Những cuộc thi khởi nghiệp quy mô cấp trường là bước đệm để sinh viên có điều kiện tập tành, rèn luyện, cọ xát trước khi thử sức ở các sân chơi lớn, nhiều thử thách hơn, từ đó dấn sâu vào hoạt động khởi nghiệp.
Đỗ Thị Bảo Hà (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, bên trái) với sản phẩm thuộc dự án vừa đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp cấp trường
Các sân chơi khởi nghiệp cấp trường hiện đang được đầu tư ngày càng bài bản, sinh viên tham dự được chia sẻ kinh nghiệm, hun đúc tinh thần khởi nghiệp và quan trọng là định hướng lối đi. Vì trên thực tế không ai khởi nghiệp đều thành công liền, cũng như không ai có thể có được dự án để đời ngay từ lần đầu khởi nghiệp. Như các năm trước, hiện nay nhiều cuộc thi khởi nghiệp đang được phát động, khá sôi nổi tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM. Tại Trường ĐH Mở TP.HCM, cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp 2021” đang được triển khai ở vòng đầu tiên, cho sinh viên đăng ký ý tưởng. Năm nay, các dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi sẽ được chia theo từng lĩnh vực như: Công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch, khoa học, công nghệ, tài chính, kinh doanh. Tương tự, cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp lần 2 năm 2021” do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tổ chức sẽ bắt đầu vòng loại vào ngày 9-5 tới. Cuộc thi chú trọng những ý tưởng có tính ứng dụng thực tế, khả thi và độc đáo. Trong khi đó, tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cuộc thi “Khởi nghiệp cùng IU” đã khởi động vào cuối tháng 4 và đang trong giai đoạn bình chọn 3 dự án khởi nghiệp có tính khả thi để ươm tạo… Những cuộc thi như thế này hàng năm thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên đang học tập tại nhiều trường ĐH, CĐ tham gia. Chị Trần Thị Hảo (cựu sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) trong một chương trình tọa đàm đã chia sẻ với sinh viên, để đoạt được giải khuyến khích cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp quốc gia năm 2020”, bản thân chị đã tập tành khởi nghiệp ngay từ năm nhất, thông qua những cuộc thi cấp trường. Theo chị Hảo, khi thực hiện dự án nhỏ, sinh viên có thể phải giải quyết nhiều vấn đề lớn liên quan, có vấn đề phức tạp phải thông qua sự hỗ trợ, hướng dẫn từ thầy cô. Từ đó, việc khởi nghiệp được định hướng, dìu dắt, hạn chế được những sai sót không đáng có. Chị Hảo đúc kết, con đường để sinh viên có được cơ hội việc làm ưng ý ngay sau khi ra trường có thể là nhờ tham gia thực hiện những dự án khởi nghiệp nhỏ trong môi trường ĐH. Ngay cả khi khởi nghiệp không thành công, sinh viên cũng được kết nối với nhiều mối quan hệ, nhà tuyển dụng, biết tích lũy kinh nghiệm, kiến thức gì cho công việc sau này.
ThS. Phạm Thái Sơn (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho rằng, khởi nghiệp ở những cuộc thi cấp trường là giai đoạn ban đầu nhưng quan trọng để đề tài của sinh viên có thể vươn xa trong giới khởi nghiệp, cộng đồng. Đa phần giải thưởng khởi nghiệp cấp trường thường được chấm ở những yếu tố: Ý tưởng, cách thức thực hiện, cách đo thị trường, tính ứng dụng thực tế… của các nhóm khởi nghiệp. Và mặc dù nhiều ý tưởng của sinh viên sau cuộc thi khởi nghiệp cấp trường không đủ sức để vươn ra thực tế, nhưng bản thân các em lại thu được những kinh nghiệm đáng giá khác làm nền tảng cho những ý tưởng khởi nghiệp về sau. Điều quan trọng là việc khởi nghiệp nhỏ giúp sinh viên có được sự bình tĩnh, có giai đoạn chuẩn bị dài hơi, sửa chữa sai sót để rèn mình trên hành trình khởi nghiệp lâu dài. “Bước qua giai đoạn này, các em có thể có được các mối quan hệ, đủ tự tin để thực hiện dự án tốt hơn, thi cấp cao hơn, từ đó tiếp cận được nhà đầu tư, gọi vốn thành công cho dự án khởi nghiệp ra thực tế”, ông Sơn nói.
HỖ TRỢ HỌC SINH, SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP Liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Trong đó nhấn mạnh việc đổi mới công tác truyền thông và phương pháp tổ chức hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về khởi nghiệp; giúp các em chủ động tiếp cận với hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài trường. Xây dựng các bài giảng cung cấp thông tin, kiến thức, cập nhật tài liệu và các khóa đào tạo cho học sinh, sinh viên trên hệ thống hướng nghiệp, khởi nghiệp trực tuyến; kết nối cổng khởi nghiệp với tất cả cơ sở đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên… |
Từ năm 2019, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, hoạt động khởi nghiệp của sinh viên đã được trường đẩy mạnh, nổi bật là cuộc thi “HUTECH Startup Wings”, tổ chức theo mô hình có người cố vấn đồng hành thí sinh tiềm năng nhằm giúp các em hoàn thiện dự án khởi nghiệp của mình trước khi bước vào thực tế. Năm 2021, cuộc thi vừa được tổ chức vào tháng 4 với giải nhất thuộc về Đỗ Thị Bảo Hà (sinh viên ngành công nghệ sinh học) với dự án “Nước uống thảo dược Golden Herbal Pharma hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, thanh nhiệt, giải độc, ổn định huyết áp”. Đại diện nhà trường cho hay, trường còn thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề về khởi nghiệp, chương trình giao lưu gặp gỡ với doanh nhân khởi nghiệp và các nhà đầu tư khởi nghiệp… theo từng lĩnh vực cụ thể để tăng cường cơ hội học hỏi kinh nghiệm, cọ xát thực tế cho sinh viên. Ngoài ra, sinh viên cũng được tư vấn, định hướng lựa chọn các đề tài nghiên cứu khoa học, đồ án tốt nghiệp giàu tính thực tiễn, có khả năng thương mại hóa để trở thành sản phẩm khởi nghiệp sau này.
M.Tâm
Bình luận (0)