Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Gặp chàng giảng viên trẻ kiêm nghề dẫn chương trình

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài vai trò giảng viên, Trần Tuấn Đạt đã dẫn dắt trên dưới 100 chương trình lớn nhỏ khác nhau và bất ngờ lọt vào top 6 tại cuộc thi Én Vàng 2016 – bảng Tiềm năng.

Gặp chàng giảng viên trẻ kiêm nghề dẫn chương trình - ảnh 1

Dù là giảng viên hay MC, Đạt đều cố gắng hết mình cho công việc

Trần Tuấn Đạt hiện là Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM).
Mang theo cả vali đến trường để dạy
Từ những năm học cấp 3, Tuấn Đạt là thành viên viên nòng cốt trong ban phát thanh của trường và xuất hiện đều đặn mỗi thứ hai hằng tuần trước giờ chào cờ trong các số phát thanh. Đến khi là sinh viên đại học, anh thường xuyên dẫn chương trình cho các sự kiện trong trường. Đấy là những cơ duyên đưa anh đến với nghề dẫn chương trình (MC). Còn nếu nói làm nghề chuyên nghiệp và có thể kiếm được thu nhập, Tuấn Đạt đã góp giọng trong những số phát thanh đầu tiên của kênh VOV Giao thông thuộc đài tiếng nói Việt Nam (VOV).
“Khi bắt đầu theo nghề, tôi mới nhận ra một điều là nghề MC không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ, là chỉ cần thuộc kịch bản, nói như một cái máy là ổn. Mà một MC thực thụ phải là một người vô cùng linh hoạt trong mọi tình huống và phải không ngừng trau dồi kiến thức ở càng nhiều lĩnh vực khác nhau càng tốt. Nếu so với các bạn MC lành nghề khác, bản thân tôi là tay ngang vào nghề vì hiện nay công việc chính của tôi vẫn là quản lý và giảng dạy tại khoa Quan hệ Quốc tế…”, chàng thạc sĩ sinh năm 1988 chia sẻ.
  Với tôi, việc vào top 6 Én Vàng 2016 đã là một kỳ tích của bản thân và có nằm mơ cũng không tin bản thân đã làm được điều kỳ diệu này. Trong tương lai, tôi sẽ nỗ lực đạt được tấm bằng tiến sĩ và xuất hiện đều đặn trên tivi để mẹ có cái coi mỗi ngày.Trần Tuấn Đạt

Hoạt động song song ở cả hai kĩnh vực, Tuấn Đạt khéo léo sắp xếp thời gian ổn thỏa. Như công việc giảng dạy của anh chỉ là một số buổi nhất định trong tuần chứ không kéo dài xuyên suốt như những công việc theo giờ hành chính nên anh có thể linh hoạt thời gian của mình cho cả hai công việc. Tất nhiên cũng có những áp lực nhất định.

Anh kể: “Đó là những hôm còn dẫn chương trình ở Cần Thơ vào buổi tối thì sáng sớm hôm sau đã phải có mặt ở Thủ Đức (TP.HCM) đúng giờ lên lớp là 6 giờ 45 phút. Đó là những giấc ngủ trên chuyến xe đêm để về kịp giờ dạy. Hay là hình ảnh một thầy Đạt mang theo cả vali đến trường để dạy và ngay sau giờ dạy phóng thẳng ra sân bay để kịp dẫn một chương trình nào đó ở Đà Nẵng hay Hà Nội… Và tôi không cho đây là những áp lực, mà là tôi đang hưởng thụ cuộc sống của mình bằng niềm vui và say mê với công việc”.
Đối thủ chính là bản thân mình
“Tôi đã từng rất sốc khi nghe một người bạn cũng là một MC lâu năm chia sẻ là thành phố này chắc cũng không dưới 1.000 MC đâu, nhưng MC nào cũng trụ được đấy thôi. Vậy nên sự cạnh tranh trong nghề là điều tất yếu. Bản thân tôi biết thế mạnh của mình là ở ngoại ngữ nên không ngừng trau dồi thêm kỹ năng dẫn lưu loát cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Mà nếu không cạnh tranh với ai khác thì tôi cũng luôn xác định đối thủ của tôi chính là bản thân mình”, anh Đạt bộc bạch.
Anh dành nhiều thời gian để kiểm điểm bản thân sau mỗi chương trình, lắng nghe những phản hồi từ những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng và bắt bản thân mình phải cố gắng hơn mỗi ngày để có một chỗ đứng vững chắc hơn trong nghề. Vì với Đạt không có yếu tố nào quan trọng hơn để có thể tạo dựng được tên tuổi trong nghề bằng việc chính mình nhận thức được rõ khả năng của bản thân và cố gắng cải thiện những điểm yếu ngày qua ngày.
Gặp chàng giảng viên trẻ kiêm nghề dẫn chương trình - ảnh 4

Tham gia Én Vàng năm nay với Đạt là một bước ngoặt

Dù ở cương vị giảng viên hay một MC, anh đều cảm thấy hạnh phúc, phải làm hết mình cho công việc. Do đặc thù đều là nghề nói nên hai công việc này bổ trợ cho nhau rất nhịp nhàng. Kiến thức từ nghề giáo bổ trợ tích cực cho việc dẫn. Sự tự tin, những câu chuyện từ nghề MC sẽ là kho tư liệu rất quý báu cho những bài giảng trên lớp. Anh luôn nói với sinh viên của mình rằng, làm bất kỳ việc gì cũng phải say mê, chủ động và luôn mang trong mình tinh thần cầu tiến thì chắc chắn bạn sẽ thành công.
Tuấn Đạt từng là đại diện Việt Nam trong nhiều chương trình giao lưu quốc tế như:
– Một trong 3 đại điện Việt Nam tham gia dẫn dắt chương trình truyền hình thực tế Khám phá ASEAN của Đài truyền hình TP.HCM, năm 2013
– Đại biểu tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản SSEAYP, năm 2014
– Đại điện duy nhất của Việt Nam làm MC cho chương trình truyền hình thực tế The ASEANER của tổng cục du lịch Thái Lan, năm 2014
– Học bổng thạc sĩ toàn phần của ĐH Quốc gia Seoul và Đại học Hoàng gia Chulalongkorn Thái Lan, năm 2012 – 2014
– Học bổng trao đổi giảng viên toàn phần của ĐH John Carroll, Mỹ, năm 2015

Văn Sơn – An Nhơn (TNO)

 

Bình luận (0)