Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mái nhà chung của người khuyết tật

Tạp Chí Giáo Dục

Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải là việc làm nhân đạo, từ thiện… mà là đáp ứng nhu cầu chính đáng, bảo đảm quyền được làm việc và được ghi nhận của họ.
Hiện nay, tại Công ty TNHH Seshin (Khu công nghiệp Thụy Vân, tỉnh Phú Thọ) có 10 người lao động khuyết tật đang làm việc và được hưởng một số ưu tiên so với những lao động khác. Lao động khuyết tật cũng được tổ chức công đoàn của công ty dành cho sự quan tâm đặc biệt – như lời Chủ tịch Công đoàn chia sẻ.
Anh Hoàng Đức Chung làm việc tại công ty.
Thu nhập ổn định, cuộc sống thay đổi
Anh Hoàng Đức Chung (SN 1980) và vợ cùng đang làm việc tại công ty. Cả hai vợ chồng đều là người khuyết tật.
Anh Trung nhớ lại, khi còn bé, anh bị bệnh bại liệt dẫn đến chân bị teo, không đi lại được như người bình thường, phải dùng nạng. Học xong nghề may, anh theo nghề may rồi làm tự do ở nhà. “Nơi tôi sống là vùng quê, nên thu nhập từ nghề này rất thấp, cả tháng may ra mới được vài trăm nghìn đồng, không đủ để trang trải cuộc sống” – anh Chung kể.
Nghe theo lời giới thiệu của mọi người là Công ty Seshin có tuyển dụng cả người khuyết tật, anh đã tìm đến để ghi danh làm công nhân may. Từ đó đến nay, anh đã gắn bó với công ty được 13 năm.
Về người vợ của mình – chị Hà Thị Loan (SN 1986) – anh Chung kể, hai anh chị là người cùng làng, đã quen nhau từ trước khi anh vào làm ở công ty. Vợ anh cũng là người khuyết tật sau một lần bị máy làm gạch cuốn mất một bàn chân. “Vợ tôi vào làm tại công ty sau tôi một thời gian. Năm 2009, khi cả hai đã có thu nhập ổn định (dù không cao), chúng tôi đã quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Hạnh phúc cứ thế nảy nở khi các con của anh chị lần lượt ra đời. Hiện nay, một cháu 11 tuổi và một cháu 5 tuổi.
Khi được hỏi, giả sử thời điểm 2007, anh không xin vào làm việc tại công ty thì sẽ thế nào? Anh Chung cho rằng, anh không biết chắc được những điều gì sẽ xảy ra, trừ một điều là sẽ rất khó khăn. “Bố mẹ tôi đều làm nông, nghèo khó. Thời điểm đấy, tôi làm nghề may tự do, thu nhập không đủ nuôi bản thân, chẳng dám nghĩ đến chuyện lấy vợ. Bố mẹ còn khỏe còn bao bọc được, chứ sau này già thì làm sao mà nuôi mình được”- anh Chung cho hay.
Vào làm công ty, có thu nhập ổn định đã thay đổi cuộc sống của anh Chung. Anh không những có công việc mà còn có điều kiện để lập gia đình. Hiện nay, tổng thu nhập của cả hai anh chị là khoảng 10 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, làm ở công ty, anh chị được đóng bảo hiểm xã hội để sau này, khi về già sẽ có lương hưu, đảm bảo cuộc sống – điều mà nếu anh chị làm nghề tự do thì chắc chắn sẽ không có.
