Hóc môn ảnh hưởng đến mọi thứ trong cơ thể, từ trọng lượng, tình dục, giấc ngủ cho đến sự thèm ăn. Một số thói quen sau chính là nguyên nhân làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.
Tránh hoàn toàn ánh nắng mặt trời. Mặc dù tia cực tím từ ánh nắng mặt trời không tốt cho sức khỏe, nhưng nếu không hấp thụ được tia này, cơ thể sẽ có những rắc rối. Theo Health, phơi nắng an toàn cho phép cơ thể biến ánh nắng mặt trời thành vitamin D. Thiếu vitamin quan trọng này được liên kết với khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Vì thế, hãy đảm bảo tiếp xúc ánh nắng mặt trời an toàn hoặc uống bổ sung vitamin D nếu bạn sống nơi có ít ánh nắng mặt trời.
Thiếu vận động. Không tập thể dục thường xuyên, cơ thể không phát hành hóc môn endorphins – được biết đến với tác dụng tạo ra cảm giác vui vẻ và hạnh phúc. Những hóc môn này cũng giữ cho hệ thống miễn dịch luôn khỏe mạnh cũng như thúc đẩy khả năng sản xuất hóc môn giới tính để phục vụ cho chuyện tình dục. Rèn luyện thể chất càng nhiều, các endorphins phát hành càng cao và hạnh phúc nhận về càng lớn.
Ăn uống không khoa học. Với mục đích muốn có thân hình lý tưởng, nhiều phụ nữ xem bưởi là món ăn chủ lực và ăn liên tục hoặc thậm chí ăn súp một cách thường xuyên thay cho các món ăn khác. Sự sụt giảm lớn về mức độ chất béo của cơ thể do chế độ ăn ít calo cộng với các buổi tập thể dục có cường độ cao sẽ nhanh chóng làm giảm nồng độ estrogen. Thói quen này gây đảo lộn chu kỳ kinh nguyệt cho đến khi cơ thể rơi vào tình trạng báo động khẩn cấp; vì vậy, cần nhận thức rõ tác hại của chế độ ăn kiêng khắc nghiệt và kém khoa học để không gây hại đến các hóc môn trong cơ thể.
Cà phê. Uống cà phê thường xuyên có thể kích thích tuyến thượng thận, tạo ra trạng thái hoảng loạn, hồi hộp hoặc tỉnh táo cao độ, cuối cùng sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ của tuyến thượng thận. Không những thế, cà phê còn làm mất cân bằng nội tiết tố, gây ra tình trạng mệt mỏi mãn tính.
Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử tiện ích. Máy tính bảng, điện thoại thông minh, thiết bị GPS, màn hình tập thể dục, và ti vi màn hình phẳng giúp cuộc sống thú vị và thuận tiện hơn, nhưng đồng thời nó cũng gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Tất cả các màn hình điện tử đều phát ra từ trường – tác nhân dẫn đến lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, giảm năng lượng, các vấn đề về tuyến giáp, rối loạn tiêu hóa và viêm. Tất cả những vấn đề trên đều đóng góp vào sự mất cân bằng nội tiết trong cơ thể.
Ngủ đủ giấc giúp cơ thể luôn khỏe mạnh – Ảnh: Shutterstock
Ngủ không đủ giấc. Làm thêm giờ hoặc thức khuya làm gián đoạn nhịp sinh học, ảnh hưởng đến chu kỳ thức – ngủ. Thói quen này làm xáo trộn mức độ hóc môn melatonin và cortisol trong cơ thể.
Căng thẳng. Tình trạng căng thẳng cao mỗi ngày có thể gây hại đến các hóc môn. Theo các nhà khoa học, căng thẳng mãn tính ở giới trẻ gây tác động tiêu cực đến nồng độ hóc môn trong cơ thể, nó làm suy yếu năng lượng tuyến thượng thận.
Chế độ dinh dưỡng “nghèo nàn”. Ngày nay, hầu hết mọi người đều có xu hướng ăn thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo không lành mạnh và bị phơi nhiễm các chất hóa học, thuốc trừ sâu có trong thực phẩm. Theo nhiều bằng chứng khoa học, chế độ ăn uống có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống tiêu hóa và các kích thích tố trong cơ thể.
Xenoestrogens. Đây thật ra là estrogen nhân tạo – một phân tử bắt chước estrogen, thường được tìm thấy trong các sản phẩm hằng ngày và nó rất độc hại. Xenoestrogens hiện diện trong thực phẩm đóng hộp, nhựa, ly xốp hoặc thùng nhựa, mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp khác. Chất này khi thâm nhập vào cơ thể sẽ phá vỡ nội tiết tố gây mất tập trung, mất ngủ, cạn kiệt năng lượng cũng như hạ thấp ham muốn tình dục, thậm chí nó cũng được biết đến có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt, buồng trứng và ung thư vú.
Thuốc. Thuốc chống lo âu, thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, thuốc điều trị bệnh tim và thậm chí cả những dạng thuốc ngủ như aspirin và ibuprofen đều là thủ phạm góp phần làm mất cân bằng nội tiết tố.
Trúc Lam
(TNO)
Bình luận (0)