Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Bát nháo tour giá bèo

Tạp Chí Giáo Dục

So với vài năm về trước, giá các chương trình tour du lịch hiện nay đã “mềm” hơn rất nhiều, người dân có nhiều cơ hội du lịch trong và ngoài nước với chi phí tiết kiệm hơn. 

Du khách tham quan, đặt tour tại Ngày hội du lịch TPHCM

Du khách tham quan, đặt tour tại Ngày hội du lịch TPHCM

Tuy nhiên, với việc công ty du lịch nở rộ kiểu trăm hoa đua nở đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh hạ thấp giá tour bằng cách cắt giảm dịch vụ, quyền lợi của khách hàng, thậm chí lừa đảo khách mua tour… 
Tưởng rẻ, hóa đắt
Hơn tuần nay, chị Nguyễn Thị Mơ hết lên mạng lại tới các công ty du lịch để “săn” tour giá rẻ. Chị Mơ cho biết: “Công ty nào cũng chào mời giá hấp dẫn, lộ trình tour khá giống nhau cho một chuyến du lịch đi Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan hoặc châu Âu… Riêng mức giá thì có sự cạnh tranh đáng kể. Có nơi bán tour đi Hàn Quốc 5 ngày 4 đêm nhưng giá chỉ gần 4,6 triệu đồng/người; tour lãnh thổ Đài Loan cũng chưa tới 5 triệu đồng/người. Nhìn chung, giá tour siêu rẻ, chỉ tương đương 30% – 40% giá tour của một số doanh nghiệp lữ hành tên tuổi, nên mình cũng hơi lo lắng”. Đem những thắc mắc này trao đổi với anh N.M.M., giám đốc truyền thông của một công ty lữ hành ở TPHCM, thì được biết với mức giá bán như trên, doanh nghiệp cầm chắc lỗ chứ hoàn toàn không có chút lời. 
Vậy đâu mới là giá thực của một tour ngoại? Lần theo những địa chỉ chào mời tour giá rẻ trên mạng, chúng tôi được dẫn tới hàng loạt hãng lữ hành nằm rải rác trên địa bàn các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú… Chẳng hạn, tại công ty B. có địa chỉ ở Phan Văn Trị (Gò Vấp), đang mở bán những tour có giá trong mơ cho khách. Ví dụ, tour Seoul – Nami – Everland (Hàn Quốc) 5 ngày giá chỉ 4,6 triệu đồng/người. Một công ty khác ở quận 11 cũng chào mời tour 6 ngày đi 3 nước Singapore – Malaysia – Indonesia, với giá từ 6 – 7 triệu đồng/người. 
Tuy vậy, khi khách hàng liên hệ hỏi mua tour mới được nhân viên tư vấn rằng, giá này chưa bao gồm các khoản thuế, phí. Ví dụ, tour Hàn Quốc nói trên chưa gồm vé máy bay khứ hồi, tiền bồi dưỡng cho hướng dẫn viên và tài xế địa phương, phí làm hồ sơ sổ tiết kiệm (trường hợp khách không có sổ tiết kiệm trong ngân hàng)… Nhẩm tính, giá thực của tour lên tới 12 triệu đồng, chứ không phải 4,6 triệu đồng như quảng cáo. Đối với lịch trình tour 6 ngày qua 3 nước nói trên, du khách chỉ được “cưỡi ngựa xem hoa” vì thời gian tham quan khá ngắn và gấp rút. Bên cạnh đó, sau khi cộng các chi phí khác (vé máy bay khứ hồi, tiền bồi dưỡng cho tài xế địa phương, vé vào cửa các điểm tham quan…), giá tour này dao động từ 11 – 12 triệu đồng. 
Chị H.N. (công tác tại quận 3) bức xúc phản ánh vào cuối tháng 7, chị mua tour cho 4 người đi du lịch Hàn Quốc tại Công ty Golux (số 85 Nguyễn Hữu Cầu, quận 1). Giá tour 12 triệu đồng/người; lộ trình 5 ngày 4 đêm. Thế nhưng, sau khi Golux thu đủ 48 triệu đồng thì liên tục dời ngày khởi hành. Quá thất vọng với kiểu kinh doanh vô trách nhiệm, chị H.N. hủy tour, đòi lại tiền. “Công ty liên tục hứa lèo, phải đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, đến gần cuối tháng 8, chúng tôi mới nhận được tiền của mình. Nếu tính cả thời gian xin nghỉ việc sớm để đi đòi nợ cộng với quãng đường di chuyển liên miên từ huyện Nhà Bè đến Công ty Golux, tính ra tôi lỗ nặng”, chị H.N. nói.
Cẩn trọng với tour giá rẻ
Hiện nay, các công ty du lịch thời vụ kinh doanh tour giá rẻ thường chọn kênh quảng cáo online, facebook…, trụ sở không cố định để vừa trốn thuế vừa tránh sự kiểm soát của thanh tra ngành. Chính vì vậy, Hiệp hội Du lịch TPHCM khuyến cáo người dân nên thận trọng xem xét kỹ trước khi lựa chọn đặt tour giá rẻ. Riêng những tour đi nước ngoài, khách hàng mua tour nên hỏi xem công ty có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hay không (bởi doanh nghiệp phải ký quỹ 500 triệu đồng); đọc kỹ chương trình tour (lịch trình, bao gồm và không bao gồm những gì); có mua bảo hiểm du lịch cho khách hay không… Trước tình trạng tour giá rẻ tràn lan, đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2016, các tour dưới 12 triệu đồng đều không nhận được kinh phí quảng cáo, tham gia các chương trình quảng cáo du lịch chung của KTO. Tương tự, Tổng cục Du lịch Thái Lan cũng khẳng định đang siết lại các tour giá rẻ, kém chất lượng từ Việt Nam đưa sang. 
Lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM cho biết, đã có khá nhiều trường hợp doanh nghiệp lữ hành “ma” hoạt động theo mùa vụ (hoặc sau khi vi phạm thì thay đổi tên rồi xin cấp phép hoạt động) bị du khách phản ánh, nhưng không dễ để xử lý bởi doanh nghiệp luôn đối phó, né tránh, không cung cấp thông tin, thường xuyên đổi trụ sở hoạt động… Có trường hợp, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì doanh nghiệp đã ngưng hoạt động. 
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt thì tour giá rẻ vẫn là mảnh đất màu mỡ cho rất nhiều công ty du lịch mới thành lập, nhưng cũng là nỗi thống khổ của du khách khi bị cắt xén lịch trình tham quan, tiết giảm bữa ăn, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Thậm chí, đã có không ít trường hợp khách bị lừa hủy tour. Những công ty “ma” không chỉ gây nhiễu loạn thị trường, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch nước nhà. Trong câu chuyện này, các cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm không nhỏ do việc quản lý lỏng lẻo, mức xử phạt không đủ sức răn đe các doanh nghiệp sai phạm.
Xử phạt Công ty Golux 45 triệu đồng
Thanh tra Sở Du lịch TPHCM cho biết đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ quảng cáo Golux 45 triệu đồng. Giám đốc công ty là ông Nguyễn Trường Duy. Mặc dù không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nhưng công ty vẫn công khai rao bán tour ngoại. 
Cơ quan chức năng khuyến cáo, nếu người dân bị lừa đảo hoặc nghi ngờ các công ty du lịch có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho Thanh tra Sở Du lịch TPHCM để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

THI HỒNG/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)