Nhà của hai vợ chồng cách công ty 10km. Lúc đi hay lúc về, chị lại chở anh đi bằng xe máy. Anh Chung tâm sự: “Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Hai vợ chồng luôn tự nhủ chăm chỉ làm lụng để nuôi dạy hai con thật tốt”.
Chị Chu Thị Lan Hương (SN 1987, quê ở Phù Ninh, Phú Thọ) bị teo cơ một bên chân khi còn bé, khiến chị đi lại rất khó khăn. Sau một thời gian “làm những việc linh tinh” như lời chị nói, chị Hương xin vào làm công ty và được nhận vào làm việc ở bộ phận kiểm soát. Đây là vị trí làm việc phù hợp với điều kiện sức khỏe của chị.
Mức thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/tháng đủ để người mẹ đơn thân đang nuôi con 3,5 tuổi này trang trải cuộc sống. “Tôi làm ở công ty không có gì khó khăn cả, công ty rất tạo điều kiện. Nếu những lao động khác làm ở vị trí kiểm tra phải đứng thì tôi được công ty cung cấp ghế để ngồi khi làm việc. Bên cạnh đó, những người khuyết tật như tôi được về sớm hơn 1 tiếng so với các lao động khác. Tôi được về từ 15h30, và như vậy có thêm thời gian chăm sóc con nhỏ” – chị Hương nói. Cũng như anh Chung, chị Hương khá hài lòng đối với cuộc sống hiện tại.
Công đoàn quan tâm chăm lo NLĐ
Chị Đỗ Thị Thu Hương – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Seshin – cho biết, công ty có 100% vốn Hàn Quốc, đi vào hoạt động từ năm 2005, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Hiện, tổng số công nhân lao động của công ty là 2.900 người, số người lao động khuyết tật đang làm việc tại công ty là 10 người.
“Ngay từ khi đi vào hoạt động, công ty đã có chủ trương không phân biệt người khuyết tật vào xin việc tại công ty. Lãnh đạo công ty đồng cảm, chia sẻ với những trường hợp là lao động khuyết tật. Khả năng lao động của họ có thể không bằng người lao động bình thường, nhưng họ vẫn có thể đảm nhận tốt khi được phân công những công việc phù hợp, nhẹ nhàng như làm trong bộ phận đóng gói, phụ may, bộ phận hoàn thành…“ – chị Hương cho hay.
Cũng theo chị Hương, những người lao động khuyết tật được về sớm hơn so với các lao động khác 1 giờ, lương vẫn tính đủ. “Công đoàn công ty đặc biệt quan tâm đến những lao động khuyết tật. Vào các dịp Tết, Tháng Công nhân, Công đoàn luôn đưa những người lao động khuyết tật vào danh sách đầu tiên để hỗ trợ, thăm hỏi. Công đoàn thường xuyên động viên họ vượt qua những khó khăn để ổn định cuộc sống” – chị Hương nói.
“Tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật chính là không để ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển của kinh tế và thị trường lao động. Đây không chỉ là vấn đề nhân quyền mà còn là vấn đề thành công của doanh nghiệp. Bằng việc tạo cơ hội việc làm cho lao động khuyết tật, các doanh nghiệp, cá nhân và cả xã hội đều sẽ được hưởng lợi” – TS Chang-Hee Lee – Giám đốc ILO Việt Nam – phát biểu nhân dịp Việt Nam phê chuẩn Công ước 159 của ILO về việc làm cho người khuyết tật vào tháng 3.2019.
 
