Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo viên khổ với chữ viết quá xấu của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Chấm bài kiểm tra cuối học kỳ I vừa qua, giáo viên dạy văn lớp 12 của một trường THPT tại quận Tân Phú (TP.HCM) ngao ngán với chữ viết quá xấu và cẩu thả của học sinh mình. Giáo viên này chia sẻ tâm trạng trên nhóm Zalo của tổ văn: “Thế kỷ 21 rồi mà mình tưởng đọc chữ tượng hình thời cổ đại, cần phải có người phiên dịch…!”. Kèm theo dòng trạng thái trên là hình ảnh bài làm mà giáo viên này đưa lên. Quả thật, nhìn chữ viết của học sinh làm bài này, khó ai có thể đọc được. Tuy nhiên, đáng nói là, đây không phải là trường hợp cá biệt. Thực trạng học sinh viết chữ quá xấu giáo viên gặp nhiều trong các bài làm từ kiểm tra thường xuyên, định kỳ cho đến thi tốt nghiệp; từ học sinh THCS cho đến học sinh THPT. Học sinh càng học lên lớp cao, chữ viết càng khó đọc vì cẩu thả. Câu chuyện một giáo viên phải mở nhạc thiền để vừa nghe vừa chấm bài môn văn được chia sẻ trên mạng xã hội trước đây không phải là không có cơ sở. Trong rất nhiều cái khổ khi chấm bài làm môn văn, có cái nhọc cho giáo viên vì chữ viết quá cẩu thả của học sinh.

Học sinh viết chữ xấu, càng lớn tuổi chữ càng xấu do nhiều nguyên nhân. Ở bậc tiểu học, các em buộc phải rèn chữ viết, vì được giáo viên đánh giá, cho điểm. Nhiều cuộc thi vở sạch chữ đẹp đều tổ chức ở tiểu học, THCS. Đến bậc THPT, nhiều học sinh và cả giáo viên không quá coi trọng chữ viết. Họ nghĩ miễn rõ ràng, đọc được là được. Nên dần dà viết không chịu rèn, viết kém đi. Kèm theo đó là quan niệm “bàn phím của công nghệ tin học sẽ thay thế các văn bản viết tay” hình thành trong suy nghĩ nhiều người. Các yêu cầu trong đáp án chấm bài thi môn văn cũng không chú trọng đến chữ viết. Đây là điều cần thiết phải có để khuyến khích người học. Tuy nhiên, các em học sinh cần phải thấy một thực tế rằng, viết chữ đẹp khi làm bài là một lợi thế. Nó sẽ tạo được thiện cảm cho người chấm, và sẽ được cho điểm tốt hơn các bài làm kia. Những bài văn điểm 9, 10 trong các kỳ thi tốt nghiệp trước đây hầu hết đều là những bài của thí sinh có chữ viết khá đẹp. Hơn nữa, các em cần lưu ý, viết văn là một hoạt động tạo lập văn bản để giao tiếp với người đọc – giám khảo. Tất cả các nội dung này các em đều đã được học ở nhà trường. Vì vậy, cần tôn trọng các nguyên tắc trong giao tiếp bằng ngôn ngữ. Và rộng hơn nữa là, trân trọng chữ viết đẹp là giúp chúng ta giữ gìn cho sự trong sáng của tiếng Việt. Dĩ nhiên là không ai còn viết văn nghị luận, viết phân tích thơ, truyện nữa sau khi đã rời ghế nhà trường. Tuy vậy, không chịu rèn chữ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà cứ giữ thói quen viết chữ cẩu thả cũng là một bất lợi lâu dài về sau, trong nhiều tình huống giao tiếp của cuộc sống.

Ngc Tun

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)