Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chợ truyền thống hồi hộp vào mùa tết

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ còn 3 tháng nữa đến Tết Kỷ Hợi 2019 nhưng hiện nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống lớn trên địa bàn TPHCM còn khá… rảnh rang. Có lẽ qua ghi nhận thực tế thị trường cho thấy sức mua còn rất chậm nên tiểu thương đủng đỉnh chuẩn bị nguồn hàng.

Rau, củ, quả bày bán tại chợ Bến Thành. Ảnh: CAO THĂNG

Rau, củ, quả bày bán tại chợ Bến Thành. Ảnh: Cao Thắng

Chưa lo hàng tết

Tại khu vực chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TPHCM), mặt hàng quần áo thời trang treo đầy trên móc, kèm theo bảng khuyến mãi giảm giá nhưng số lượng người mua không đáng kể. Một số tiểu thương kinh doanh hàng thực phẩm, thời trang tại nhiều chợ cho biết, hiện nay mãi lực giảm khoảng 40%, thậm chí có nơi giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái; bạn hàng ở các tỉnh chưa liên lạc đặt hàng, số đơn hàng chốt còn ít, trong khi cùng kỳ năm trước mãi lực tốt hơn, bạn hàng đặt mua quần áo thời trang các loại cũng nhiều hơn. Chị Lê Phương, tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6), chia sẻ: “Từ giữa tháng 11 này, tiểu thương mới chính thức trở lại kinh doanh sau 2 năm sửa chữa khu vực nhà lồng chợ Bình Tây. Các mùa tết năm trước, việc kinh doanh cũng khá phập phù, còn năm nay chưa biết ra sao nhưng hy vọng mãi lực sẽ tốt hơn”.

Nhìn chung, tình trạng hàng hóa chờ người mua diễn ra phổ biến tại các chợ truyền thống. Chị Trang Thái, tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ An Đông (quận 5), thông tin các ngành hàng nói chung khá vắng khách. Chỉ một số cơ sở sản xuất, thiết kế thời trang theo đơn đặt hàng hoạt động sôi nổi hơn vì họ thiết kế ra nhiều mẫu mã quần áo, giày dép mới, cùng các phụ kiện đi kèm bắt kịp thị hiếu khách hàng. Thực tế khách hàng ngày càng kỹ tính, quan tâm tới chất lượng sản phẩm, thay vì chỉ quan tâm đến giá cả. Để trụ được tại các chợ truyền thống, hầu như tiểu thương nào cũng phải tìm đủ cách để giữ khách. Trong đó, việc chủ động nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (bánh kẹo, mứt, hạt, trái cây các loại…), đảm bảo hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… chính là tiêu chí hàng đầu. “Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi tiêu chí cao, vì vậy, người bán cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nếu không làm tốt sẽ rất khó trụ được”, chị Mai Anh (tiểu thương chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM) tâm sự. Tương tự, chị Ngọc Lan, chuyên bán trái cây nhập khẩu tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) chia sẻ thêm, hàng hóa nhập về chợ được bán đúng giá, không nói thách. Loại nào nhập từ Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc đều trao đổi thẳng với người mua. “Những người bán uy tín, lâu năm tại chợ hiếm khi nhập nhèm về xuất xứ, giá bán sản phẩm. Hàng nhập khẩu giá cao, chất lượng đảm bảo nên bán đúng giá tiền nào của đó”, chị Ngọc Lan nói.

Chợ truyền thống hồi hộp vào mùa tết ảnh 1
Thời điểm này, một số sạp kinh doanh quần áo thời trang tại chợ An Đông còn khá vắng khách
Chờ tín hiệu vui
Thời điểm này, theo giới tiểu thương, vẫn còn khá sớm để nói về mãi lực mùa tết. Thường sức mua chỉ thực sự khởi sắc vào trước tết khoảng 1 tháng. Lúc đó mùa mua sắm đồ tết mới bắt đầu và buôn bán thắng hay thua cũng trông chờ “thời điểm vàng” này. Có một thực tế là những năm gần đây, giới tiểu thương ở các chợ truyền thống đang phải cạnh tranh với rất nhiều kênh mua sắm tiện ích, hiện đại khác. Điển hình như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, kênh bán hàng trực tuyến… Nhiều tiểu thương kinh doanh lâu năm tại các chợ truyền thống (Bến Thành, Bình Tây, An Đông…) có chung tâm sự, những ngôi chợ nổi tiếng gắn liền với địa danh Sài Gòn – TPHCM đã trở thành điểm hẹn tham quan du lịch quen thuộc của du khách trong nước cũng như quốc tế. Và ngược lại, đối tượng bạn hàng truyền thống gắn bó khoảng 10 năm về trước tại các chợ bán sỉ nói trên nay cũng hiếm dần, bởi người mua có quá nhiều sự lựa chọn.
Để hỗ trợ tiểu thương giải bài toán cạnh tranh cho chợ truyền thống, thời gian gần đây, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với Sở Du lịch TP tìm cách nâng tầm các chợ Bến Thành, Bình Tây, An Đông… để thu hút du khách, mang lại nguồn thu cho ngành du lịch TP, gián tiếp hỗ trợ bà con kinh doanh ổn định tại các chợ truyền thống. Tuy vậy, muốn chợ truyền thống phát triển trong bối cảnh hiện nay không đơn giản. Ngoài việc hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, bà con tiểu thương cũng phải đổi mới tư duy kinh doanh bằng cách bán hàng đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, hạn chế tình trạng nói thách, bắt chẹt khách du lịch. “Kinh doanh văn minh, lịch sự; bán sản phẩm chất lượng và an toàn thì mới hy vọng níu chân du khách và bạn hàng”, chị Thái Trang cho biết.
Trong kế hoạch phát triển dài hạn của ngành công thương và du lịch TPHCM, thì các chợ truyền thống tên tuổi (bao gồm cả chợ đầu mối nông sản, thực phẩm) sẽ là điểm tham quan, mua sắm của du khách. Kế hoạch này được Sở Công thương và Sở Du lịch TPHCM đề cập nhiều lần tại các cuộc họp lớn về phát triển kinh tế, du lịch vùng. Rõ ràng đây là một cách làm đáp ứng xu hướng kinh doanh trong tình hình thị trường có sự cạnh tranh đa dạng. Vấn đề còn lại là các cơ quan chuyên trách sẽ triển khai trong thời gian tới như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất.

Thi Hồng/SGGP

 

Bình luận (0)