Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Graffiti chuyển mình vượt định kiến

Tạp Chí Giáo Dục

Phá cách trong xu hướng sáng tạo nhưng theo đuổi thực hành graffiti một cách nghiêm túc, các nghệ sĩ trẻ dần đưa nghệ thuật đường phố này bước vào không gian triển lãm trang trọng, kết hợp nghệ thuật truyền thống để tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc.

Đầu những năm 2000, đường phố Việt Nam bắt đầu xuất hiện graffiti (tạm dịch: vẽ tranh lên tường) với những con chữ, hình vẽ thực hiện bằng sơn xịt. Chính vì phong cách tự do, phóng khoáng – một phần do một bộ phận bạn trẻ lạm dụng graffiti để vẽ ở nhiều không gian công cộng, khiến ít nhiều loại hình này bị nhìn nhận dưới góc độ tiêu cực, mang tiếng vẽ bậy.

Nhưng ẩn sâu trong cá tính sáng tạo khác biệt, sức trẻ và tiếng nói mãnh liệt của nghệ thuật đường phố ấy, với những thực hành nghiêm túc, tạo vẻ đẹp cho không gian công cộng, đã giúp graffiti tại Việt Nam tồn tại, phát triển và len lỏi qua những con đường, góc phố. Và lần đầu tiên, graffiti đã bước chân vào không gian Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám với triển lãm mang tên “Đối thoại Thư pháp và Graffiti”, sẽ kéo dài đến hết tháng 9-2022, do Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức. 

Với 39 tác phẩm được trưng bày đã mang đến cho người xem nhiều ngạc nhiên, bởi nghệ thuật thư pháp tao nhã kết hợp cùng sơn xịt đầy phá cách của graffiti, nhưng vẫn hòa vào nhau một cách điệu nghệ. Phần lớn tác phẩm trưng bày trong triển lãm đều được thực hiện bởi những nghệ sĩ graffiti và nghệ sĩ thư pháp 9X.

Graffiti chuyển mình vượt định kiến ảnh 1
Khách tham quan triển lãm “Đối thoại Thư pháp và Graffiti”. Ảnh: Fanpage Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Chia sẻ về lần đầu tham gia kết hợp giữa graffiti và nghệ thuật thư pháp truyền thống của Việt Nam, nghệ sĩ thư pháp Võ Tuấn Xuân Thành (23 tuổi, đến từ TPHCM) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự triển lãm có sự kết hợp của nghệ thuật thư pháp và graffiti, đây không đơn thuần là một cuộc triển lãm, mà còn là một sự gặp gỡ của những người làm nghệ thuật được chia sẻ những quan điểm riêng với nhau. Và tôi nghĩ, sự thành công ở triển lãm là đưa được  2 loại hình nghệ thuật tưởng chừng rất khác nhau này đến gần với nhau hơn, chất truyền thống và hiện đại tồn tại song hành với nhau, cùng tôn vinh và cùng phát triển”.

Triển lãm “Cộng dồn – Điểm dừng thời gian” kéo dài đến hết tháng 9-2022, tại tổ hợp giải trí nghệ thuật NEO (393/7 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM), trưng bày hơn 20 tác phẩm của gần 20 tác giả thực hành graffiti tại Việt Nam. Sự kiện này, được ví như một cuộc trưng bày tổng hợp, bởi đây là triển lãm về graffiti đầu tiên có sự hội ngộ đông đảo của các nghệ sĩ graffiti từ Bắc vào Nam.

Tham gia triển lãm như cách để ghi thêm một kỷ niệm lớn trong hành trình sáng tạo của mình, nghệ sĩ graffiti Nguyễn Tấn Lực (nghệ danh CRESK) chia sẻ: “Triển lãm lần này như một quyển nhật ký ghi lại hành trình của những bạn trẻ cá tính, đối thoại với thế giới thông qua graffiti, cho đến khi nó trở thành một phần giá trị không thể thiếu trong cuộc sống của những con người ấy. Đó cũng là cách những người theo nghệ thuật đường phố như chúng tôi nhìn cuộc sống, phản ánh tính cách và tư duy của chính mình sau nhiều năm sống cùng graffiti… Và tất nhiên là mọi thứ ở khía cạnh nghiêm túc, mang lại giá trị cho cộng đồng chứ không phải cố tình vẽ để bôi xấu cảnh quan, chúng tôi luôn không đồng tình với những hành động như thế”.

Graffiti là tên gọi chung cho những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu cách trên những bức tường ở các đường phố, khu phố, được vẽ bằng sơn, sơn xịt hoặc đánh dấu bằng các vật liệu bất kỳ lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng. Bước vào các không gian triển lãm là cơ hội để graffiti tỏa sáng và được nhìn nhận một cách công bằng hơn. Tuy nhiên, cũng chính từ đây, nhiều người lo ngại nghệ thuật đường phố sẽ mất đi bản chất phóng khoáng vốn có.

Nghệ sĩ graffiti Lưu Đoàn Duy Linh chia sẻ: “Graffiti chính xác là để đánh dấu tên tuổi của người vẽ ngoài đường phố, để thỏa mãn cái tôi sáng tạo của người vẽ. Việc một số người có định kiến với graffiti không có gì lạ vì theo mình cái gì cũng có hai mặt của nó. Graffiti bước vào triển lãm cũng là cách để mọi người có dịp tìm hiểu chi tiết hơn về nó, nhưng bản chất graffiti vẫn thuộc về đường phố, đầy ngẫu hứng và phóng khoáng”.

Nghệ thuật đường phố luôn đi giữa lằn ranh khen – chê, cũng bởi sự ngẫu hứng và tự do mà không ít người lợi dụng vẽ lên tường hay các bề mặt công cộng, làm xấu đi bộ mặt mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, với những nỗ lực sáng tạo nghiêm túc của nhiều nghệ sĩ graffiti trẻ, những bức tường ở các chung cư cũ như 1A, 1B (Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TPHCM) được tô điểm những sắc màu tươi mới. Bên cạnh đó, ở những không gian triển lãm được tổ chức bài bản, graffiti dần có những bước chuyển mình, vượt lên định kiến.

Nghệ sĩ graffiti Lưu Đoàn Duy Linh: Cộng đồng graffiti chuyên nghiệp vẫn chưa nhiều

Hiện tại, người theo đuổi graffiti chuyên nghiệp không nhiều, cơ bản do cộng đồng vẫn chưa chấp nhận nó là một loại hình nghệ thuật mà chỉ đơn giản là vẽ ngoài đường và vẫn còn nhiều người nhìn nhận nó như… vẽ bậy. Thậm chí, một bộ phận người trẻ còn lợi dụng graffiti để bôi bẩn các bề mặt công trình công cộng, thay vì phải làm ra một tác phẩm có giá trị nghệ thuật, mỹ quan. Và, để theo đuổi graffiti chuyên nghiệp sẽ có nhiều khó khăn vì vẽ sơn xịt ảnh hưởng đến sức khỏe, chưa kể, nếu vẽ trên mảng tường lớn buộc phải leo trèo nhiều, khá nguy hiểm. Chính vì vậy, tôi thấy nhiều người chọn hướng đi mới là áp dụng graffiti trong các mảng digital art”.

Theo Thiên Bình/SGGPO

 

Bình luận (0)