Mỗi học viên nộp 3,5 triệu đồng và được bảo đảm 97 – 99% đạt 337 điểm TOEFL trở lên, được cấp chứng chỉ TOEFL (tương đương A2 theo quy định của VN).
Hàng ngàn giáo viên Quảng Ninh đổ xô đi ôn, thi chứng chỉ tiếng Anh chuẩn quốc tế. LÃ NGHĨA HIẾU
“Chỉ có ngớ ngẩn mới… trượt !”
Trong vai một người có nhu cầu thi chứng chỉ tiếng Anh A2, phóng viên đến Trung tâm hướng nghiệp – giáo dục thường xuyên (HN-GDTX) tỉnh Quảng Ninh (trực thuộc Sở GD-ĐT Quảng Ninh), nơi được giới viên chức Quảng Ninh rỉ tai nhau: “Cứ nộp tiền là bao đỗ!”.
Trong phòng tuyển sinh của Trung tâm HN-GDTX Quảng Ninh đang có khoảng 5 phụ nữ đứng chờ để nộp tiền đăng ký học ôn, rồi nhận phiếu đăng ký dự thi để điền thông tin cá nhân.
Ông Trần Hùng Xuân, Phó giám đốc Trung tâm HN-GDTX Quảng Ninh, giới thiệu chương trình ôn luyện thi tiếng Anh TOEFL ITP được Sở GD-ĐT Quảng Ninh cho phép và chỉ kéo dài 1 ngày, thi cũng 1 ngày. Mỗi học viên phải đóng 3,5 triệu đồng, bao gồm tiền học ôn, phí thi tuyển.
Khi phóng viên thắc mắc, chỉ với 1 ngày ôn thi liệu có đạt 337 điểm TOEFL ITP tương đương với chứng chỉ tiếng Anh A2 của VN hay không, thì ông Trần Hùng Xuân giơ bảng điểm lên, khẳng định chắc nịch: “Anh cứ yên tâm đăng ký, chỉ có ngớ ngẩn mới trượt. Cứ nhìn bảng điểm khóa trước đây, học viên đỗ gần hết, không trượt một ai”.
“Chứng chỉ do Công ty IIG VN cấp, đây là đơn vị được Bộ GD-ĐT cấp phép cho thi tuyển tiếng Anh TOEFL. Thí sinh thi bao nhiêu điểm thì dựa trên khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ sẽ biết mình đạt trình độ bao nhiêu của VN”, ông Xuân cho biết thêm.
Sau đó ông nói tiếp: “Trường hợp của anh cần chứng chỉ tiếng Anh A2 thì anh phải làm bài thi đạt từ 337 – 499 điểm”. Sau khi nộp tiền, cùng với bản photo CMND, 2 ảnh 3 x 4 và kê khai đầy đủ thông tin trên các phiếu đăng ký, ông Xuân thông báo cho chúng tôi ngày đến ôn tập, và kỳ thi sát hạch sẽ diễn ra 4 ngày sau ngày ôn tập đó.
Mánh khóe thi nghe bằng mắt của cô Mỹ Hương dạy học viên
Dạy kỹ năng nghe hiểu bằng… mắt !
8 giờ sáng 18.8, phòng học tại Trung tâm HN-GDTX Quảng Ninh đã chật kín với hơn 150 học viên, bàn nào cũng đều phải ngồi ghép 5 – 6 người. Mỗi học viên sau đó được phát đề kèm một bài thi mẫu để học. Danh sách học viên đa số là các nữ giáo viên mầm non tại các trường, trên địa bàn TP.Hạ Long, H.Hoành Bồ, H.Ba Chẽ (Quảng Ninh). Có 4 – 5 học viên là nam giới.
