Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhà sử học mê viết văn

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng trong một ngày ở thư viện

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, một người thầy đã từng thuyết giảng một số đề tài văn hóa, lịch sử Việt Nam ở nhiều trường ĐH tại các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Malaysia, thậm chí ở Samoa – nước tận cùng châu Á Thái Bình Dương. Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng còn là một người viết văn thâm thúy. Năm 2017 này, ông sẽ cho ra mắt truyện dài nhiều tập mang tên Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông, những bước chân hóa thạch.

Một bộ phận thầy cô trong ngành GD-ĐT đều nhớ đến “Một con ngựa thồ trong làng ĐH”. Đó chính là PGS.TS sử học Nguyễn Mạnh Hùng – một trong số ít người tiên phong góp phần tích cực xây dựng nền tảng dân lập, tư thục, quốc tế tại Việt Nam từ những năm 1986. Đây là bước khởi điểm từ Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM với tên gọi ĐH không chính quy để mở đường GD-ĐT Việt Nam mở rộng cho nhân dân cùng tham gia đào tạo theo cách sinh viên tự đóng học phí để được đền đáp bằng công sức lao động trí tuệ của thầy cô, thay dần cho khái niệm truyền thống của Nhà nước bao cấp.

Kể từ đó, thầy Nguyễn Mạnh Hùng đã mở rộng thêm tầm nhìn về tương lai để phát triển hệ thống dân lập, tư thục và quốc tế từ những ngày đầu cách nay hơn 20 năm. Để thể hiện và thử nghiệm mô hình mới, thầy đã đứng ra sáng lập (từ 1992-1996) và làm Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng từ 1997 đến 2015 (18 năm).

Giờ ông đã rời khỏi chức hiệu trưởng để ngồi vào chiếc ghế nhỏ hẹp với ngòi bút để hình thành một số công trình biên khảo.

Thời sinh viên, ông học ở Trường ĐH Sài Gòn (trước 1975) và học chuyên về luật và văn từ 2 ĐH Luật khoa – Văn khoa Sài Gòn. Không những thế ông còn là người từng học tiếng Nhật rất sớm, từ những năm 1963 tại ĐH Sư phạm Sài Gòn. Từ năm 1968 đến 1975, ông hoàn thành nhiều bộ sách giảng dạy về tiếng Nhật với các bút hiệu khác nhau để che giấu nhân thân. Trong đó đặc biệt là bộ từ điển KanJi Hán-Nhật-Việt đầu tiên của Việt Nam xuất bản bằng tay vào năm 1973 tại Sài Gòn với bút danh Chính Văn. Sau 1975, bộ từ điển này được ông nhuận sắc và bổ sung cho thành một tác phẩm lớn và ấn hành chính thức để dùng làm công cụ tra cứu nghiêm túc về chữ Hán-Nhật và chữ Nôm-Nhật. Chữ Nôm-Nhật đã làm say mê giới Nhật Bản học tại ĐH Ngoại ngữ Osaka – nơi mà người Nhật mới nghe nói đến thứ chữ Nôm trong dòng họ của nhiều nước Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam) đã dùng chữ Hán để biên hóa thành chữ viết của riêng từng nước. Thời điểm này, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt tên cho vùng Đông Á là thế giới Hán hóa. Riêng ông, ông đưa ra khái niệm là thế giới Nôm hóa chữ Hán. Thật thú vị khi có một người Việt Nam đi sâu vào một số mặt về ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản với hàng ngàn trang bản thảo. Nhưng với PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng như thế vẫn còn thiếu sót nếu chúng ta chưa đọc đó đây trên một số tạp chí nhận đăng nhiều bài viết của ông về nhiều dạng biên khảo và sáng tác khác nhau.

Trong những năm gần đây, tại một số hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Nhật, Pháp, Mỹ… các tham luận của ông như: “Đối chiếu so sánh về lịch sử văn hóa Nhật Bản và Việt Nam”, “Lịch sử, văn hóa Hoa Kỳ – Việt Nam” gây được tiếng vang trong những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử của nước nhà và cả phương Đông lẫn phương Tây.

Có một dấu mốc quan trọng, từ sau ngày 30-4-1975, ông đã bắt đầu chắp bút cho tác phẩm Viên sỏi đen – loại tiểu thuyết chiến tranh và hòa bình Việt Nam. Viết về một thời còn là học trò, một thời ông đã đi “xuyên qua” cuộc chiến tranh. Chúng ta từng đọc qua những tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của Tolstoil và Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell. Còn với Viên sỏi đen, ông cảm nhận cuộc chiến tranh Việt Nam là một mô-típ điển hình trong một chuỗi chiến tranh khác nhau của nhân loại để chiến đấu bảo vệ vùng đất mà dân tộc đang sinh sống. Cuộc chiến tranh Việt Nam thật đáng chú ý trong lịch sử nhân loại để dẫn vào thời kỳ cận hiện đại.

Nghiệp viết lách, văn chương với ông như thế chưa được đầy đủ cho lắm! Hiện nay ông đang sắp cho xuất bản một chuỗi tập sách với tựa đề Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông, những bước chân hóa thạch. Chủ đề được nhiều độc giả, nhà văn hóa, nhà Việt Nam học, Sài Gòn học… quan tâm. Sách được dịch ra với 3 ngôn ngữ Việt – Anh – Pháp.

Trên Google, khi gõ tên Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta được tiếp cận với những bậc danh nhân trùng tên thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Còn với PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, ông tự xưng là “Con ngựa thồ trong làng ĐH”. Nay độc giả, những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, giáo dục lại thấy ông ở một một mệnh danh mới: Nhà sử học viết văn.

Thành Ngọc – Lan Phương

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)