Theo phản ánh của nhiều sinh viên vừa nhận bằng tốt nghiệp tại trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), họ nhận thông báo trúng tuyển ngành Văn – Báo chí nhưng khi tốt nghiệp họ chỉ được cấp bằng Văn học.
Lãnh đạo ĐH Duy Tân cho rằng, mẫu văn bằng tốt nghiệp chung của Bộ GD-ĐT chỉ cho phép ghi ngành đào tạo |
Tìm hiểu về bảng điểm của một số sinh viên thì có khoảng 1/3 số tín chỉ trong chương trình đào tạo có liên quan đến báo chí, như: cơ sở lý luận báo chí; tác phẩm báo chí và các thể loại báo chí; lịch sử báo chí; đạo đức báo chí; Báo nói; Báo điện tử; Báo in; Ngôn ngữ báo chí; phỏng vấn – ghi nhanh, viết tin, tường thuật; Luật báo chí; truyền hình… Ngoài văn bằng tốt nghiệp chỉ ghi ngành Văn học, các sinh viên nhận được bảng điểm do nhà trường cấp ghi ngành chuyên ngành đào tạo là Văn (Báo chí).
Sinh viên thắc mắc, tại sao ngành Văn và Báo chí không được tách bạch bằng dấu gạch ngang (-) mà lại mở đóng ngoặc chữ báo chí? Khi đi công chứng các văn bằng và bảng điểm thì nhân viên công chứng cũng thắc mắc tương tự. Sinh viên cho rằng, chọn học Văn – Báo chí là vì thấy có đào tạo Báo chí để thuận tiện cho việc làm sau tốt nghiệp, còn nếu chỉ ghi là văn học thì khó xin việc làm, nếu biết trước họ sẽ không chọn học.
Trao đổi với phóng viên, TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân cho rằng, đến thời điểm này, trường ĐH Duy Tân vẫn chưa tự in phôi bằng mà mua phôi bằng từ Bộ GD-ĐT. Theo mẫu chung, trên bằng tốt nghiệp Đại học chỉ được ghi ngành đào tạo chứ không ghi chuyên ngành, cho dù nhà trường rất muốn ghi rõ chuyên ngành đào tạo là Văn (Báo chí) để tăng thêm cơ hội việc làm cho sinh viên. Nhà trường cũng đã giải thích rõ điều này với sinh viên trong đợt phát bằng tốt nghiệp và cam kết sẽ ký giấy xác nhận nếu đơn vị tuyển dụng lao động có yêu cầu. Trong bảng điểm của các em, nhà trường có ghi rõ chuyên ngành đào tạo là Văn (Báo chí).
TS Võ Thanh Hải cho biết thêm, theo quy định của Bộ GD-ĐT, Bộ quản lý mã ngành còn các trường tự quyết định chuyên ngành đào tạo trong các mã ngành. Khi trường ĐH Duy Tân mở 3 mã ngành Văn học, Việt Nam học và Quốc tế học thì số lượng sinh viên vào học thấp. Để giữ mã ngành, nhà trường có chủ trương giảm 50% học phí của các ngành này để thu hút người học. Sau khi lấy ý kiến của doanh nghiệp về chương trình đào tạo thì đại diện các doanh nghiệp cho rằng nhà trường cần đào tạo chuyên sâu để tăng cơ hội việc làm cho người học. Trước nhu cầu về nhân lực cho ngành truyền thông và báo chí tăng cao, nhà trường quyết định mở chuyên ngành Văn – Báo chí từ mã ngành Văn học.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)