Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chủ động phòng bệnh uốn ván

Tạp Chí Giáo Dục

Bé N.V.A đang được điều trị uốn ván rốn tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM (ảnh chụp ngày 22-1-2015)
Vô tình bị một cái dằm đâm vào tay, chân không may đạp phải đinh, trẻ nhỏ khi sinh ra không được chăm sóc cắt rốn trong môi trường vô trùng… đây là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh uốn ván. Nếu như bệnh không được chữa trị kịp thời thì có thể gây tử vong.
Có thể gây tử vong…
Nhiều người bị mắc bệnh với những nguyên nhân ban đầu khá đơn giản nhưng chỉ vì sự chủ quan, lơ là của bản thân mà để lại những hậu quả nặng nề. Bà Lê Thị Chiên (45 tuổi, quê Gia Lai) cho biết: “Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện tôi ra ruộng lúa làm cỏ không may giẫm phải mảnh sành dưới ruộng. Sau đó đã rửa sạch vết thương rồi băng bó lại, cứ nghĩ chắc sẽ khỏi. Nhưng một tuần sau đó có biểu hiện cứng hàm, khó há miệng nên đến bệnh viện huyện để điều trị. 3 ngày sau bệnh nặng hơn, co giật nên tôi được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Tại đây các BS đã khám và kết quả là bị uốn ván cần phải theo dõi”. BS. Phan Tứ Quí (Trưởng khoa Hồi sức tích cực trẻ em, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM) cho biết: “Bệnh uốn ván dân gian thường có tên gọi khác là phong đòn gánh. Bệnh do vi khuẩn clostridium tetani gây bệnh, chúng sống ở dưới đất nên nếu giẫm vào gai, mảnh sành, đinh, sắt gỉ thì con vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết thương, vết xước ở da”. Phần lớn những người mắc bệnh uốn ván thường là do vết thương mà không được tiêm vaccine phòng ngừa. Riêng tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, khoảng 85-90% số bệnh nhân nhập viện bị uốn ván do vết thương. Một số trường hợp do bị sâu răng, viêm tai giữa… Ngoài ra, đối với trẻ sơ sinh thì có thể bị mắc bệnh uốn ván sơ sinh do nhiễm qua đường rốn, bị nhiễm vi trùng uốn ván hay gọi là uốn ván rốn. BS. Quí cho biết thêm: “Uốn ván sơ sinh là bệnh có khả năng gây tử vong cao, trẻ em sơ sinh bị mắc bệnh do khi sinh ra không được chăm rốn bằng các phương pháp thích hợp. Khi cắt rốn thì không dùng các thiết bị y tế chuyên dụng mà có thể dùng lưỡi lam, tre nứa… Chính vì vậy, vi khuẩn xâm nhập qua đường rốn và gây bệnh. Các trường hợp này thường gặp ở các vùng sâu, vùng xa có khả năng nhận thức còn hạn chế. Riêng Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM trung bình mỗi năm tiếp nhận từ 8-10 ca bệnh bị uốn ván sơ sinh”.
Thời gian ủ bệnh tùy vào từng người, có khi bệnh sẽ phát triển nhanh nhưng có khi chậm, nhiều trường hợp mấy tháng sau mới có biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, thời gian trung bình từ 2 ngày đến 7 ngày, thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng. Biểu hiện khởi phát của bệnh là co cứng các hàm, trẻ nhỏ thì bỏ bú, trẻ lớn thì có thể bị sặc, tiếp đến sẽ dẫn đến co giật toàn thân.
Tiêm vaccine phòng bệnh
BS. Quí nhấn mạnh: “Biến chứng của bệnh có thể là suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ tử vong. Ngoài ra nếu bị tác động lên hệ thần kinh sẽ làm rối loạn hệ thần kinh thực vật như huyết áp tăng giảm thất thường, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim, co cứng các cơ…”. Trước kia, đây là loại bệnh “phổ thông”, ngày nay tỷ lệ mắc bệnh có giảm nhưng khả năng tử vong vẫn khá cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm. BS. Quí chia sẻ: “Phương pháp để điều trị bệnh rất phức tạp, chi phí cho một ca bệnh cũng rất cao, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Chính vì vậy, biện pháp tốt nhất là nên phòng ngừa bệnh một cách chủ động để tránh những hậu quả về sau”. BS. Quí khuyến cáo, biện pháp hiệu quả nhất đó là tiêm vaccine uốn ván theo quy định. Đối với phụ nữ mang thai cần phải tiêm 2 mũi uốn ván trước khi sinh để bảo vệ người con. Khi sinh thì cần phải được chăm sóc trong môi trường vô trùng, đặc biệt lưu ý đến việc cắt rốn cho trẻ khi sinh ra không được dùng lưỡi lam, tre nứa… mà phải sử dụng các thiết bị y tế đảm bảo vệ sinh. Cần phải tiêm phòng uốn ván cho trẻ theo lịch tiêm chủng mở rộng của quốc gia là 3 mũi vào tháng 2, 3, 4 sau khi sinh và phải chích nhắc lại vào 5-6 tuổi và cứ sau 10 năm. Đặc biệt đối với trẻ em khi bắt đầu đi học, đây là độ tuổi hiếu động nên rất dễ bị trầy xước, có vết thương do té ngã nên vi khuẩn sẽ xâm nhập gây bệnh. Đáng lưu ý nếu bị các vết thương như giẫm phải đinh, gỉ sắt, mảnh sành, dằm gỗ… thì cần phải xử lý triệt để bằng ôxy già và thuốc sát trùng như cồn để rửa vết thương cho sạch, lấy hết các vật lạ trong vết thương. Biện pháp phòng ngừa tiếp theo là cần chích kháng độc tố uốn ván và chích ngừa vaccine ngay sau đó. Đây là những biện pháp thiết thực, đơn giản mà hiệu quả cao nên cần phải tuân theo chứ không nên chủ quan trong việc phòng bệnh.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Hiện tại, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị cho bé N.V.A (2 tuổi, quê Trà Vinh) bị uốn ván rốn. BS. Quí cho biết: “Từ khi sinh ra bé đã được đưa đến bệnh viện để điều trị. Nguyên nhân do khi mang thai người mẹ không chích ngừa uốn ván, đến lúc sinh bé cũng không được chăm sóc trong môi trường vô trùng do dùng lưỡi lam cắt rốn. Tính đến nay bé đã nằm tại bệnh viện 22 tháng do tình trạng hẹp khí quản sau điều trị uốn ván và vẫn đang được theo dõi và điều trị”.
 

Bình luận (0)