Trẻ tiêm ngừa tại Viện Pasteur TP.HCM
|
Ngày 10-3, vợ chồng chị Hoa lặn lội từ Cần Thơ lên Viện Pasteur TP.HCM để tiêm ngừa vaccine 6 trong 1 Infarix – Hexa (gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mũ do Hib và viêm gan B) cho con. Tại đây, chị nhận được thông báo của y tá là đã hết vaccine.
Nhiều vaccine hết hàng
“Khi tôi hỏi: Bao giờ thì có vaccine?”, cô y tá trả lời: “Chúng tôi cũng không biết bao giờ thì có thuốc trở lại”. Bây giờ tôi không biết phải đi đâu để tiêm ngừa cho con. Trước khi lên đây, chúng tôi đã đi mấy cơ sở tiêm ngừa dịch vụ ở Cần Thơ nhưng đều nhận được câu trả lời là: Hết vaccine. Cứ ngỡ Viện Pasteur TP.HCM lớn thì sẽ còn thuốc, ai dè cũng hết…”, chị Hoa bức xúc.
Không riêng gì chị Hoa, nhiều bà mẹ đưa con đi tiêm ngừa nhưng không được cũng tỏ ra rất khó chịu. Chị Ngân Hà (Q.Thủ Đức) cho biết: “Sáng nay (ngày 10-3, PV) tôi xin nghỉ làm một buổi để đưa bé Xíu đi tiêm ngừa vaccine 6 trong 1. Khi tới Bệnh viện Nhi đồng 2, tôi đọc được thông báo là hết vaccine 6 trong 1 nên vội vã chạy tới Viện Pasteur cho kịp thời gian vì 10 giờ là ở đây không còn phát số nữa. Nào ngờ, một nơi vốn là trung tâm của tiêm ngừa mà cũng hết thuốc”.
Tại Khoa Tiêm ngừa của Viện Pasteur TP.HCM, chúng tôi đọc được thông báo dán ngay bàn phát số thứ tự. Theo đó, tại đây không chỉ hết vaccine 6 trong 1 mà còn hết cả vaccine ngừa viêm phổi phế cầu Pneumo 23.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, theo thông báo thì có tới 6 loại vaccine đã hết. Gồm vaccine 6 trong 1, vaccine 5 trong 1 Pentaxim (gồm Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mũ do Hib), vaccine 4 trong 1 Tetraxim (gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt), vaccine Meningo A-C (phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu týp A-C), vaccine ngừa cúm, vaccine ngừa viêm não Nhật Bản, vaccine Pneumo 23.
Nhiều phụ huynh đưa con đến rồi lại phải đưa con về. “Đành phải chờ đến khi nào bệnh viện có thuốc rồi đưa con đi tiêm chứ biết làm sao bây giờ. Tôi đi mấy nơi rồi mà nơi nào cũng thông báo là hết vaccine”, chị Thúy (Q.7) cho biết.
Sở dĩ có sự khan hiếm này là bởi: “Theo thông báo của các nhà sản xuất khả năng cung cấp vaccine dịch vụ trong năm 2015 là rất hạn chế. Chỉ có khoảng 30.000 liều vaccine 6 trong 1 Infarix – Hexa (bằng 1/10 so với năm 2014) và khoảng 250.000 liều vaccine 5 trong 1 Pentaxim. Chỉ riêng với bệnh ho gà, tổng 2 loại vaccine dịch vụ này chỉ tiêm được cho 100.000 trẻ với đủ 3 mũi cơ bản lúc trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Trong khi hằng năm nước ta có khoảng 1,6 triệu trẻ ra đời. Theo đó cần được tiêm vaccine phòng bệnh với tổng số 4,8 triệu liều…”, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết.
Mẹ phụ thuộc tiêm dịch vụ, con dễ mắc bệnh
Tình trạng thiếu vaccine tiêm ngừa dịch vụ, đặc biệt là vaccine 6 trong 1 và 5 trong 1 đã làm cho hoạt động tiêm ngừa dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Theo đó dẫn đến tâm lý chờ đợi tiêm vaccine dịch vụ tạo nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở các khu vực này.
Phụ huynh ngồi chờ trước cửa Phòng Tiêm ngừa (Khoa Dịch vụ) Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: H.Triều
|
“Việc chờ đợi tiêm vaccine dịch vụ sẽ làm chậm lịch tiêm vaccine là rất nguy hiểm. Vì nếu trẻ không được tiêm ngừa vaccine phòng bệnh đúng lịch sẽ có khoảng trống thời gian nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM – nhấn mạnh.
“Để đảm bảo cho trẻ không mắc bệnh, các bà mẹ hãy đưa con em mình đi tiêm ngừa đủ 3 mũi vaccine Quinvaxem (vaccine 5 trong 1) thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não) đúng lịch vào lúc trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi mà không chờ vaccine dịch vụ. Vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí, an toàn và hiệu quả” – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã được triển khai ở tất cả các xã, phường của các tỉnh, thành phố với số lượng sử dụng hàng năm khoảng 35-40 triệu liều vaccine để tiêm cho khoảng 1,6 triệu trẻ được sinh ra. Riêng trong năm 2014 và đầu năm 2015, một chiến dịch tiêm vaccine sởi – Rubella lớn nhất từ trước đến nay đã được chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm cho hơn 19 triệu trẻ an toàn. Nhờ có tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại từ uốn ván sơ sinh và giảm được hàng triệu trường hợp tử vong ở trẻ em do các bệnh truyền nhiễm.
Cũng theo ông Phu, nhằm tránh tình trạng người dân chờ đợi tiêm chủng các loại vaccine dịch vụ, bên cạnh các chính sách dài hạn như chủ động sản xuất vaccine trong nước, Bộ Y tế đã đề nghị các nhà sản xuất tăng số lượng nhập khẩu vaccine tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đảm bảo đủ vaccine. Đặc biệt, ngày 9-3, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các sở y tế, các đơn vị trực thuộc. Theo đó, yêu cầu các cơ sở có tổ chức hoạt động tiêm chủng dịch vụ phải tổ chức tiêm chủng các vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng tương ứng với loại vaccine mà cơ sở thực hiện tiêm chủng dịch vụ. Cơ sở nào không thực hiện hoặc không bảo đảm đủ các vaccine phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng mà cơ sở đó thực hiện tiêm chủng dịch vụ, sẽ xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Để nâng cao công tác tiêm chủng, đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn, hiệu quả, ngày 9-3, Bộ Y tế đã thành lập 11 đoàn đi kiểm tra, đánh giá công tác tiêm chủng trong cả nước. Theo đó, các đoàn sẽ tiến hành kiểm tra công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng dịch vụ và kết quả triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi – Rubella trong tiêm chủng mở rộng tại 63 tỉnh, thành. |
Bình luận (0)