Sáng sớm, tôi theo chân ông Lê Văn Khả, 42 tuổi, ở ấp Long Trường 3, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) đi săn bắt ong. Chiếc xe gắn máy đưa chúng tôi rong ruổi khắp các ngõ ngách của ấp này, xã nọ để tìm tổ ong. Suốt buổi sáng, vừa chạy xe giữa trời nắng, vừa quan sát tìm và hỏi thăm chủ nhà có vườn để mua nhưng mãi đến trưa, gọi điện hỏi khắp nơi mới tìm được người bán tổ ong. Ông Khả liền phóng xe, khoảng vài chục phút mới đến được nơi có tổ ong.
Đối mặt đàn ong dữ
Thỏa thuận giá và trả tiền xong, ông Khả lấy bao lưới chùm mặt kín mít và thoa một loại thuốc chống ong lên người. Chuẩn bị cho mình xong, ông Khả quay sang giúp tôi trùm đồ bảo hộ và thoa thuốc. Theo lời ông Khả, khi đốt, ong túa ra mù mịt. Loại ong này, mình có chạy cả cây số chúng vẫn bắt mùi bám theo nên dù đứng ở dưới đất mà không có đồ bảo hộ thì cũng bị chúng “đánh” (đốt) không chịu nổi.
Bảo hộ xong, ông Khả giắt chiếc xô đựng mật vào lưng quần, tay cầm bó đuốc rồi tót lên cây. Trong lúc ông trèo, chủ nhà và một vài người hàng xóm bỏ chạy đi nơi khác vì sợ bị ong tấn công khi mất tổ. Trèo đến nơi, ông bắt đầu đốt đuốc và đưa ngọn đuốc mù mịt khói vào gần tổ ong. Bị ngạt khói, bầy ong túa ra như đám mây đen nghịt quanh người ông Khả. Một tay bám thân cây, tay còn lại ông Khả cầm dao cắt những phần sáp chứa mật cho vào xô. Mọi việc diễn ra rất nhanh gọn. Sau đó, ông tụt một mạch tới đất. Trên người ông Khả vẫn còn vô vàn con ong bám theo. Khắp người tôi cũng bị ong bu kín. Thấy tôi lo lắng, ông Khả bảo tôi ra xe, nổ máy chạy thật xa. Tôi lập tức làm theo, chạy được gần 2 km thì đàn ong mất tổ mới chịu buông tha.
Làm sao khi leo tận tổ mà ong không “đánh”?- tôi hỏi sau khi đã xong xuôi mọi việc. Ông Khả bật cười, ra vẻ bí hiểm: “Có bí quyết, đó chính là loại thuốc nước thoa lên người, mùi của nó khiến ong sợ, không đánh mình. Chứ không thì sao dám vào tận hang để bắt cọp?”. Tuy nhiên, khi được hỏi đó là thuốc gì, ông Khả chỉ khẽ cười rồi lảng qua chuyện khác: “Làm nghề này phải gan và liều mới được, vì không chỉ phải trèo lên trên cao, mà còn phải đối mặt với bầy ong dữ”. Ông kể, từng bị ong đánh te tua. “Lúc mới vào nghề, dù đã được thầy bày cho cách “làm thuốc”, nhưng khi gặp phải những tổ ong phản kèo, chúng túa ra đánh tới tấp. Lúc đó, dù hoảng nhưng vẫn quyết tâm bắt cho bằng được nên vẫn cắn răng “chịu trận” để xông vào lấy cho được tổ. Khi trèo được xuống đất, mình mẩy sưng vù. “Giờ ong thấy thịt của tôi quen nên tha không “đánh” nữa”- ông Khả nói.
Nói đến người làm nghề bắt ong xứ Hậu Giang, ai cũng biết đến danh ông Nguyễn Văn Chính, 60 tuổi, ở ấp Sậy Niếu (xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp). Tôi tìm đến nhà ông Chính vào xế chiều, đúng lúc ông đi bắt ong vừa về. Ông Chính nói: “Hôm nay thất bại, đi gần cả ngày mà không tìm được tổ nào nên về tay không, vừa mất công lại lỗ vốn”. Hai hôm trước, ông bắt được tổ ong bên Lái Hiếu (thị xã Ngã Bảy) được 5 lít mật, bán gần 2 triệu đồng”. Ông Chính nói, không nhớ đã bao nhiêu lần bị ong “đánh”, nhưng lần khiến ông nhớ nhất là cách nay 3 năm. Ông Chính kể: “Hôm đó, tôi bắt tổ ong trên cây gừa có tuổi thọ gần trăm năm, bên Lái Hiếu. Cây có tán to hơn cái nhà, có 5 tổ treo lơ lửng bằng cái mâm trên cành. Khi đó, tôi mới trèo lên hơn 3 mét thì ong túa ra đánh túi bụi. Tôi lập tức nhảy xuống đất rồi lặn xuống mương và di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Cứ ngoi lên là trên đầu ong bay đến nên tiếp tục lặn đến khi gần đuối sức thì ở một chỗ đưa mũi lên thở, lấy áo che đầu, lâu lâu thở nhẹ, mất mấy tiếng đồng hồ sau ong mới chịu bỏ đi”. Theo ông Chính, đặc tính của ong mật là hiền, đánh không chết nhưng thỉnh thoảng gặp vài tổ có ong chúa, những con ong bao quanh để bảo vệ tổ rất hung dữ. Khi thấy tổ bị uy hiếp là chúng bay ra “đánh” trước.
