Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lập doanh nghiệp “ma” để buôn lậu

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 2 tháng qua, cơ quan chuyên trách chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn TPHCM liên tục phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ nhập lậu hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng. Chủ những đơn hàng này hầu hết là doanh nghiệp (DN) mới được cấp phép thành lập; cũng có những DN cố tình thay tên đổi họ, chuyển dịch địa chỉ khác sau khi bị phát hiện vi phạm… Theo Cục Hải quan TPHCM, đã và đang xuất hiện thủ đoạn lập DN mới với địa chỉ “ma” để buôn lậu.

Muôn nẻo vi phạm

Nổi cộm trong những tháng cuối năm 2016 chính là hàng loạt vụ buôn lậu ngà voi từ châu Phi về Việt Nam với các thủ đoạn tinh vi, táo tợn. Theo thống kê của Cục Hải quan TPHCM, từ tháng 10-2016 đến nay, lực lượng hải quan đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện gần 6 tấn ngà voi nhập lậu, ước tính trị giá “ngầm” trên thị trường lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Lực lượng chuyên ngành đang kiểm đếm số lượng ngà voi trong một vụ nhập lậu vào TPHCM

Điển hình như, đầu tháng 12, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 chặn đứng một vụ nhập lậu khoảng nửa tấn ngà voi, cất giấu tinh vi trong những khúc gỗ rỗng ruột. Trước đó, ngày 24-11, Đội Kiểm soát Hải quan đã ra quyết định khám xét lô hàng do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Kim Thành nhập khẩu. Trong quá trình kiểm đếm, lực lượng hải quan phát hiện có 7 lóng gỗ hộp khoét rỗng ruột, cất giấu 714 mẫu vật là ngà voi, nanh voi, tổng trọng lượng trên 619kg.

Ghi nhận trực tiếp của phóng viên tại một số đợt kiểm tra thực tế các container hàng nhập lậu ngà voi đã thấy được phần nào chiêu trò xảo quyệt của các đối tượng buôn lậu. Ví dụ ngà voi được phủ lớp bụi đất trùng tông màu khối gỗ, chèn thạch cao, đính đinh tán sắt hoặc gỗ, đổ mạt cưa… để che “mắt” máy soi. Đáng chú ý, những đối tượng này còn sử dụng một vài thủ đoạn “cao tay” hơn, đó là xé lẻ số ngà voi và giấu ở lõi một vài khúc gỗ chèn kỹ ở giữa ruột container. Trong quá trình kiểm đếm thực tế 2 – 3 container gỗ nghi vấn, có khi chỉ 1 container có chứa ngà; các container còn lại chỉ chứa những khối gỗ rẻ tiền, kém giá trị.

Ngoài ngà voi nhập lậu trị giá lớn, lực lượng chuyên ngành cũng ngăn chặn hàng loạt vụ nhập lậu máy móc, hàng điện lạnh, đồ tiêu dùng… Ví dụ như lô hàng đã qua sử dụng xuất xứ Nhật Bản của Viện Công nghệ A. Mặc dù khai báo là nhập vỏ động cơ điện kim loại, nhưng thực tế đơn vị này nhập hàng đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập. Hoặc như vụ Công ty TNHH TM XNK Thiện Thái nhập khẩu động cơ, phụ tùng ô tô đã qua sử dụng, dù rằng trên tờ khai thể hiện nhập chất xúc tiến lưu hóa cao su (mới 100%, xuất xứ Hàn Quốc). Thế nhưng, trong quá trình xác minh thực tế, cơ quan chức năng phát hiện các địa chỉ của DN chỉ là “ma”, không thấy hoạt động. Có nơi là nhà ở của người dân, hoặc một quán nước nhỏ hẻo lánh, diện tích vỏn vẹn hơn chục mét vuông.

Sàng lọc doanh nghiệp “ảo”

Qua gần 10 vụ nhập lậu ngà voi liên tiếp trong thời gian chỉ hơn 2 tháng, nghi vấn đặt ra là tại sao ngà voi lậu cập cảng Cát Lái (TPHCM) nhiều, cấp tập vào những tháng cuối năm? Theo ông Trần Việt Thắng, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan TPHCM, việc vận chuyển bằng đường hàng không rất dễ bị phát hiện và sản phẩm sẽ không còn giá trị cao vì phải cắt nhỏ để cất giấu nhằm qua mặt các cơ quan chức năng, do đó các đối tượng thay đổi phương thức, vận chuyển đường biển.

Một cán bộ Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu C74 chia sẻ với phóng viên Báo SGGP rằng gần đây, một số quốc gia châu Phi không cấp phép việc mua bán ngà voi. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nên được các đối tượng buôn lậu chọn làm điểm trung chuyển ngà voi, vận chuyển lòng vòng qua nhiều nước để làm mất dấu tích ngà voi châu Phi ban đầu, sau đó tạo một xuất xứ mới để hợp thức hóa số hàng lậu trị giá bạc tỷ này. Thông tin từ một đối tượng buôn lậu khai báo với cơ quan điều tra, ngà voi mua trực tiếp bên châu Phi có giá từ 5 – 7 triệu đồng/kg, nhưng giao dịch tại thị trường chợ đen ở Việt Nam, Trung Quốc… lên tới 30 – 50 triệu đồng/kg. Điểm khác biệt là ngà voi châu Phi có màu nâu, xấu hơn so với ngà voi châu Á (màu trắng ngà, bóng đẹp). Ngoài ra, voi châu Á chỉ có con đực mới có ngà, ngược lại voi châu Phi cả con đực và cái đều có ngà; nên phần nào lý giải cho tình trạng ngà voi châu Phi luôn xuất hiện nhiều hơn trong các vụ nhập lậu.

Các DN nhập lậu có chiêu thức khá giống nhau trong tiến trình vi phạm, chính là tạo ra các địa chỉ “ảo” để lập một DN. Thậm chí, một số người dân đã từng trực tiếp phản ánh tới đường dây nóng của Báo SGGP về việc bỗng nhiên địa chỉ nhà mình bị lên đời thành DN mà họ không biết. Khổ nhất là việc người dân bị làm phiền, thậm chí bị lực lượng chức năng gọi lên làm việc khi DN “ma” kia sai phạm. Đặt những thắc mắc này lên bàn lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP, cho biết hiện tại, Hải quan TP đã rà soát, chỉ đích danh 78 DN lập địa chỉ ma để buôn lậu, gian lận thương mại gửi lực lượng chức năng điều tra, xử lý…

“Hải quan TP sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng chuyên trách trong việc đẩy lùi, giảm thiểu tình trạng nhập lậu hàng hóa, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán 2017 như hiện nay. Trên thực tế, thủ tục thành lập DN hiện khá thông thoáng, khiến một số đối tượng chỉ thành lập DN mới với mục đích buôn lậu, gian lận thương mại. Trước hiện tượng này, Cục Hải quan TPHCM đề xuất các cơ quan chuyên trách cần rà soát chặt chẽ việc thành lập DN, lọc lại người lãnh đạo chủ chốt của DN… Có làm tốt công tác này thì mới hy vọng hạn chế phần nào DN “ma” vi phạm, gây thất thoát nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước”, ông Phạm Quốc Hùng kiến nghị.

THI HỒNG/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)