Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Từ số không đến siêu tiếng Anh của chàng trai Việt đầu tiên ở NASA

Tạp Chí Giáo Dục

Hành trình từ “một con số 0 tròn trĩnh về tiếng Anh” đến thực tập sinh NASA của cậu sinh viên này là nguồn cảm hứng cho hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên đang “ngán ngẩm” môn ngoại ngữ này. 

Từ số không đến siêu tiếng Anh của chàng trai Việt đầu tiên ở NASA
Chân dung Trương Ngọc – thực tập sinh Việt Nam đầu tiên tại NASA. Ảnh: Nguyễn Thảo.

Trong thời đại hội nhập, học sinh, sinh viên Việt Nam không thiếu những cơ hội để vươn ra trường quốc tế và chứng tỏ thanh niên Việt không hề thua kém bất kì người anh em nào. Từ đạt các thứ hạng cao tại nhiều cuộc thi quốc tế đến việc chinh phục các “ông lớn” như Google, giới trẻ Việt Nam ngày càng làm bạn bè quốc tế biết đến và nể phục đất nước hình chữ S. 

Mới đây, tiếp tục làm rạng danh đất nước, anh chàng Trương Ngọc – sinh viên năm thứ 4 ngành Vũ trụ và Hàng không, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội – đã chính thức trở thành thực tập sinh đầu tiên của Việt Nam tại NASA – Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ. Điều “tréo ngoe” chính là Trương Ngọc từng là một sinh viên “mở trang web của trường ra mà không hiểu gì” vì yếu tiếng Anh!

Vì yêu khoa học nên quyết chí học tiếng Anh

Được biết, Trương Ngọc nhận được suất thực tập ba tháng tại trụ sở của NASA ở Sillicon Valley, Hoa Kỳ ngay từ khi vừa bước vào năm thứ 4 tại đại học. Hiện tại, Ngọc đang trao đổi và làm việc với các nhà khoa học quốc tế mỗi ngày tại NASA, đến nỗi khó ai hình dung được rằng anh chàng từng rất dở tiếng Anh. 

Nhớ lại những ngày đầu dự tuyển vào trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Ngọc từng “đánh vật” với bài luận và “kinh khủng” hơn nữa là tham dự buổi phỏng vấn bằng tiếng Anh. Ngọc kể lại: “Tiếng Anh của em tệ đến mức mở website của trường ra em không hiểu gì. Khi phỏng vấn, các thầy nói em nghe cũng chẳng hiểu gì. Cuộc phỏng vấn đó đúng là một thảm họa. Lúc đầu em dùng đủ mọi ngôn ngữ cơ thể, sau đó may mắn có một cô phiên dịch giúp”.

Nhưng may mắn thay, đến lúc mô tả lại thí nghiệm đo gia tốc trọng lực của Trái Đất, anh chàng nhanh trí dùng bút dạ vẽ lên bảng để khéo léo “che giấu” trình sinh ngữ không được thuần thục của mình. Cuối cùng, các thầy trong ban tuyển sinh cũng vẫn… không hiểu gì! 

Đến sau khi đỗ vào trường, cô phiên dịch mới tiết lộ với Ngọc rằng thật sự hôm ấy, các thầy trong ban tuyển sinh hoàn toàn không hiểu gì về phần thuyết trình bằng tiếng Anh của Ngọc cả! Nhưng lí do giúp anh chàng này được nhận vào trường chính là nhờ sự trung thực. 

Thầy hiệu trưởng đã hỏi Ngọc kết quả của thí nghiệm có ra 9,8 không. Theo lời Ngọc, 9,8 là giá trị tiêu chuẩn mà các nhà khoa học đo được. “Tất nhiên, sinh viên đồ đạc ‘rỏm’, đo thế nào được 9,8. Em trả lời ‘Không, em chỉ đo được 8 phẩy mấy thôi’. Thầy nói: ‘Okay, you pass’ (tạm dịch: ‘Được rồi, em đỗ rồi’). Thực ra thầy chỉ muốn kiểm tra xem mình có làm thí nghiệm thật không” – Ngọc chia sẻ. 

Sau lần may mắn “nhớ đời” ấy, Ngọc nhận ra rằng chọn theo đuổi khoa học thì nhất thiết phải cần đến tiếng Anh, bởi tài liệu tiếng Việt tuy không thiếu và khá phong phú nhưng không thỏa mãn hết khao khát tìm tòi và hàng trăm câu hỏi luôn bùng nổ trong trí óc của chàng trai trẻ tài năng. 

“Nếu bây giờ mình có thể tự đọc được tiếng Anh nghĩa là mình có thể khám phá được một thế giới khác, không phải phụ thuộc vào ai dịch. Đó là động lực đầu tiên. Động lực thứ 2 là em nghĩ những người làm khoa học phải trao đổi với nhau rất nhiều. Mình muốn làm nhà khoa học thì mình phải có khả năng trao đổi” – Ngọc tâm sự. 

