Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ kêu gọi kiều bào chung tay xây dựng TP

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 20-12, UBMTTQVN TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Hoạt động đối ngoại nhân dân, ngoại giao văn hóa và công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”. Gần 100 kiều bào từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự. Đây là lần đầu tiên Cần Thơ tổ chức hội thảo nhằm kết nối mạnh hơn và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con kiều bào.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.Phượng

Theo báo cáo, hiện Cần Thơ có khoảng 10.000 kiều bào đang sinh sống, lao động và học tập tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng năm có hơn 90% lượt kiều bào về nước thăm gia đình; một số chuyên gia về nước làm việc, hoặc tìm cơ hội đầu tư kinh doanh. Hiện có 32 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc góp vốn của kiều bào với tổng số đăng ký khoảng 500 tỷ đồng và 200.000 USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15% năm.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển và hội nhập, cộng đồng người VN ở nước ngoài đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Mai Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP.Cần Thơ, băn khoăn: “Cuộc sống của kiều bào ta ở nhiều nơi còn khó khăn, địa vị pháp lý còn thấp. Việc một số nước siết chặt quy chế cư trú và kinh doanh khiến bà con gặp nhiều khó khăn trong làm ăn và hợp pháp hóa giấy tờ; đáng quan tâm là đa số kiều bào ở Campuchia, Thái Lan còn nghèo, làm ăn nhỏ, không có địa vị pháp lý rõ ràng, trình độ văn hóa thấp”.

Bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch UBMTTQVN TP.Cần Thơ, bức xúc: “Tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài, đi lao động, qua môi giới, gia tăng. Một số vụ cô dâu bị ngược đãi, sát hại, tự tử, gây bức xúc trong dư luận. Tội phạm là người VN trong buôn bán ma túy, rửa tiền, trồng cần sa, ngày càng tăng làm ảnh hưởng đến hình ảnh cộng đồng. Hàn Quốc và Đài Loan có số lượng kiều bào tăng nhanh do hôn nhân và xuất khẩu lao động. Đa số cô dâu VN là người Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL xuất thân từ nông thôn, trình độ học vấn thấp, sống phụ thuộc vào gia đình nhà chồng, bất đồng về ngôn ngữ nên khi li hôn không được bảo đảm quyền lợi chính đáng”.

Đối với công tác người VN ở nước ngoài, UBMTTQVN TP.Cần Thơ đã phối hợp với Sở Ngoại vụ, các sở, ban ngành và Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài thường xuyên liên lạc, vận động, hỗ trợ và hướng dẫn bà con trong các hoạt động tại địa phương; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm giới thiệu những tinh hoa và giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp nhiều hoạt động khác nhằm góp phần nâng cao vị thế quốc gia.

Lãnh đạo TP.Cần Thơ kêu gọi kiều bào chung tay xây dựng TP.Cần Thơ ngày càng giàu đẹp (ảnh cầu Cần Thơ)

Tại hội nghị, các đại biểu kiều bào đã trao đổi nhiều ý kiến rất trách nhiệm và tâm huyết cùng ước mong đóng góp cho sự phát triển của TP.Cần Thơ, khu vực ĐBSCL và cả nước. TS. Nguyễn Trí Dũng, kiều bào Nhật Bản, chia sẻ: “Trong mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa, ĐBSCL cần tập trung giữ vững và đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó đặc biệt phải có biện pháp nâng cao đời sống bà con nông dân. Chúng ta cần tiếp thu công nghệ của các nước tiên tiến như Nhật, Australia, sau đó chuyển giao và giúp nông dân ứng dụng trong sản xuất, bảo quản, chế biến. Tôi có một công ty kinh doanh nông sản bên Nhật, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của Cần Thơ và khu vực. Đề nghị chính quyền hỗ trợ các khung pháp lý, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động đầu tư của chúng tôi”.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào Canada, Chủ tịch Hội Doanh nhân người VN ở nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Rynan Technologies VN, Trà Vinh, đi sâu phân tích mục tiêu của Chính phủ về “Xây dựng TP.Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh trong giai đoạn 2016-2025”. Qua đó, ông đề nghị một số mô hình để đô thị thông minh của Cần Thơ sẽ là TP lý tưởng để sống. Người dân có nếp sống văn minh, tôn trọng pháp luật, bảo vệ tài nguyên môi trường, có trách nhiệm với cộng đồng; trong đó công nghệ thông tin và truyền thông không dây tốc độ cao kết hợp với dữ liệu lớn sẽ được ứng dụng tối đa để cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền, và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Các đại biểu cũng đề đạt những đề xuất nhằm tạo điều kiện cho sự đóng góp của kiều bào, trong đó có đề nghị TP.Cần Thơ làm đầu tàu, đại diện cho khu vực, thành lập Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, từ đó xác định sẽ có những liên kết với các tỉnh, các quốc gia có đông kiều bào, qua đó có những chính sách tạo điều kiện cho sự đóng góp của kiều bào.

TS. Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh: “Nếu chính sách kiều bào tốt hơn tôi tin rằng Cần Thơ và ĐBSCL sẽ có những bước phát triển và hội nhập quốc tế mang tính đột phá và hiệu quả hơn nhiều”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết: “Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp TP.Cần Thơ xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để Cần Thơ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, thu hút các dự án theo hướng xã hội hóa nhằm huy động nhiều nguồn lực; trong đó cho phép Cần Thơ thí điểm một số lĩnh vực để phát triển KT-XH. Mong các đại biểu có những dự án đầu tư và đóng góp cho TP những mô hình tốt để TP trình với Bộ Chính trị. Với trách nhiệm lãnh đạo, tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện để liên kết phối hợp giữa các sở, ngành của Cần Thơ với các kiều bào đi vào chiều sâu hơn, tạo bước phát triển mới cho Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung”.

Đan Phượng

 

Bình luận (0)