Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cách bảo quản thực phẩm sau Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Thực phẩm, rau củ quả mua trong siêu thị cũng cần bảo quản đúng cách để dự trữ được lâu ngày
Trước Tết, các bà nội trợ bận rộn với việc chuẩn bị thực phẩm cho đầy tủ lạnh bao nhiêu thì sau Tết lại lo lắng tìm mọi cách để xử lý những thức ăn thừa bấy nhiêu vì “bỏ đi thì tiếc mà để lại cũng không xong”. Vì thế, khâu gìn giữ và gói ghém thức ăn đồ uống là một kỹ năng cần thiết đối với chị em phụ nữ trong một gia đình.
Nếu thiếu kinh nghiệm trong việc bảo quản thực phẩm sau những ngày Tết thì dễ làm cho thực phẩm mau hư hỏng và nếu dùng thì ảnh hưởng đến sức khỏe do bệnh tật gây ra.
Thực phẩm chia ra nhiều túi nhỏ
Mặc dù không có nhu cầu cụ thể nhưng không ít bà nội trợ vẫn mua dự trữ các loại thịt cá và rau củ để khi có khách khỏi phải mất công ra chợ. Chính từ tâm lý đó mà trong những ngày Tết, hầu như tủ lạnh nhà nào cũng quá tải. Do thời gian bảo quản trong ngăn đá được lâu nên một số thực phẩm như hải sản cần được ưu tiên để trong ngăn đá. Tuy nhiên, nhiệt độ và thời gian cũng ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm nên không được lạm dụng ngăn đá mà “bảo lưu” thực phẩm tươi sống quá nhiều ngày. Nhiều người vẫn có thói quen để nguyên tất cả thực phẩm mới mua về từ chợ cho vào tủ lạnh. Đây là một điều không nên. BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đưa ra lời khuyên, nếu thực phẩm sau khi rã đông mà tiếp tục đưa vào tủ lạnh thì sẽ có nhiều cơ hội cho các loại vi khuẩn xâm nhập trở lại, làm cho thức ăn chóng hỏng hơn. Vì thế tốt nhất là thực phẩm được chia ra nhiều túi, nhiều hộp nhỏ để “dùng bao nhiêu thì lấy ra bấy nhiêu”. Theo BS. Diệp, khi đem thực phẩm từ tủ lạnh ra dùng, cần đun lại và phải chờ thật nguội mới đưa vào tủ lạnh. Ăn tới đâu rã đông tới đó, vừa đỡ mất thời gian vừa khoa học hơn. Khi đã được rã đông thì không nên đưa thực phẩm vào tủ lạnh nữa vì sẽ nhanh chóng bị hư do tác động của vi khuẩn. Tuyệt đối không đưa bất kỳ một thức ăn nóng nào vào tủ lạnh cả. Do thể tích có hạn mà nhu cầu lại cao nên chị em cần ưu tiên các loại thực phẩm tươi sống như thịt heo, gà, cá vào tủ lạnh; còn các loại trái củ như bí đao, củ sắn, khoai tây cà rốt thì chỉ cần để nơi khô ráo và mát mẻ.
Ăn tới đâu đưa ra tới đó
Nếu có thời gian, chị em có thể tẩm ướp sẵn gia vị vào thực phẩm để bảo quản được lâu và ngon hơn. Đặc biệt, không để chung thực phẩm chín với thực phẩm sống mà nên riêng biệt theo từng ngăn để tránh ô nhiễm liên đới.
Không ít gia đình sau ngày Tết bánh chưng/bánh tét vẫn còn, dù chất lượng không được như trong Tết, vì thế nếu bị lại gạo thì nên nấu nước sôi để nấu lại. Khi có nấm mốc do khí hậu nắng nóng thì nên vứt bỏ tránh bệnh tật. Có thể chiên/ rán bánh chưng/ bánh tét để có thêm món mới và tránh bị hư hỏng. Đây cũng là cách làm mới một số món ăn khác đã được để lâu ngày trong tủ lạnh. Cũng như các loại thịt cá, giò chả nằm trong danh sách dễ bị hư hỏng, nên ăn đến đâu thì lột vỏ đến đó, không nên cắt ra nhiều quá dễ bị khô và hỏng dù trong thời gian rất ngắn. Thịt heo, gà nếu còn thừa có thể chế biến thành món thịt đông vừa tiết kiệm bảo quản được lâu ngày nhưng phải chia theo từng bát nhỏ, chứ không nên để nguyên nồi như truyền thống trước đây. Một số người lại có thói quen sai lầm cho bánh mứt vào tủ lạnh vì dễ bị nấm mốc khi đưa ra ngoài. Tốt nhất là cho vào túi kín ăn đến đâu đưa ra đến đó trong hộp kín, tránh gió vào như vậy lúc nào cũng có thực phẩm tươi ngon và hợp vệ sinh.
“Thực tế cho thấy, nhiều người bị tiêu chảy hay ngộ độc do thức ăn ngay tại chính nhà mình trong những ngày sau Tết vừa qua do không biết cách bảo quản các loại thực phẩm. Khi thực phẩm đã bị hư thì bỏ đi, không nên tiếc. Bởi vì nếu ăn vào thì sẽ gây ra nhiều căn bệnh về đường tiêu hóa như trúng thực, ngộ độc, tiêu chảy, kiết lỵ… ảnh hưởng đến sức khỏe người thân và cả chính mình – BS. Ngọc Diệp nhắc nhở.
Bài, ảnh: Quang Phan
Nghệ sĩ làm “chuyên gia”
Trong chương trình Cà phê buổi sáng mới đây trên VTV, tuy không phải là chuyên gia về dinh dưỡng nhưng nghệ sĩ Đại Nghĩa đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho mọi người về cách bảo quản thực phẩm sau ba ngày Tết. Theo nghệ sĩ Đại Nghĩa, muốn để lâu ngày thực phẩm phải rửa sạch và chờ khô ráo mới cho vào tủ lạnh. Nhiều loại rau dù được cất giữ trong ngăn lạnh nhưng vẫn bị nhanh vàng úa là do vẫn còn một lượng nước không cần thiết đọng lại. Tốt nhất là dùng màng nilon bọc kín các loại rau củ để giảm độ tiếp xúc với không khí và vi khuẩn. Cách làm này cũng phù hợp các loại thực phẩm đã nấu sẵn nhưng chưa dùng hết như thịt kho nước dừa, cá lóc kho tiêu, canh khổ qua… Không nên bỏ phí hoặc chọc đũa vào quá nhiều làm thức ăn mau hỏng mà lấy ra vừa đủ dùng nếu thiếu thì lấy tiếp không nên lãng phí một cách không cần thiết.
 
 

Bình luận (0)