Ngồi kế tôi là chị Nguyễn Thanh H., giáo viên mầm non tại một trường ở P.Cao Thắng (TP.Hạ Long). Chị H. chia sẻ: “Tôi làm giáo viên mầm non được 6 năm rồi nhưng nói thật là không biết cũng như chẳng mấy khi sử dụng tiếng Anh. Chỉ vì hoàn thiện hồ sơ viên chức nên nộp tiền ôn, thi. Tôi thấy các đồng nghiệp nói cứ nộp tiền ôn thi kiểu gì cũng đỗ nên yên tâm chọn trung tâm này”. Lúc này đồng hồ đã chỉ 8 giờ 30 nhưng vẫn còn nhiều học viên đang phải ngồi ngoài do không còn chỗ, dù trung tâm kê thêm bàn ghế đến sát bục giảng. Thấy tình hình không ổn, trung tâm thông báo chuyển lớp học ôn sang hội trường. Đáng chú ý, lớp học này không điểm danh, học viên thích học thì đến, không thích thì nghỉ.
Bắt đầu giờ học, giáo viên đứng lớp giới thiệu tên Phạm Mỹ Hương, Giám đốc dự án của Công ty CP giáo dục và đào tạo quốc tế Sydney. Có lẽ thấy danh sách lớp đa số là giáo viên mầm non, tiểu học, cô Hương nói ngay: “Các anh chị ở đây một là không biết, hai là đã lâu không sử dụng đến tiếng Anh nên hôm nay tôi sẽ giúp mọi người làm sao để đạt được ít nhất 337 điểm như mong muốn”.
Trong suốt 40 phút đầu của buổi học, cô Hương chủ yếu hướng dẫn học viên cách điền thông tin cá nhân lên bài thi và cách tập tô các đáp án sao cho thật khéo. Cô Hương cũng cho biết bài thi chính thức sẽ có 140 câu, gồm các phần nghe hiểu, ngữ pháp và đọc hiểu.
Hướng dẫn phần thi nghe, cô Mỹ Hương truyền đạt kỹ năng nghe hiểu bằng… mắt. Theo đó, học viên không cần phải nghe đoạn hội thoại qua radio mà chỉ cần nhìn vào đáp án rồi đếm số từ giống nhau xuất hiện tại các đáp án A-B-C-D. Đáp án đúng chính là câu mà các từ chung đó được xuất hiện nhiều nhất. Trường hợp 2 đáp án có số từ chung bằng nhau thì chọn đáp án dài nhất.
Anh cứ yên tâm đăng ký, chỉ có ngớ ngẩn mới trượt. Cứ nhìn bảng điểm khóa trước đây, học viên đỗ gần hết, không trượt một ai
Ông Trần Hùng Xuân Phó giám đốc Trung tâm HN-GDTX Quảng Ninh
|
Điền đầy, “bí kíp” giúp không ai trượt !
Gần kết thúc buổi ôn thi, để trấn an thí sinh, cô Mỹ Hương cho biết cách đây hơn 1 tháng, do ảnh hưởng của bão số 3, cô từng dạy ôn thi trực tuyến cho một lớp gần 160 học viên ở TX.Quảng Yên (Quảng Ninh) mà tỷ lệ đỗ vẫn trên 90%.
“Trong trường hợp các anh chị không tự làm được bài thì sử dụng phương pháp điền đầy”, cô Hương nói.
Thì ra, “điền đầy” chính là bộ đáp án được soạn sẵn cho tất cả các phần của bài thi TOEFL sắp tới đây (?).
Theo đó, cô Hương viết đáp án lên bảng phần thi nghe hiểu là: C-B-D-B-D-D-B-C-B-A và hướng dẫn cho các học viên biết: việc của họ bây giờ là chỉ cần học thuộc thứ tự xuất hiện của chuỗi các chữ cái trên. Đến khi vào làm bài thi, với mỗi câu hỏi gồm có 4 đáp án đánh số chữ cái A-B-C-D, học viên cứ thế mà khoanh tròn 5 đáp án lần lượt theo thứ tự chữ cái trong chuỗi trên, thì chắc chắn sẽ là đáp án đúng. Để giúp học viên có thể nhớ chính xác chuỗi đáp án này, cô Hương còn hóm hỉnh “Việt hóa” toàn bộ đáp án cho phần thi nghe hiểu tiếng Anh bằng một câu dễ nhớ và hài hước: “Cán bộ đi bồi dưỡng, đồng bào cho bữa ăn”.
