Hội nhậpThế giới 24h

WTO đạt được gói thỏa thuận thương mại chưa từng có

Tạp Chí Giáo Dục

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phê chuẩn các thỏa thuận trong ngày 17.6 về giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, hạn chế trợ cấp đánh bắt cá gây hại và tạm thời từ bỏ quyền sáng chế vacine COVID-19, AFP thông tin.
Gói thỏa thuận chưa từng có
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, hội nghị đã đạt được thành quả "chưa từng có” sau khi 164 thành viên của cơ quan thương mại toàn cầu thông qua các thỏa thuận tại trụ sở của tổ chức ở Geneva.
“Gói thỏa thuận đạt được sẽ tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của mọi người trên thế giới. Kết quả cho thấy WTO trên thực tế có khả năng ứng phó với những trường hợp khẩn cấp của thời đại chúng ta" – bà Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh.
Các bộ trưởng từ hơn 100 quốc gia tập hợp tại trụ sở của cơ quan giám sát thương mại toàn cầu ở Geneva trong tuần này là cuộc họp đầu tiên sau hơn 4 năm. Đàm phán bắt đầu từ ngày 12.6 và dự kiến kết thúc ngày 15.6 nhưng cuối cùng kéo dài thêm 2 ngày tới 17.6. Hội nghị cấp bộ trưởng cũng nhất trí về các thỏa thuận về thương mại điện tử, ứng phó với đại dịch và cải tổ WTO. Đàm phán hướng tới cấm trợ cấp khuyến khích đánh bắt quá mức và đe dọa tính bền vững của nguồn cá trên hành tinh đã diễn ra tại Tổ chức Thương mại Thế giới trong hơn hai thập kỷ.
Reuters nhận định trước cuộc họp, gói thỏa thuận thương mại đa phương được coi là phép thử khả năng các quốc gia trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang ở mức cao. Trước khi gói thỏa thuận được thông qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala nêu trong thư đề nghị các thành viên của tổ chức cân nhắc "sự cân bằng mong manh" đạt được sau các cuộc đàm phán liên tục kéo dài thêm 2 ngày so với lịch trình. “Bản chất của sự thỏa hiệp là không ai có được tất cả những gì họ muốn" – bà  Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh. 
Nhiều nguồn tin thương mại cho hay, có giai đoạn trong đàm phán, loạt yêu cầu cũ và mới từ Ấn Độ khiến đàm phán gần như tê liệt nhưng cuối cũng đã tìm được biện pháp giải quyết. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal phát biểu ngày 16.6: "Ấn Độ tin rằng đây sẽ là một trong những cuộc họp bộ trưởng thành công nhất mà WTO đã chứng kiến ​​trong một thời gian dài". 
Từ 16.6, các đại biểu đã bày tỏ sự lạc quan về gói thỏa thuận của WTO. Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis cho hay, các thành viên đang "xích lại gần nhau hơn". Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Anabel Gonzalez cũng cho biết, bà rất "hy vọng" vào gói thỏa thuận.
Tái khẳng định vai trò của WTO
Lịch sử của Tổ chức Thương mại Thế giới nương theo sự phát triển của thương mại toàn cầu hóa. Kể từ khi tổ chức này được thành lập năm 1995, khối lượng thương mại toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi và thuế quan trung bình toàn cầu giảm xuống còn 9%, với hàng tỉ người thoát khỏi đói nghèo nhờ tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Các công ty thành lập chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng nguồn lao động giá rẻ hoặc nguồn nguyên liệu dồi dào ở các nước đang phát triển như Trung Quốc.
Nhưng vào khoảng năm 2015, giai đoạn được gọi là siêu toàn cầu hóa, với đặc trưng là sự thay đổi mạnh mẽ về quy mô, phạm vi và tốc độ toàn cầu hóa, bắt đầu kết thúc. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, Mỹ áp thuế các đồng minh ở Châu Âu… đã đe dọa nhiều năm hội nhập toàn cầu. 
Sau đó, đại dịch COVID-19 và các cuộc phong tỏa do dịch bệnh, khiến thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Các quốc gia đóng biên giới và áp đặt hạn chế xuất khẩu với khẩu trang, thuốc và thực phẩm để bảo vệ nguồn cung khi đại dịch khiến các nhà máy đóng cửa. 
Mới đây nhất, chiến sự Nga – Ukraina khiến nguồn cung lương thực toàn cầu bị ảnh hưởng, làm trầm trọng thêm xu hướng bảo hộ. Trong tháng 6, ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về một thế giới đang phân mảnh thành “những khối kinh tế riêng biệt với các hệ tư tưởng, hệ thống chính trị, tiêu chuẩn công nghệ, hệ thống thanh toán và thương mại xuyên biên giới cũng như tiền tệ dự trữ khác nhau". 
Trước cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới trong tuần này, hội doanh nghiệp Châu Âu Business Europe và Phòng Thương mại Mỹ ra thông cáo chung nhấn mạnh, mục tiêu chính của cuộc họp cấp bộ trưởng phải là “tái khẳng định chủ nghĩa đa phương và thương mại dựa trên quy tắc là con đường ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. WTO cũng cần chứng minh rằng tổ chức có thể ứng phó với những thách thức cấp bách nhất của thời đại, đặc biệt là sức khỏe, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực". 
Ông Jane Drake-Brockman, thành viên của Australian Services Roundtable, nhận định: “Đây là thời điểm nguy hiểm cho thương mại. Chúng tôi thực sự cần các bộ trưởng đạt được kết quả chất lượng cho thấy WTO vẫn là một tổ chức ủng hộ thương mại".
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)