Quang cảnh một buổi họp hội đồng sư phạm
Căn cứ vào điều lệ trường phổ thông và các hoạt động thực tiễn, các nhà trường thường xây dựng và thực hiện kế hoạch hội họp hàng tuần, hàng tháng khá đều đặn. Nhiều nơi tình hình hội họp tràn lan đã một phần nào được khắc phục và dần dần đưa việc hội họp trong nhà trường phổ thông vào nề nếp, chất lượng các buổi họp đã được nâng cao. Những kết quả bước đầu về việc cải tiến chế độ hội họp trong nhà trường phần nào đã có tác dụng tốt đến việc thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục (GD) của giáo viên (GV).
Nhìn chung hiện nay tình hình hội họp quá nhiều vẫn còn phổ biến trong các trường (và ngành GD), thời gian để làm công tác chuyên môn, số giờ tiêu chuẩn, chấm bài, nghiên cứu và nghỉ ngơi của GV vẫn còn bị xâm phạm, đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giảng dạy và các hoạt động chuyên môn của nhà giáo. Tình trạng này nếu không được kiên quyết khắc phục thì nhất định ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, đến tinh thần và sức khỏe của GV.
Có thể kiểm đếm số lần họp “bình thường” của một GV bình thường trong một tháng để thấy sự quá tải: 1 lần họp hội đồng sư phạm (thường là đầu tháng), 2 lần họp tổ chuyên môn, 1 lần họp tổ chủ nhiệm và các cuộc họp phải có khác như: Họp chi bộ (chi đoàn), họp BGH mở rộng, họp BCH công đoàn, họp tổ phụ trách Đội, họp xét thi đua GV và HS, họp Hội đồng trường… dành cho các GV liên quan (mà phần lớn GV đều có liên quan). Chưa kể các cuộc họp do cấp trên triệu tập (có khi phải bỏ lớp để đi họp), như: họp để chấm GV dạy giỏi cấp trường, họp chấm sáng kiến kinh nghiệm, họp chấm đồ dùng dạy học, họp chấm điểm các phong trào, họp kiểm định chất lượng GD… diễn ra theo từng chu kỳ và họp đột xuất khi có những sự vụ… phải họp. Nhìn chung mỗi phiên họp đều có nêu những vấn đề liên quan, theo quan điểm là cần sự trao đổi của cả tập thể để có thể đi đến nghị quyết và cùng thi hành nhằm đạt kết quả trong hoạt động dạy và học. Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều cuộc họp có nội dung trùng lắp. Ví dụ như kế hoạch hoạt động tháng của BGH được triển khai gần như ở tất cả các phiên họp từ họp BGH mở rộng đến hội đồng sư phạm, rồi họp tổ chuyên môn, tổ chủ nhiệm, họp chi bộ (chi đoàn)… Những nội dung “lặp đi, lặp lại” này gây mất rất nhiều thời gian “họp” của GV trong tháng, vì gần như cuộc họp nào cũng phải đầy đủ “thành phần” cho “xôm tụ”; tuần nào cũng họp và có tuần phải họp nhiều lần, diễn ra triền miên trong suốt năm học. Thời gian họp dành nhiều để báo cáo thuyết trình, phổ biến chủ trương, dành rất ít thời gian (nhiều khi không còn) để thảo luận, lấy ý kiến xây dựng. Tính chất dân chủ của cuộc họp trở thành hình thức.
Biết rằng hội họp là cần thiết để tìm được tiếng nói chung và nhận được sự đồng thuận của tập thể trong thi hành nhiệm vụ dạy và học, nhưng các cuộc “họp hội” nhiều khi bị lạm dụng trở nên các lần “họp hành” (hạ) gây rất nhiều phiền toái và mất nhiều công sức của GV, trở thành áp lực không đáng có. Chưa kể BGH, đặc biệt là hiệu trưởng, gần như lịch họp kín cả thời gian (cả họp ở trường và ở cấp trên), vậy còn lúc nào để vừa họp, “vừa lãnh đạo, vừa là người quản lý mọi hoạt động của nhà trường” như nhiệm vụ chính của mình?
Tất nhiên phải thực hiện đầy đủ những buổi họp thường kỳ đã quy định, đặc biệt là những buổi họp quy định cho các hoạt động chuyên môn nhưng cần sắp xếp các buổi họp cho hợp lý. Có thể cải tiến các phiên họp trong nhà trường theo hướng tăng cường sử dụng công nghệ thông tin như những vấn đề thuộc về thông báo, thông tin, hành chính sự vụ, triển khai văn bản… nên chuyển đến GV qua email, khi đến phiên họp chỉ bàn những điều cần thiết và phải là nơi tập họp ý kiến đóng góp tích cực của các thành viên dự họp chứ không phải là nơi GV ngồi nhận thông tin một chiều “từ trên xuống”. Các tổ chức trong nội bộ trường học tổ chức thông tin các nội dung đến thành viên một cách chi tiết cũng qua email (nếu cần thiết thì qua giấy) hoặc lồng ghép vào sau phiên họp hội đồng (khi có đầy đủ các thành viên trong nhà trường), tránh những phiên họp nhằm để báo cáo lên cấp trên số lần đã họp (và có lẽ cấp trên cũng không yêu cầu các tổ chức nội bộ này phải họp thành một phiên họp riêng). Ngoài ra còn phải chú ý đến thời gian họp và nội dung chính của phiên họp, tránh những hình thức người chủ tọa đến mỗi vấn đề đều lặp đi lặp lại điệp khúc “hồi xưa như vậy thời nay như vầy” gây tâm lý ức chế đến GV.
Giảm bớt các cuộc hội họp và kết hợp với cải tiến nội dung họp cũng là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD và bảo đảm chế độ lao động của nhà giáo.
Trần Đăng Huy (TP.Cần Thơ)
Bình luận (0)