Quán nước giải khát di động trên đường Hoàng Minh Giám (quận Gò Vấp, TP.HCM)
|
Nhiều tuyến đường trung tâm của TP.HCM tấp nập các hàng quán vỉa hè là các đồ ăn, thức uống được bày bán di động. Nhưng việc sử dụng những loại đồ ăn, thức uống này một cách chủ quan của người tiêu dùng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe.
Quá dễ dãi…
Những chiếc xe kéo di động hay những gánh hàng rong chỉ được che đậy bằng một lớp nilon nhưng được người bán hàng kéo đi hết từ con phố này đến con phố khác. Trong cái nắng đến cháy da cháy thịt của thành phố, những đồ ăn kia không được bảo quản một cách cẩn thận nên rất dễ bị nhiễm khuẩn, đó là chưa kể đến công đoạn chế biến thức ăn cũng không được đảm bảo. Tuy nhiên, những đồ ăn đó vẫn “đắt khách” thậm chí còn được nhiều người ưa thích. Những xe nước giải khát với đa dạng đồ uống như sâm lạnh, nước tắc, đậu nành, mè đen, nước trái cây… được đặt một chỗ trên vỉa hè hay được kéo di động trên các tuyến phố đã giúp cho nhiều người giải quyết được những cơn khát đến cháy họng. Tấp vào một quán nước lề đường đường Hoàng Minh Giám (quận Gò Vấp, TP.HCM) chúng tôi vào vai một người khách hàng. Khi được hỏi, chị T.A (chủ quán) chia sẻ: “Một ngày tôi bán được cả mấy trăm ly nước các loại, đó là còn bị lực lượng trật tự đô thị đuổi vì người ta không cho bán dưới lòng đường”. Một lát sau hai mẹ con đang đi trên đường nhưng cũng tấp xe vào mua hai ly sâm lạnh, vừa uống đứa nhỏ vừa cười toét miệng: “Mẹ ơi! Đã quá…”. Các hàng quán vỉa hè này thường tập trung ở những khu vực trung tâm, những nơi tập trung đông dân cư là trường học, công viên, công trường xây dựng… Theo tìm hiểu, những người bán hàng rong này rất dè chừng với lực lượng trật tự đô thị nhưng dẹp rồi đâu lại vào đó, việc buôn bán vẫn diễn ra tràn lan. Các loại thực phẩm thì vô cùng đa dạng, phong phú, màu sắc hấp dẫn nhưng ít ai quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm khi sử dụng mà phần lớn chỉ quan tâm đến việc giải quyết nhu cầu bản thân trước mắt. Nước giải khát, thức uống vỉa hè là một trong những mặt hàng rất được ưa chuộng trong ngày nắng nóng. Giá thành của các sản phẩm này chỉ dao động từ khoảng mấy ngàn đến mấy chục ngàn. Chẳng hạn như một chai nước ép trái cây có giá từ khoảng 20-30 ngàn, sữa đậu nành, sữa bắp từ 12-15 ngàn hay một ly nước mía siêu sạch cũng chỉ có giá 5 ngàn đồng.
Nguy cơ rước bệnh
BS. Thủy khuyến cáo, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức và chủ động hạn chế sử dụng các thực phẩm đường phố, không sử dụng các loại thức ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ, cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại những điểm bán buôn tự phát. |
Các loại đồ ăn, thức uống vỉa hè có màu sắc bắt mắt, giá thành rẻ, mùi hương hấp dẫn, đa dạng đã khiến cho nhiều người cứ vô tư sử dụng mà quên đi chất lượng sản phẩm. Việc bảo quản các thực phẩm này còn rất hạn chế, thời tiết nắng nóng nhưng chỉ bảo quản bằng việc dùng một tấm nilon nhằm che bụi nhưng có ai dám chắc là bụi sẽ không vào thực phẩm dưới sự bảo quản sơ sài như vậy, thực phẩm dễ bị ôi thiu… Như vậy vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải quan tâm. Nhiều người có thể thấy được những loại thức ăn đồ uống này không đảm bảo nhưng vẫn sử dụng. Để lý giải cho vấn đề này chị Phạm Hương (nhân viên văn phòng) cho biết: “Những món ăn đường phố thường rẻ, nhanh và tiện lợi nên tôi vẫn thường xuyên sử dụng”. BS. Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết: “Việc sử dụng các loại thức ăn, đồ uống vỉa hè không đảm bảo vệ sinh, không được bảo quản cẩn thận có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Người dùng có thể bị ngộ độc thực phẩm cấp tính như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt… Thậm chí có thể bị ngộ độc mãn tính do bị nhiễm hóa chất, phẩm màu độc hại, gây nên các bệnh lý trong cơ thể và nặng hơn, lâu dần có thể gây ung thư…”. Như vậy các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm khi ăn các loại thức ăn đường phố sẽ cao hơn trong mùa nắng nóng do vi khuẩn sinh sôi phát triển rất nhanh. Bên cạnh đó, nguồn bụi bẩn dễ gây nên sự thoái biến thức ăn. Dưới góc độ dinh dưỡng BS. Yến Thủy khuyến cáo: “Để đảm bảo sức khỏe tốt trong mùa nắng nóng thì nên uống đủ nước như nước lọc, sữa, canh súp… và ăn đủ chất, đặc biệt cần tăng cường trái cây hàng ngày, mỗi ngày nên ăn khoảng 200g để cung cấp vitamin C và tăng sức đề kháng cho cơ thể”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định: Người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng. Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, lấn chiếm lòng đường… phạt từ 2-3 triệu đồng…
|
Bình luận (0)