Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2022 vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến. Những điểm mới trong tuyển sinh năm nay được Bộ GD-ĐT dự kiến như lọc ảo tất cả các phương thức xét tuyển; đăng ký nguyện vọng xét tuyển sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT… đã được đưa vào dự thảo quy chế.
Đại diện Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tư vấn, giới thiệu thông tin tuyển sinh cho học sinh năm nay
Theo dự thảo lần này, thí sinh phải được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những ngành, chương trình đủ điều kiện trúng tuyển.
Bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải hợp lý
Theo dự thảo quy chế, cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo. Một ngành hoặc một chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh. Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo.
Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác) thì tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo (có thể tính hệ số cho từng môn), trong đó có môn toán hoặc ngữ văn. Một ngành, một chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn, trong đó có thể quy định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp khi xác định điều kiện trúng tuyển. Không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ).
Đối với một ngành, chương trình đào tạo có chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển, việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý, không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau. Việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo.
Dự thảo lần này cũng yêu cầu cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.
Dự thảo quy chế cho phép cơ sở đào tạo có kế hoạch xét tuyển sớm đối với một số phương thức tuyển sinh, tổ chức cho thí sinh đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Đồng thời, thực hiện quy trình xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung. Cơ sở đào tạo công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.
Đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung
Bộ GD-ĐT hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả phương thức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Thời gian đăng ký bắt đầu sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết thúc sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh dự tuyển đợt 1 đào tạo chính quy (bao gồm cả những thí sinh đã dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo) thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống (qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hoặc qua Cổng dịch cụ công quốc gia) theo kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.
Với dự thảo, TS. Trần Đình Lý (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho rằng, việc Bộ GD-ĐT tổ chức lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển sẽ hạn chế được việc một thí sinh trúng tuyển nhiều trường và giảm tỷ lệ trúng tuyển ảo so với mọi năm. Các năm, vì ảo nên nhiều trường ĐH đã phải gọi trúng tuyển “trừ hao” với tỷ lệ trên 200% ở một số ngành. Với việc lọc ảo chung, thí sinh phải xác định rõ ngành/trường mình yêu thích và có khả năng đậu cao nhất ở tất cả các phương thức; tránh được hiện tượng một thí sinh “rải” hồ sơ ở nhiều trường với nhiều phương thức khác nhau và có khả năng trúng tuyển ở nhiều phương thức.
Cùng với đó, việc Bộ yêu cầu các trường thực hiện quy trình xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển nhưng không được gọi thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình kế hoạch chung là một điểm mới đáng ghi nhận. Với việc này, thí sinh có thể được xác định trúng tuyển sớm nhưng cơ sở đào tạo vẫn phải tải dữ liệu lên hệ thống để lọc ảo và thí sinh vẫn phải đăng ký lên hệ thống chung của bộ, từ đó, giải quyết triệt để vấn đề “ảo” trong quá trình xét tuyển.
Tuy nhiên, theo ông Lý, quy chế được ban hành vào thời điểm này là khá trễ vì thực tế một số trường đã tiến hành nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Nếu bây giờ bộ yêu cầu phải đăng ký chung vào một phần mềm lọc ảo thì thí sinh phải đăng ký lại hoặc các trường phải tải dữ liệu mà các em đã đăng ký lên hệ thống, việc này sẽ không tránh khỏi những sai sót về mặt kỹ thuật.
“Dự kiến, điểm học tập THPT được cập nhật trên toàn bộ hệ thống. Thí sinh không cần phải photo công chứng hồ sơ, trường THPT không phải xác nhận hồ sơ xét tuyển mà chỉ cần kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ngành. Đây là một điều tích cực vì với việc “số hóa” dữ liệu sẽ tiết kiệm chi phí, công sức của cả thí sinh, trường THPT và các cơ sở giáo dục ĐH, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch của công tác tuyển sinh ĐH”- Ông Lý nói.
Còn ThS. Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) thì nhận định, nhiều quy định ở dự thảo quy chế sẽ giúp cho các trường chú trọng công tác tuyển sinh và đào tạo bài bản, nếu không thì sẽ làm “lỗi” các sản phẩm mình tạo ra. Trong đó, việc cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm là điều cần thiết. Quá trình đào tạo phải được công bố chất lượng và phải giải trình cho xã hội.
Mê Tâm
Bình luận (0)