kinh tế, tài chính, truyền thông, quản trị nhân sự, quản trị sự khủng hoảng và thay đổi, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công. Đồng thời, người học sẽ được phát triển thêm những kỹ năng khác như: Lãnh đạo, quản lý nhân sự, thuyết trình, truyền thông, nắm bắt tâm lý công chúng; đặc biệt là đạo đức trong lĩnh vực công. Còn đối với ngành dược, giai đoạn ban đầu kiến thức khoa học tự nhiên đóng vai trò hết sức quan trọng, làm cơ sở nền tảng. Tính cách cẩn thận, tỉ mỉ và tư duy logic, sự sáng tạo cũng vô cùng cần thiết. Ngành dược có nhiều chuyên ngành khác nhau như bào chế và công nghiệp dược, dược liệu và dược cổ truyền, hóa dược, quản lý dược, dược lý – dược lâm sàng, kiểm nghiệm thuốc. Mỗi chuyên ngành có đặc thù khác nhau đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng riêng, đặc trưng. Đơn cử, dược sĩ lâm sàng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp cùng bác sĩ, điều dưỡng nhằm lựa chọn, sử dụng, theo dõi và đánh giá tính an toàn, hiệu quả, hợp lý của thuốc. Để học chuyên ngành này, người học không chỉ cần nắm vững kiến thức về thuốc, về bệnh học mà còn phải có kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm tốt, đặc biệt là phải luôn có dược đức.
Mê Tâm
Bình luận (0)