Phần thi ngữ pháp cũng được cô này viết đáp án lên bảng là: B-C-B-D-B-C-D-D và phần đọc hiểu là: C-B-C-A-D-A-A-B-C-C, như thể cô Hương đã biết trước đề thi TOEFL sắp tới sẽ được soạn như thế nào (!?).
Và với việc được hướng dẫn những “mánh khóe” phản giáo dục để chuẩn bị trước đáp án cho bài thi, khoảng 150 học viên chúng tôi đã trải qua ngày ôn thi duy nhất mà không cần phải hiểu nghĩa của một câu từ tiếng Anh nào.
Từ đỗ 99% đến không trượt một ai
Chiều 22.8, chúng tôi đến phòng thi số 4, tầng 3, Trung tâm HN-GDTX Quảng Ninh. Thấy tôi có vẻ khó nhớ về các đáp án, chị Vũ Thị Ch., một thí sinh cùng phòng thi, là giáo viên một trường mầm non tại thị trấn Trới, H.Hoành Bồ, mách nhỏ: phần thi đọc hiểu, đáp án sẽ là B-C-B-D-B-C-D-D thì anh chỉ cần nhớ bằng câu tiếng Việt là: “Bò chó, bò dê, bò chó, dê dê” cho dễ nhớ. Còn đáp án phần đọc hiểu là C-B-C-A-D-A-A-B-C-C thì anh nhớ cho em là “Cán bộ công an dương anh ấy bị chó cắn” (!).
Bước vào phòng thi, Công ty cổ phần IIG VN là đơn vị phối hợp tổ chức kỳ thi TOEFL ITP hôm ấy tiến hành khâu kiểm tra thủ tục của thí sinh một cách khá nghiêm túc và chặt chẽ như kiểm soát an ninh ở sân bay. Chờ phát đề thi xong, các thí sinh hăm hở bắt tay ngay vào việc… tô đáp án theo “bộ điền đầy” rồi đợi nộp bài.
Ngày 17.9, cầm trên tay mảnh giấy chứng nhận kết quả thi, chị Nguyễn Thị T., giáo viên một trường mầm non ở H.Hoành Bồ (Quảng Ninh), reo lên mừng rỡ: “Anh ơi, em qua môn tiếng Anh rồi, em chỉ dùng đáp án “bộ điền đầy” mà được hơn 400 điểm trong khi chẳng biết chữ gì, may quá anh ạ”. Tương tự như vậy, chị Phạm Thị Thùy D., giáo viên một trường mầm non tại TP.Hạ Long, cho biết cũng sử dụng bí kíp “điền đầy” của cô Hương và được hơn 420 điểm. Chị D. cũng thừa nhận trình độ tiếng Anh ở tình trạng không biết gì ngoài các câu quen thuộc như: “Yes, hello, good morning”…
Theo Trung tâm HN-GDTX Quảng Ninh, kết quả ngày thi hôm 22.8, hơn 150 thí sinh đủ điều kiện dự thi thì chỉ 1 trường hợp bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế, còn lại đều trên 373 điểm, tỷ lệ đỗ 99%. Trước đó cũng trong tháng 8, Công ty Sydney và Trung tâm HN-GDTX Quảng Ninh cũng tổ chức cho hơn 400 giáo viên tại H.Đầm Hà (Quảng Ninh) ôn, thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEFL với hình thức như trên, và kết quả là không… trượt một ai! (còn tiếp)
Theo Lã Nghĩa Hiếu/TNO
Bình luận (0)