Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lợi và hại của tắm hơi

Tạp Chí Giáo Dục

Tắm hơi có tác dụng tốt cho sức khỏe nếu biết cách (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Cùng với massage, tắm hơi (còn gọi là xông hơi, sauna) đã trở thành dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cơ thể ở các nhà nghỉ, khách sạn cho đàn ông và cả phụ nữ. Tuy nhiên, hầu hết khách hàng đến với dịch vụ này thường thư giãn cuối tuần sau những ngày làm việc vất vả mà chưa biết rõ những lợi ích và cả mặt trái của nó.
Mỗi lần vào massage ở Cơ sở xông hơi – xoa bóp khiếm thị Toàn Thắng trên đường Thành Thái, Q.10 TP.HCM ông Đức ngụ ở chung cư Đồng Khánh, đường Trần Hưng Đạo, Q.5 thường mua thêm 1 vé sauna với giá 30.000 đồng. Ông Đức cho biết: “Massage làm cho cơ thể hết nhức mỏi nhưng xông hơi lại giúp đầu óc tỉnh táo và tinh thần sảng khoái hơn”.
Sau thư giãn là sức khỏe
Thói quen đó bắt đầu khi ông có người bạn rủ đi massage trong một chuyến du lịch ở Đà Lạt và mấy năm nay, mỗi tháng dù bận rộn ông cũng ráng 1 lần đến xông hơi ở cơ sở Toàn Thắng. Điều này có cơ sở khoa học và được thực tế chứng minh từ hàng ngàn năm nay. Lương y Phạm Quang Việt (Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM) cho biết: “Cùng với massage, tắm hơi là phương pháp phòng và chữa bệnh đơn giản nhưng lại có hiệu quả cho các lứa tuổi đã được áp dụng từ xa xưa trong y học dân gian”. Thói quen xông hơi bằng nồi nước xông và cả nồi khoai lang luộc cho đến nay vẫn được dùng để diệt trừ một số bệnh cảm cúm, nhức mỏi. Đây là một liệu pháp chữa bệnh dùng hơi nóng của các loại cây cỏ có tinh dầu thơm như  lá bưởi, ngũ trảo, bạch đàn, tía tô, kinh giới và cả gừng, tỏi, củ sả… Sau khi được xông các loại lá cây nấu kỹ, có nhiều hơi trong chiếc mền trùm kín thì toàn bộ cơ thể sẽ vã mồ hôi và cảm cúm được xua tan. Theo TS. Lê Thúy Tươi (nguyên BS Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM) xông hơi là biện pháp có tác dụng tốt để trị cảm phong hàn đã được y học cổ truyền coi trọng từ lâu. Theo BS. Tươi, nhờ nhiệt độ cao nên trước hết xông hơi có tác dụng sưởi ấm cơ thể đang bị hàn và sau đó là làm giãn các mạch máu dưới da giúp máu đến với các bộ phận trong cơ thể dễ dàng hơn. Đặc biệt tinh dầu thơm trong cơ thể còn có tác dụng sát trùng da và sát trùng đường hô hấp. Chính vì thế, sau khi xông hơi hay tắm hơi con người thường có cảm giác sảng khoái, nhẹ nhõm, hết nhức đầu nghẹt mũi…
Gần đây bằng một cuộc khảo sát thói quen tắm hơi nhiều năm của hơn 2.000 nam giới, các nhà khoa học Phần Lan đã đưa ra kết luận tắm hơi còn giảm được nguy cơ về tim mạch. Những người có thói quen tắm hơi thường xuyên trong 1 tuần thì có nguy cơ đột tử vì bệnh tim thấp hơn so với những người tắm không thường xuyên. Tắm hơi còn có tác dụng giúp mạch máu vành tim bớt bị tắc nghẽn, ngăn chặn được tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí hoặc thiếu máu cục bộ. Rõ ràng tắm hơi không chỉ tăng cường cho hoạt động lưu thông của các mạch máu mà còn góp phần tăng sức khỏe cho quả tim.
“Bài học vỡ lòng” về tắm hơi
Hiện nay, tại các cơ sở sauna ngoài xông hơi khô còn có xông hơi ướt. Nếu xông hơi khô dùng sức nóng từ những cục đá lớn nung nóng bằng nhiệt thì xông hơi ướt lại lấy sức nóng từ hơi nước có pha hương liệu thảo dược. Mỗi cách xông hơi đều có lợi ích khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh và cơ thể từng con người. Do nhiệt độ xông hơi khô lên đến 50 hoặc 600C nên cơ thể ra mồ hôi rất nhiều khi lỗ chân lông được nở ra rất nhiều. Xông ướt giúp cho mồ hôi bài tiết các độc tố nhưng không làm khô da do hơi nước vẫn giữ ẩm được. Cũng theo các nhà khoa học Phần Lan, tắm hơi trên 19 phút mới mang lại lợi ích cho sức khỏe nhiều hơn việc tắm hơi chỉ trong 11 phút. Điều đó cho thấy phải có thời gian nhất định thì việc tắm hơi mới có tác dụng mạnh đối với sức khỏe con người. Đây là “bài học vỡ lòng” mà những người bước chân vào phòng xông hơi cần lưu ý.
Tắm hơi có tác dụng tốt cho sức khỏe nếu biết cách. Trái lại khi thiếu kiến thức về phương pháp chăm sóc sức khỏe này thì cũng có thể có những tác dụng ngược có khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Lương y Việt khuyến cáo: “Trước khi xông hơi nên tắm rửa sạch sẽ, còn sau khi xông hơi thì tuyệt đối không được tắm ngay nước lạnh vì dễ làm cho các lỗ chân lông bít lại làm các mạch máu ứ trệ và cơ thể mệt mỏi trở lại”. Đàn ông thường có thói quen đi tắm hơi sau khi chè chén no say, đây là một quan niệm sai lầm và rất nguy hại vì ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và cả tim mạch.
“Những người lớn tuổi có tiền sử bệnh tim, cao huyết áp cũng không nên ngồi lâu trong phòng xông hơi vì dễ bị đột quỵ. Những ai bị bệnh ngoài da, cảm sốt nặng, phụ nữ có thai cũng không nên vào phòng xông hơi. Có nhiều người lạm dụng việc tắm hơi thường xuyên cũng không tốt vì theo y học cổ truyền lúc này cơ thể sẽ bị mệt mỏi thêm do hụt giảm năng lượng, da khô. Một số chị em lạm dụng xông hơi để giảm béo cũng là điều không nên vì dễ bị mất nước nhanh và nhiều” – BS. Lê Thúy Tươi lưu ý.
Quang Phan

Bình luận (0)