Gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM năm 2021 lên đến gần 900 tỷ đồng đang được TP rốt ráo triển khai thực hiện. Làm liền, làm nhanh để người dân sớm nhận được hỗ trợ trang trải cuộc sống, điều đó còn thể hiện sự cố gắng của chính quyền TP không để người lao động lâm vào khó khăn.
Mẹ con chị Cao Thị Út bán vé số dạo trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5)
Có thêm đồng nào đỡ đồng đó
Dù chưa biết có đủ điều kiện được nhận tiền từ gói hỗ trợ lần này không nhưng ông Nguyễn Xuân Tiến (ngụ ở 144/66/10B Phan Văn Hân, P.17, Q.Bình Thạnh) tỏ ra phấn khởi: “Khi nghe tin TP tiếp tục có gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chúng tôi vui lắm. Ít nhất đời sống chúng tôi cũng được chính quyền quan tâm, đó là niềm động viên, an ủi lớn. Tôi hy vọng sẽ có trong diện được hỗ trợ, dù ít hay nhiều đều đáng quý. Ảnh hưởng dịch bệnh ai cũng khó khăn vì thu nhập giảm nhiều, có thêm đồng nào đỡ đồng đó”.
Ông Tiến năm nay 57 tuổi, bị khuyết tật nặng. Ngoài khoản hỗ trợ hơn 500.000 đồng hàng tháng dành cho người khuyết tật của Nhà nước, cuộc sống qua ngày của ông phụ thuộc vào thu nhập từ việc bán vé số dạo. Tùy ngày, có hôm ông thu được 70.000 đồng tiền lời, nhiều thì 100.000 đồng. Nhưng từ khi dịch xảy ra, thu nhập giảm còn khoảng 50.000 đồng/ngày. Hiện sức khỏe yếu, ông không còn rong ruổi được nhiều nơi mà chủ yếu đứng cố định ở đầu đường Trường Sa (Q.Bình Thạnh) để bán cho người đi đường. Ông còn một người con trai phục vụ nhà hàng nhưng đã nghỉ việc vì dịch xảy ra quán phải đóng cửa khiến gia đình ông khó khăn hơn. “Hiện có ai thuê thì con tôi có việc làm, còn không thì phụ cha bán vé số”, ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Xuân Tiến bán vé số qua ngày ngay đầu đường Trường Sa (Q.Bình Thạnh)
Là lao động tự do, thu nhập giảm sâu do tác động của dịch, chị Bùi Thị Thắm (ở trọ P.Trung Chánh, huyện Hóc Môn) cũng vô cùng phấn khởi vì chị có khả năng thuộc diện được nhận hỗ trợ. “Nghe nói người buôn bán bị ảnh hưởng bởi dịch sẽ được nhận hỗ trợ nên tôi cũng hy vọng và vui lắm. Có thể không nhiều nhưng chia sẻ được khoản tiền thuê phòng trọ 1 tháng cho gia đình tôi. Trong lúc ai cũng khó khăn, có được hỗ trợ là điều rất vui vì sự quan tâm của chính quyền TP, giúp người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh”, chị Thắm bày tỏ.
Chị Thắm quê Lâm Đồng vào TP.HCM bán thơm dạo cũng gần 2 năm. Ngày ngày từ 5 giờ sáng chị và chồng chở xe thơm từ phòng trọ ở huyện Hóc Môn tới cầu Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) để bán. Chập choạng tối vợ chồng chị lại quay về phòng trọ. Trước dịch, mỗi ngày vợ chồng chị kiếm được khoảng 300.000 đồng tiền lời, trừ chi phí phòng trọ, ăn uống, học tập của 2 đứa con cũng dư được 1 triệu đồng/tháng. Nhưng từ khi dịch xảy ra, thơm bán ít hơn, thu nhập giảm, số tiền tích cóp cũng hết vì phải lấy ra chi tiêu…
Ưu tiên lao động tự do
Gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP năm 2021 hướng tới nhóm lao động tự do bị giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do ảnh hưởng của giãn cách xã hội. Theo đó, 3 nhóm: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ nếu thu nhập dưới 4 triệu đồng theo mức chuẩn hộ nghèo – cận nghèo của TP.HCM giai đoạn 2021-2025.
Để gói hỗ trợ này sớm đến tay các đối tượng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM đã có tờ trình khẩn gửi UBND TP.HCM về dự toán kinh phí thực hiện hỗ trợ. Chỉ riêng kinh phí hỗ trợ 3 nhóm người lao động trên đã gần 554 tỷ đồng, tăng 92 tỷ đồng. Mức chi tăng là bởi qua thống kê từ các sở, ban, ngành, 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức thì số người lao động thuộc các diện được hỗ trợ đã tăng thêm 57.600 người so với thống kê tính đến ngày 25-6.
Theo ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, việc xét duyệt sẽ do hội đồng xét duyệt của xã, phường đảm nhận trên cơ sở người lao động tự khai vào phiếu in sẵn do phường, xã cung cấp. Trường hợp người dân tạm trú phải có xác nhận của công an khu vực nơi tạm trú. Phương thức chi trả sẽ do người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí được bổ sung theo đúng quy định.
Ngày ngày chị Bùi Thị Thắm từ Hóc Môn đến cầu Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) bán thơm
Trước những quy định về điều kiện nhận tiền hỗ trợ, chị Cao Thị Út (trọ tại P.Cô Giang, Q.1) bán vé số dạo khá buồn vì chưa kịp đăng ký tạm trú. “Thu nhập từ bán vé số không nhiều buộc gia đình tôi phải tìm phòng trọ giá rẻ để ở nên thường di chuyển nhiều nơi, việc đăng ký tạm trú cũng bị chậm trễ. Nếu được hỗ trợ thì gia đình tôi vui lắm vì có thêm khoản chi tiêu hàng ngày. Nhưng chỉ khi TP nới quy định, xem xét duyệt các trường hợp lao động tự do chưa kịp đăng ký tạm trú như gia đình tôi thì mới được nhận”, chị Út bày tỏ.
Là người tham gia công tác lập danh sách lao động được nhận hỗ trợ, bà H.A (công tác tại một khu phố ở P.5, Q.3) nhìn nhận, gói hỗ trợ TP đưa ra hết sức nhân văn, ý nghĩa vì quan tâm kịp thời đến những người lao động có thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Công tác xét duyệt trường hợp được nhận hỗ trợ hết sức chặt chẽ, kỹ càng, đúng người và đúng đối tượng.
Tuy nhiên, bà H.A cho rằng, việc thực hiện cần nhanh hơn nữa. Như một số trường hợp ở P.5, Q.3 thuộc diện nhận hỗ trợ bởi tác động dịch Covid-19 ở lần thứ hai đã nộp đầy đủ hồ sơ với đủ điều kiện nhưng vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ. Có thể do ảnh hưởng dịch, phải giãn cách xã hội nên tiến độ công việc có phần bị chậm. Tuy nhiên nếu thực hiện nhanh sẽ kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn với người lao động thu nhập thấp…
Minh Phương
Bình luận (0)