Một lần khác, ông Chính nhớ lại khi bắt ong ở trong vườn gần nhà. Lần đó, ông trèo lên ngọn cây gáo cao hơn chục mét. Cây gáo thân thẳng, ít nhánh, hơn nữa, tối hôm trước mưa, sáng sớm hôm sau thân cây còn ướt nên khó trèo. “Khi trèo đến nơi, tôi hun khói làm ong túa ra mù mịt vây lấy người đánh cả chục mũi nhưng cố chịu đau, lấy tay xua đàn ong ra khỏi tổ để lấy mật, khi xuống được tới đất mình mẩy sưng phù, về nhà nằm cả ngày”-ông kể.
Cũng là người chuyên khai thác mật ong, anh Nguyễn Văn Lộc, 37 tuổi ở ấp Sậy Niếu A (xã Phụng Hiệp) kể: “Có lần trèo lên tới ngọn lấy được tổ ong khoảng 3 lít mật thì bị ong bay ra đánh hơn 20 mũi. Hai bàn tay, cơ thể sưng vù đến nỗi mở nút áo không được, còn thịt da nóng bừng. Tối về phát sốt ăn cơm không nổi, phải mua thuốc uống. Nhờ có kinh nghiệm nên giờ khai thác mật trở nên dễ dàng rất nhiều so với những ngày mới bắt đầu và cũng ít bị ong “đánh”” – anh Lộc cho biết.
Đời “ăn ong”
Ông Khả sống bằng nghề mua bán tre gần hai chục năm qua. Ông thường lùng sục khắp các xóm làng ở nhiều địa phương trong vùng để mua tre. Trong lúc đốn tre, nhiều lần ông bị ong vỡ tổ “đánh” sưng mặt mày. Ông tìm học bí quyết bắt ong đẻ vừa tìm cách chống đỡ, vừa khai thác mật để kiếm thêm thu nhập. Dần dần thuần thục và thấy bắt ong có thu nhập khá nên rong ruổi đi tìm nơi nào có tổ ong để mua và khai thác mật. Ông cho biết, trung bình mỗi tháng ông khai thác khoảng chục tổ. Có tổ thu khoảng 4- 5 lít mật, bán với giá 400.000 – 500.000 đồng/lít, nhưng cũng có tổ khô queo không giọt mật.
Vợ chồng ông Chính có hai người con đã có gia đình, ở riêng. Hai vợ chồng ông sống trong căn nhà cấp 4, mái tôn. Thu nhập chủ yếu từ tiền bán mật ong do ông đi bắt mỗi ngày. Ông cho biết, năm ngoái trong vòng chưa đầy 5 tháng, ông bán mật ong được gần 70 triệu đồng nhưng năm nay nhiều người đi bắt nên thu nhập giảm gần một nửa. Hầu như các khu vườn, cánh đồng hoang trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, nơi nào có ong rừng thì có dấu chân của ông. Ông Chính kể, trước đây có những chuyến đi vài ngày, thậm chí cả tuần mới về, cũng là một công đôi việc vừa đi cắm câu rắn kết hợp bắt ong. “Nhiều lần trong túi không có tiền nên mượn hàng xóm chút ít dằn túi, đổ xăng, khi bắt được ong bán có tiền về trả lại, nhưng cũng có lúc về tay không, lỗ vốn”-ông Chính bộc bạch. Ông cho biết, khoảng hai năm nay, do lớn tuổi, sức khỏe giảm nên ông ít đi xa. “Làm nghề này cực khổ, nhưng nghỉ ở nhà một vài ngày là không chịu nổi. Cảm giác đã nhất là khi hun khói đàn ong bay ra túi bụi vây lấy mình nhưng chúng không làm được gì nên cảm thấy thú vị”-ông Chính hài hước nói.
Theo lời ông Chính, mật ong ở vùng Hậu Giang và một số tỉnh lân cận có màu vàng sậm do hút từ nhiều loại hoa trái, vào vụ từ tháng 11 âm lịch đến giữa tháng 5 năm sau. Còn vùng Cà Mau ít hoa trái, chủ yếu là bông tràm, bần hay ở những vùng Đông Nam bộ trở ra chủ yếu là tán rừng cao su… thì mật có phần nhạt hơn. “Nghề bắt ong ở vùng này không đòi hỏi phải gác kèo hay sắm đủ đồ nghề như những thợ bắt ong ở rừng U Minh ở Cà Mau, Kiên Giang. Làm lâu người bắt ong sẽ có thêm kinh nghiệm để biết phân biệt và hiểu rõ đặc tính của từng loài ong. Cụ thể, ong mật thường làm tổ ở những nơi có nhiều hoa, hay chỉ cần quan sát là biết đàn ong hiền hay dữ, mật nhiều hay ít…” – ông Chính đúc kết, đồng thời chia sẻ một vài kinh nghiệm trong nghề: “Người có nghề thì bắt gần cả chục lần ong cũng không bỏ tổ. Đó là, khi cắt tổ thì luôn chừa lại chút ít dính trên cành cây, vài hôm sau thì ong sẽ quay trở lại”. Để phân biệt mật thật, giả, theo ông Chính, có hai cách đơn giản là dùng giấy quyến nhúng vào mật sau đó để nhỏ giọt ra ngoài. Nếu mật chảy loang ra là mật giả, còn vẫn giữ nguyên là thật. Cách thứ hai là cho mật vào chai để trong ngăn đá tủ lạnh, mật đông cứng lại là giả, còn mật thật nó sền sệt, không đông.
“Nghề này nguy hiểm hơn cả trèo dừa vì người thợ trèo dừa lên tới ngọn bẻ xong trèo xuống nhưng bắt ong thì ngoài việc trèo đến ngọn còn phải xua đàn ong đi để lấy mật, chỉ cần sơ suất chút thì bị ong đốt hoặc té xuống đất mất mạng như chơi”.
Thợ săn mật ong Nguyễn Văn Chính
Hòa Hội (TNO)
Bình luận (0)