BẢO HÂN (theo laodong)

Bình luận (0)

Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Mái nhà chung” của người khuyết tật

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Võ Kim Hương đang hướng dẫn học viên Nguyễn Thị Thúy
Không ồn ào như các cơ sở khác, 25 lao động khuyết tật ở đây hàng ngày đã cho ra thị trường rất nhiều sản phẩm là khẩu trang, túi xách, hoa giấy… để nuôi sống chính mình. Họ ở và làm việc dưới “mái nhà chung” là cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Thiện Tâm (Q.Bình Thạnh – TP.HCM).
“Tàn nhưng không phế”
Được chủ cơ sở Thiện Tâm – cô Võ Kim Hương dẫn đi một vòng tham quan, chúng tôi mới có dịp tiếp xúc và trò chuyện với họ – người bị khiếm thính, chậm phát triển, người bị bại liệt, cụt tay… Ngồi bệt xuống nền nhà cùng với cô gái đang xếp từng chiếc khẩu trang cho vào hộp, cô Hương kể về những số phận nghiệt ngã cũng như ý chí vươn lên rất mạnh mẽ của nhiều thành viên nữ ở đây. Đó là Phạm Thị Ngọc Yến quê ở Bình Chánh (TP.HCM) mới lên một tuổi đã bị sốt bại liệt dẫn đến teo cơ chân. Gia cảnh quá khó khăn nên ba mẹ Yến đã ruồng bỏ cô. May mắn sau đó, Yến được đưa về cơ sở Thiện Tâm sống và học nghề. Mới được hai năm nhưng Yến đã trở thành người có tay nghề rất giỏi tại cơ sở. Hằng ngày, khi công việc đã xong, Yến lại ngồi xe lắc tay từ cơ sở đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.Bình Thạnh để học văn hóa với hy vọng sau này sẽ đỡ vất vả hơn. Ngồi ở bàn máy may ngay phía sau là chị Nguyễn Thị Thúy (Đắk Lắk) “gia nhập gia đình” Thiện Tâm được hơn ba năm. Dù bị liệt một cánh tay nhưng chị là một thợ may rất cần cù, siêng năng, những đường may rất khéo. Trò chuyện với chúng tôi, nước mắt chị tuôn trào: “Từ khi vào đây, tôi chưa về quê lần nào. Ba mẹ tôi ở quê chủ yếu làm nông, cuộc sống khó khăn lại phải lo cho đứa em cũng bị sốt bại liệt. Tôi cố gắng làm việc để tự nuôi sống mình, dành dụm tiền gửi về phụ ba mẹ lo cho em…”. 25 thành viên ở đây đến từ các tỉnh thành khác nhau trên cả nước, trong đó 2/3 thành viên không biết chữ, nhiều lúc cũng gây khó khăn cho cô Hương trong việc dạy nghề. Tuy nhiên, tất cả đều khát khao được thể hiện năng lực “tàn mà không phế” của mình.
“Người mẹ thứ hai” của người khuyết tật 
Vốn xuất thân là một nhân viên kế toán, sau khi về hưu, cô Võ Kim Hương xin vào phụ với người chị tại cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Hy Vọng (Q.Gò Vấp). Hàng ngày tiếp xúc với người khuyết tật, trong lòng cô luôn trăn trở là làm sao để họ tự tin vào khả năng của chính mình. Làm thế nào để họ có được một công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân, để không còn cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Suy nghĩ, lên phương án, cuối cùng năm 2008, cô Hương đánh liều thành lập cơ sở dạy nghề may gia công cho người khuyết tật ngay tại ngôi nhà cấp 4 của mình. Tuy nhiên, cô đã gặp không ít khó khăn vì nguồn hàng không được ổn định, thu nhập bấp bênh không đủ trang trải chi phí. Lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất khó khăn. Không nản chí, cô bắt đầu chuyển hướng sang may gia công khẩu trang. Đồng thời hằng ngày cô phải đi tiếp thị sản phẩm, chào hàng qua nhiều kênh như hệ thống siêu thị CoopMart, các cửa hàng bán lẻ… Cuối cùng, những tín hiệu lạc quan cũng được thắp lên khi kiểu mẫu khẩu trang mang “thương hiệu” Thiện Tâm của cô được thị trường ưa chuộng. Thừa thắng xông lên, cô tiếp tục tiếp thị mặt hàng do chính bàn tay những người khuyết tật ở cơ sở tới người tiêu dùng bằng việc tham gia các hội chợ, triển lãm hàng Việt. Cô Hương nhớ lại: “Cách đây không lâu, trong một hội chợ, nhận thấy các con thú được gấp bằng giấy Origami rất phù hợp với bản tính tỉ mỉ, kiên nhẫn của người khuyết tật nên tôi chủ động liên hệ để nhận hàng về cho các cháu làm thêm. Những hợp đồng đầu tiên không chỉ giúp cơ sở sản xuất đứng vững mà bắt đầu có lãi, uy tín với khách hàng ngày một tăng”. Sau đó, cô mạnh dạn nâng cấp cơ sở và tuyển thêm nhiều người khuyết tật vào đào tạo, đặc biệt là những người khuyết tật có gia cảnh khó khăn rồi lo luôn nơi ăn, chốn ngủ cho họ. Không chỉ thế, cô Hương còn biết cách khích lệ các học viên phát huy những ưu điểm riêng, bố trí công việc tùy theo điều kiện sức khỏe và tình trạng khuyết tật của họ. Người khiếm thính thì làm công việc may công nghiệp, khiếm thị ngồi cuộn giấy thô cho nhóm khuyết tật vận động hoàn thiện các công đoạn gấp hình con thú; người thiểu năng cũng được chỉ bảo để làm những việc đơn giản như cắt chỉ, xếp hàng vào bao bì… Cô giống như “người mẹ thứ hai” gần gũi, chia sẻ động viên từng học viên, nắm bắt tâm lý để giải quyết những xung đột thường nhật.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Đã bước qua tuổi 50, cô Hương vẫn cố gắng từng ngày để duy trì hoạt động dạy nghề kết hợp sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật với quan niệm: “Mình giúp gì được cho các em thì cứ giúp”.