Thời gian qua, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phát hiện nhiều nam giới bị ung thư vú. Do thiếu thông tin và hiểu biết nên đa số bệnh nhân khi được chẩn đoán đã ở giai đoạn trễ.
Chuẩn bị xạ trị điều trị ung thư cho bệnh nhân nam tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – Ảnh: L.TH.H.
Báo cáo tại hội thảo phòng chống ung thư TP.HCM hồi tháng 12-2014 vừa qua về ung thư vú ở nam giới, TS.BS Bùi Chí Viết – trưởng khoa ngoại 2 Bệnh viện Ung bướu TP – cho biết từ tháng 1-2008 đến tháng 7-2013 tại bệnh viện có 27 bệnh nhân nam bị ung thư vú được chẩn đoán xác định.
Nhầm tưởng là mụt nhọt
TS.BS Phạm Hùng Cường – trưởng khoa nội soi-siêu âm, phó khoa ngoại 2 Bệnh viện Ung bướu TP – cho biết đa số nam giới bị ung thư vú ở độ tuổi 50-60, tuy nhiên có trường hợp mắc bệnh khi tuổi còn rất trẻ.
Theo bác sĩ Cường, khi bị ung thư vú ban đầu bệnh nhân sờ thấy có một cục u nhỏ, cứng, không đau hoặc chỉ đau nhẹ. Cục u thường xuất hiện ở núm vú hoặc quầng vú.
Khi thấy cục u này người bệnh thường nghĩ là bị mụt nhọt do viêm ở phần mềm nên thường tự mua thuốc về uống. Sau thời gian tự điều trị 2-3 tuần, bệnh nhân thấy cục u không giảm mà còn lớn hơn mới đến bệnh viện khám.
Một số bệnh nhân khác khi đến Bệnh viện Ung bướu TP thì khối u đã bị lở loét ngoài da, chảy dịch mủ có ít máu. Những bệnh nhân này khi thấy cục u cứng xuất hiện thì điều trị bằng cách đắp lá cây hoặc đắp thuốc nam, theo mách bảo của người quen vì nghĩ rằng cục u là mụt nhọt không vỡ miệng ra được, phải phá mụt nhọt này ra cho thoát dịch, mủ. Hậu quả cục u không tiêu đi mà còn bị biến chứng như nói trên, khi đó người bệnh mới đi khám và điều trị thì đã muộn.
Theo bác sĩ Cường, việc đắp lá nhằm mục đích để cục u vỡ miệng, chảy mủ sẽ tác động làm cho ung thư chuyển từ giai đoạn sớm (giai đoạn I, II) sang giai đoạn trễ (giai đoạn III, IV, ung thư có bốn giai đoạn – PV) sớm hơn do ung thư khi còn nằm trong mô vú, chưa xâm lấn ra ngoài da thì bệnh đang ở giai đoạn sớm, nhưng khi cục u vỡ ra ngoài da thì trở thành giai đoạn trễ.
Để chẩn đoán bệnh ung thư vú, những bệnh nhân này sau khi được bác sĩ khám, siêu âm vú sẽ được làm FNA (chọc hút bằng kim nhỏ) để lấy dịch ra hoặc bấm sinh thiết để xét nghiệm tế bào. Kết quả chẩn đoán cuối cùng là ung thư vú.
Có dấu hiệu gia tăng
Theo bác sĩ Bùi Chí Viết, ung thư vú ở nam giới là một loại ung thư hiếm gặp, chiếm tỉ lệ khoảng 1% trong tổng số bệnh nhân ung thư vú. Tuy tỉ lệ không cao nhưng vì có ít kiến thức về triệu chứng và sự chủ quan, hầu hết bệnh nhân đã đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn, dù ung thư vú rất dễ phát hiện.
Những năm gần đây sự xuất hiện các bệnh nhân nam mắc bệnh ung thư vú đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP có dấu hiệu gia tăng hơn trước.
Trong số 27 bệnh nhân nam (nhỏ nhất 25 tuổi và lớn nhất 84 tuổi) bị ung thư vú được chẩn đoán xác định tại Bệnh viện Ung bướu TP có gần 43% trường hợp ung thư vú đã ở giai đoạn III và hơn 14% ở giai đoạn IV. Điều này cho thấy ung thư vú nam giới diễn tiến tại chỗ nhanh hơn so với ung thu vú ở nữ giới.
Nguyên nhân do tuyến vú nam kém phát triển, mô mỡ dưới da mỏng nên bướu mặc dù có kích thước nhỏ nhưng có thể dễ dàng xâm lấn ra da vùng thành ngực trên bướu hơn so với nữ giới.
Khảo sát triệu chứng của ung thư vú trên các bệnh nhân này cho thấy 100% bệnh nhân có bướu vú, 85% không đau, chỉ có 15% đau. Bệnh nhân thường có triệu chứng bất thường núm vú, co rút núm vú, tiết dịch núm vú, loét, xâm nhiễm cấu trúc núm vú, bất thường da trên bướu, xâm nhiễm da bề mặt, viêm đỏ, lồi – sùi trên bề mặt da, loét ra da…
Kích thước bướu khi được chẩn đoán có đường kính trung bình hơn 3,2cm (lớn nhất 6cm, nhỏ nhất 1cm). Vị trí bướu xuất hiện nhiều nhất là ở vùng trung tâm núm vú, dưới núm vú-quầng vú, ít gặp ở vị trí khác.
Bác sĩ Cường cho biết điều trị ung thư vú ở nam giới cũng giống như nữ giới. Đầu tiên phải phẫu thuật đoạn nhũ, cắt bỏ bướu. Sau đó tùy theo bệnh đã di căn hạch hay chưa và tùy theo bản chất của khối bướu là loại dữ hay hiền (xác định qua xét nghiệm), bệnh nhân sẽ được điều trị thêm bằng hóa trị, nội tiết hoặc xạ trị.
Bỏ tái khám, có thể tái phát
Theo bác sĩ Cường, cần lưu ý là trong điều trị ung thư, việc tuân thủ kế hoạch điều trị và theo dõi sau điều trị của người bệnh rất quan trọng. Sau phẫu thuật, thường bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân một tháng sau tái khám để chỉ định các bước điều trị tiếp theo.
Bệnh nhân tuân thủ điều trị, tái khám đúng hẹn, nếu có xảy ra tái phát hoặc ung thư di căn sang cơ quan xa sớm hơn sẽ được bác sĩ phát hiện kịp thời. Tuy nhiên vẫn có một số bệnh nhân nam bị ung thư vú bỏ tái khám vì nghĩ đã được điều trị đầy đủ, đã tái khám một năm và tất cả kết quả đều bình thường.
Trong khi có thể ở giữa giai đoạn bệnh nhân bỏ tái khám, không may bệnh bị tái phát, di căn thì sẽ không được phát hiện làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị tiếp theo của bệnh nhân. “Việc tìm đến phương pháp điều trị không chính thống, thậm chí bỏ điều trị phương pháp tây y là hoàn toàn không nên” – bác sĩ Cường khuyên.
LÊ THANH HÀ
(TTO)
Bình luận (0)