Đây là chương trình được Trường THPT Tôn Thất Tùng (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) tổ chức nhằm giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi có thêm cơ hội tìm hiểu về nghề nghiệp để có thể chọn cho mình một hướng đi phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT. Chương trình tổ chức lần đầu tiên với sự tham gia của gần 80 học sinh các khối lớp trong trường.
Các học sinh thuộc diện khó khăn của Trường THPT Tôn Thất Tùng tham quan trải nghiệm tại Làng nghề nước mắm Nam Ô
Chuyến xe gắn băng rôn trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng xuất phát vào một ngày cuối tháng 4-2021 khác hẳn nhiều chuyến xe hướng nghiệp phân luồng trước đó nhà trường tổ chức vào mỗi năm học. Chuyến xe lần này chỉ dành riêng cho những học sinh khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo và mồ côi. Buổi trải nghiệm hướng nghiệp diễn ra ở Trường CĐ Nghề Đà Nẵng và làng nghề nước mắm Nam Ô (Q.Liên Chiểu) – một làng biển với nghề truyền thống đặc trưng của Đà Nẵng còn nhiều hộ dân theo nghề, giữ nghề và sống bằng nghề.
Trở về sau buổi trải nghiệm, Phan Thị Na (học lớp 11/11) chia sẻ: “Em thấy chuyến đi thực tế trải nghiệm rất hữu ích. Cụ thể, em được tận mắt thấy cách dạy học với từng ngành nghề trong Trường CĐ Nghề Đà Nẵng. Ngoài ra, em cũng rất ấn tượng khi được thăm làng nghề làm nước mắm truyền thống Nam Ô. Tuy trước đây gia đình em ở Nam Ô, em có biết về làng nghề truyền thống này nhưng biết khá ít và chưa cụ thể về quy trình làm ra giọt nước mắm như thế nào. Nay em tích lũy thêm được nhiều kiến thức từ nghề truyền thống này. Đó cũng là vốn sống để sau này em có thể giới thiệu với bạn bè về quê hương mình”. Còn với Huỳnh Thị Thu Ngân (học lớp 11/7), tham gia chương trình là cơ hội giúp em định hướng được nghề nghiệp sắp tới. “Hết hè này em lên lớp 12. Gia đình em là hộ nghèo nên em rất phân vân chưa biết chọn học ngành nghề gì, làm thế nào để tiếp tục đi học. Được nhà trường tổ chức cho đi thực tế trải nghiệm em đã biết thêm được rất nhiều ngành nghề. Sau khi được thầy cô giới thiệu cụ thể các ngành nghề đang đào tạo ở Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, em thấy thích thú với ngành thiết kế. Em dự định đăng ký học ngành thiết kế đồ họa sau khi tốt nghiệp THPT…”, Thu Ngân chia sẻ.
Anh Bùi Thanh Phú (chủ xưởng nước mắm Hương Làng Cổ thuộc làng nghề nước mắm Nam Ô) cho hay: “Đối với các đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh thuộc diện khó khăn đến từ Trường THPT Tôn Thất Tùng, xưởng luôn sẵn sàng mở cửa cho các em tham quan miễn phí và đích thân tôi giới thiệu cho các em hiểu về quy trình làm ra giọt nước mắm”. Không chỉ vậy, để học sinh hiểu hơn về lịch sử, truyền thống một vùng đất, đồng thời cũng là cách giúp các em học thêm về lịch sử địa phương, anh Phú còn liên hệ với ông Trần Ngọc Vinh (Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề nước mắm Nam Ô – một người cao tuổi am hiểu về truyền thống văn hóa Nam Ô) giới thiệu cho học sinh biết về các di tích lịch sử trên mảnh đất bên ghềnh sóng này. Cô Trịnh Thị Gấm (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng) cho biết cùng với các hoạt động phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh theo kế hoạch hàng năm của nhà trường, năm nay lần đầu tiên nhà trường tổ chức thêm hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp dành cho đối tượng học sinh khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo và mồ côi. Mục đích của hoạt động này là do nhận thấy các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn rất lo lắng cho tương lai, nhiều em trong số đó luôn nghĩ rằng mình không có tiền học ĐH nên tỏ ra buồn, suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, nhà trường tổ chức cho các em đến Trường CĐ Nghề Đà Nẵng tham quan phòng thực hành, tìm hiểu về các ngành nghề. Từ đó các em hình dung được các ngành nghề trong tương lai. Mặt khác cùng với các thông tin ngành nghề, đầu ra việc làm…, các em có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân sau khi tốt nghiệp THPT. Nhà trường cũng quyết định chọn thêm điểm đến là làng nghề nước mắm Nam Ô để tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu về cách sống, cách làm việc của bà con ngư dân, từ đó giúp các em có những trải nghiệm cần thiết để tự tin hơn trong lựa chọn nghề nghiệp, thay đổi lối suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống.
Theo cô Gấm, chuyến xe hướng nghiệp phân luồng đã mang lại hiệu quả nhất định. Đặc biệt, các em học sinh tham gia đều rất vui vẻ, thoải mái hơn. Đó cũng là cách để giúp các em giảm bớt áp lực trong học tập. “Trường THPT Tôn Thất Tùng nằm trên địa bàn còn nhiều khó khăn ở Q.Sơn Trà. Nhiều em là con ngư dân hoặc lao động thời vụ còn nhiều khó khăn. Vì vậy, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này như một kênh thông tin cần thiết để giúp học sinh có thêm cơ hội nhìn nhận và chọn nghề cho tương lai”, cô Gấm nói.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)