Ngọc chụp tại mô hình nhà ga vũ trụ quốc tế. Ảnh: NVCC.

Mỗi người có một cách riêng phù hợp với sở thích, tính cách, khả năng và thời gian biểu để chinh phục môn tiếng Anh, tuy nhiên nhất thiết không thể thiếu được sự kiên trì. Với Ngọc, anh chàng bắt đầu từ kĩ năng nghe bằng việc mua một quyển sách luyện nghe. 

Lúc đầu, Ngọc không hề nghe được một chữ nào, vì vậy Ngọc chuyển sang vừa nghe vừa nhìn phần “transcript” (nội dung nghe được in ở phần đáp án), nghe nhiều lần và đọc theo. Cứ mỗi lần nghe, Ngọc sẽ hạn chế số lần nhìn vào “transcript” để tập phản xạ. Anh chàng tiết lộ: “Quan trọng không chỉ là mình nghe được, mà mình học được cách sử dụng từ trong ngữ cảnh. Em nghe hết level (trình độ) này đến level khác. Nghe hết ‘advanced’ (trình độ cao cấp) rồi nghe đến IELTS”. 

Dù bận bịu đến cỡ nào, Ngọc cũng ưu tiên dành đúng ba tiếng mỗi ngày cho môn tiếng Anh, nhưng không học liên tục mà chia nhỏ ra để… “đỡ ngán” và tăng hiệu quả học tập. Cảm giác sung sướng khi đọc được tài liệu, hiểu được những gì người nước ngoài nói càng “kích thích” Ngọc phấn đấu nhiều hơn để làm chủ môn học khó nhằn này. Với Ngọc, đôi khi bản thân phải thực sự yêu thích và có động lực thì việc học tập sẽ hiệu quả hơn, giống như cái cách mà anh chàng lấy mục tiêu làm khoa học để buộc mình phải thuần thục tiếng Anh. 

Được biết, chủ yếu Ngọc tự học tiếng Anh, ngoài ra còn tham gia hai khóa luyện thi IELTS. Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh với các giảng viên nước ngoài cũng là một điều kiện thuận lợi để Ngọc thích nghi với môi trường tiếng Anh nhanh hơn. Đến nay, Ngọc không còn “sợ” tiếng Anh nữa, lại còn có thể giao tiếp tốt tại các hội nghị  mà không bị choáng ngợp, thậm chí còn tự đặt mục tiêu nói tiếng Anh lưu loát như người bản ngữ!

“Còn trẻ, phải tận dụng thời gian” 

Sau những cố gắng không ngừng nghỉ suốt 3 năm qua và thành quả đáng ngưỡng mộ như hôm nay,Ngọc chia sẻ: “Bây giờ mình còn trẻ, mình phải tận dụng thời gian, đặc biệt là trước những cơ hội học tập rất rộng mở như hiện nay. Em thấy các bạn cấp 3 vẫn hay kêu không biết học gì, hay ở Việt Nam thiếu tài liệu. Ngược lại, tài liệu học tập trên Internet bây giờ rất nhiều. Bạn có thể học từ các giáo sư nước ngoài, các khóa học online của các trường hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford…”.

Với chàng trai trẻ này, cơ hội cũng như may mắn là do bản thân tự săn lùng, tìm kiếm và nắm bắt chứ không phải “từ trên trời rơi xuống”. Thật vậy, chính cơ hội lớn tại NASA là do Ngọc tự thân tìm tòi và kết nối với một giáo sư của NASA khi ông sang Việt Nam tham dự chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” của GS.Trần Thanh Vân vào tháng 7 năm ngoái. Thấy được đam mê và tài năng của chàng trai trẻ, vị giáo sư này đã nhận Ngọc sang phòng thí nghiệm của ông để nghiên cứu về vấn đề mà cả hai cùng quan tâm. Ông cũng là người kêu gọi ngân sách cũng như bỏ tiền túi để chi trả cho 3 tháng thực tập tại NASA củaNgọc.

Từ hành trình chinh phục tiếng Anh và đáng chú ý hơn là NASA, chàng sinh viên Trương Ngọc đã chứng tỏ một điều rằng: nếu thật sự đam mê và có kế hoạch chinh phục giấc mơ một cách cụ thể thì thành công sẽ mỉm cười với bạn, cho dù bạn là ai, xuất phát điểm như thế nào. 

Ngoài ra, cơ hội xung quanh ta rất nhiều, quan trọng là bản thân mỗi người có thật sự khao khát tìm kiếm và nắm bắt chúng hay không. Nếu câu trả lời là “có”, bạn có thể làm được, như Trương Ngọc và hàng trăm tấm gương thanh niên Việt tài năng ngoài kia. 

Theo Thể thao & Văn hoá

 

Bình luận (0)