Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đề thi ĐH không được ra phần kiến thức đã tinh giản

Tạp Chí Giáo Dục

Điều khiến nhiều học sinh lớp 12 hiện lo lắng là các trường ĐH nếu tổ chức thi sẽ ra đề thế nào, phần nội dung đã tinh giản có được đưa vào đề thi hay không.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019 /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019. ĐÀO NGỌC THẠCH
Ngoài ra, học sinh cũng quan tâm việc thi tự luận ở các trường ĐH sẽ ra sao khi 3 năm qua học sinh chỉ được luyện thi theo hình thức trắc nghiệm?
“Tự học có hướng dẫn” có thể trong phạm vi ra đề
Trao đổi với PV, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ đã quy định nội dung chương trình đã được tinh giản, cụ thể là nội dung được ghi chú "không dạy", "không làm", "không thực hiện", "khuyến khích học sinh tự đọc, tự học" sẽ không kiểm tra đánh giá, không đưa vào đề thi.
“Do vậy, bất kể kỳ thi nào dành cho đối tượng học sinh phổ thông, thi tốt nghiệp THPT hay thi tuyển sinh ĐH, CĐ cũng phải thực hiện nghiêm quy định này của Bộ”, PGS Nguyễn Xuân Thành khẳng định.
Tuy nhiên, ông Thành lưu ý nội dung được ghi chú "tự học có hướng dẫn", học sinh cần phân biệt là khác với “khuyến khích tự học” nên vẫn được phép nằm trong phạm vi sẽ kiểm tra, đánh giá và thi. Do vậy, trong quá trình ôn tập, học sinh và nhà trường cần dựa vào nội dung chương trình đã được tinh giản cùng hướng dẫn của các thầy cô qua internet, truyền hình trong thời gian không đến trường do dịch Covid-19 và sau khi quay trở lại trường.
Học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản, cốt lõi
Một vấn đề khác mà thí sinh cũng đặc biệt quan tâm là 3 năm học THPT, các em đã được ôn luyện và làm quen với hình thức thi, kiểm tra trắc nghiệm, nay một số trường ĐH tốp đầu tổ chức thi riêng và ra đề thi có phần tự luận, vậy có phải “làm khó” cho học sinh hay không.
Ông Thành cho rằng theo hướng dẫn của Bộ, việc kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ phải kết hợp cả hình thức tự luận và trắc nghiệm. Ngoài ra, Bộ cũng cho phép các nhà trường chủ động áp dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh qua các hoạt động, sản phẩm học tập, nghiên cứu nhằm khuyến khích việc dạy học tích cực, phát huy năng lực, phẩm chất học sinh qua quá trình hoạt động, học tập.
Tuy nhiên, dù áp dụng hình thức đánh giá nào thì học sinh cũng cần nắm vững kiến thức cơ bản, cốt lõi. Mỗi hình thức đánh giá sẽ giúp các em được luyện tập, bồi đắp thêm các năng lực khác nhau. Nếu học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, kết hợp với việc ôn luyện và có kỹ năng làm các bài thi theo hình thức tự luận, trắc nghiệm thì sẽ đạt hiệu quả tốt trong kỳ thi.
Mặt khác, trong thời gian học sinh không đến trường, Bộ đã yêu cầu các địa phương, các trường tổ chức dạy học qua internet và truyền hình, bố trí giáo viên quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học, ôn luyện bằng mọi hình thức. “Đó là những cố gắng của Bộ nhằm giảm áp lực cho nhà trường và học sinh, khi cả nước đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, ông Thành chia sẻ.
Các trường ĐH dời ngày thi đánh giá năng lực
Một số trường ĐH đã có thông báo lùi thời gian tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.
Theo thông báo của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH này dự kiến điều chỉnh lịch thi đánh giá năng lực đợt 1 vào cuối tháng 6 và đợt 2 vào cuối tháng 8.
Trường ĐH Quốc tế cũng đã có thông báo mới về việc tổ chức ngày thi kiểm tra năng lực, dự kiến vào 11 và 12.7. Trường mở cổng nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 27.4 – 21.6.
Trường ĐH Việt Đức cũng thông báo dời lịch tới ngày 18 và 19.7 (thay vì tháng 5 như mọi năm).
Hà Ánh

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Bình luận (0)