Hàng nhập về đóng gói, sơ chế hoặc làm các công đoạn cuối, thậm chí hàng đặt “nguyên con” ở nước ngoài, về gắn mác hàng Việt, có được coi là hàng Việt không?
Cần sớm có tiêu chí hàng Việt để giảm tình trạng đánh tráo xuất xứ. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Tranh cãi khái niệm
Nói đến tiêu chí hàng Việt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng đó phải là sản phẩm được lên ý tưởng, được thiết kế, sản xuất bởi người Việt. Trong đó, linh kiện, vật liệu trong nước ít nhất là một nửa và doanh nghiệp (DN) do người Việt làm chủ.
“Chiếc điện thoại Samsung được sản xuất tại VN, do người Việt làm, nhưng ý tưởng và linh kiện từ DN ngoại, không thể gọi là hàng Việt. Chai dầu gội đầu của Unilever, công ty nước ngoài, cho dù sản xuất trong nước, không thể gọi là hàng Việt. Hoặc với DN chỉ chăm chăm nhập hàng về đóng mác Việt, bán ra thị trường càng không thể gọi là hàng Việt”, ông Phú nói. Lấy ví dụ với thương hiệu điện tử Asanzo, Sunhouse, Kangaroo…, ông Phú khẳng định: “Chưa thể gọi các nhãn hàng này là hàng Việt. Hàng được sản xuất hầu hết tại Trung Quốc, xuất xứ từ Trung Quốc, vẫn gắn mác hàng Việt chất lượng cao là có cái gì đó sai sai ở đây, không ổn”.
Ở góc độ DN, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi, lại có quan điểm khác. Ông cho rằng, sản phẩm được sản xuất tại VN thì được coi là hàng Việt, không nên phân biệt là hàng của DN nào. Nếu đã được làm tại VN, bằng nguyên liệu nhập khẩu hoặc từ trong nước nhưng do chính bàn tay người Việt làm… thì đương nhiên là hàng Việt.
“Trong một thế giới phẳng, không nên tuyệt đối hóa về các công đoạn, nguyên liệu của một sản phẩm. Bởi toàn cầu hóa thì không có gì đóng cửa để làm được, cần có tư duy cởi mở hơn. Nhà máy điện của VN sản xuất ra điện cho người Việt xài nhưng cũng phải nhập dầu. Với quan điểm này, tôi nghĩ hàng được sản xuất, lắp ráp tại VN, tạo công ăn việc làm cho người Việt, được hiểu là hàng Việt”, ông Bình nói.
Luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó trưởng phòng Pháp chế – Phòng Thương mại – Công nghiệp VN, chi nhánh TP.HCM, dẫn Nghị định 31/2018, nói hàng được coi là xuất xứ tại VN khi sản phẩm qua quá trình chế tạo, chế tác, bao gồm cả lắp ráp.
“Thực tế, hàng gắn mác “xuất xứ tại VN” sẽ khó hơn hàng gắn mác “sản xuất tại VN” và theo điều 9 của Nghị định 31 thì những công đoạn gia công chế biến đơn giản, không thể coi là hàng có xuất xứ VN, nhưng gắn sản xuất tại VN lại đúng”, luật sư Vũ Xuân Hưng cho biết. Với góc nhìn này, định nghĩa về hàng Việt có độ mở khá rộng.
Vấn đề lớn là trốn thuế
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng nếu là hàng sản xuất ở nước ngoài, nhập về VN gắn mác hàng Việt là không ổn. “Như thế là nhận vơ, là hàng giả, không thể gọi là hàng Việt”, ông Bình nói thêm.
Tiêu chí hàng Việt được các chuyên gia, DN coi là giải pháp tối ưu để hạn chế tình trạng “nhà nhà tự xưng hàng Việt, người người tự dán mác hàng Việt”. Từ việc “đeo nhầm mã vạch” này, ông Phú khẳng định vấn đề lớn của các danh xưng, đánh tráo xuất xứ là trốn thuế. Ngày nào chúng ta còn nặng thành tích bởi những con số và danh xưng, ngày đó nền kinh tế còn tiếp tục “đẻ” ra nhiều DN phải tự gắn mác xuất xứ Việt để tồn tại.
“Song song việc xây dựng tiêu chí Việt, cần có quy trách nhiệm của nhà phân phối, nhà ban danh hiệu… cho DN phải quay trở lại kiểm tra thực tế sản xuất DN định kỳ thế nào. Thứ nữa, để xảy ra tình trạng hàng hóa bị đánh tráo xuất xứ, vai trò của quản lý thị trường, công an kinh tế phải được đặt ra thật nghiêm túc”, ông Phú nêu quan điểm.
Xác minh thông tin Asanzo “tráo” xuất xứ
Văn phòng Chính phủ ngày 24.6 có văn bản truyền đi chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Tài chính – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh liên quan Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ VN để bán ra thị trường VN; làm rõ vi phạm để xử lý. Bộ Tài chính và Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan và Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức năng nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật. Thủ tướng yêu cầu các bộ báo cáo Thủ tướng trước ngày 30.7 tới.
Cùng ngày, Sở Công thương TP.HCM cũng báo cáo Bộ Công thương kết quả rà soát hoạt động của Asanzo và cho biết trong thời gian tới Sở sẽ phối hợp Cục Quản lý thị trường TP.HCM, các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin “tráo” xuất xứ của DN.
Ng.Nga – Chí Hiếu
|
Theo Nguyên Nga/TNO
Bình luận (0)