Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Chàng trai nhiều sáng kiến

Tạp Chí Giáo Dục

Dương Văn Thu không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn khởi xướng phong trào khởi nghiệp trong thanh niên dân tộc thiểu số ở quê nhà.

Khởi nghiệp ở xã Yên Thắng (H.Lục Yên, Yên Bái), Dương Văn Thu (33 tuổi), Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế Hin Lò, không xa lạ với thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nổi tiếng với nhiều sáng kiến ứng dụng thành công trong lao động sản xuất, giúp thanh niên thoát nghèo.

Anh Dương Văn Thu (thứ hai từ trái sang) tư vấn kỹ thuật nuôi ếch cho thanh niên	 /// Ảnh: Hoàng Đức
Anh Dương Văn Thu (thứ hai từ trái sang) tư vấn kỹ thuật nuôi ếch cho thanh niên – Ảnh: Hoàng Đức

Thu khởi nghiệp bằng cách đầu tư giống trồng keo trên diện tích đất rừng của gia đình được giao quản lý. Còn lại chút vốn ít ỏi, Thu thuyết phục bạn bè chung tiền mua máy tuốt lúa đi làm dịch vụ. “Mình nhớ khi ấy, mua một máy tuốt lúa của VN sản xuất trị giá hơn 12 triệu đồng mà có 4 người cùng góp vốn. Thành công ngoài sức tưởng tượng, cả xã Yên Thắng khi ấy chỉ có duy nhất một chiếc máy tuốt lúa. Bà con ùn ùn kéo đến đăng ký. Các thành viên thay nhau chạy máy hết công suất mà làm cũng không hết việc”, anh Thu hào hứng nói.
Kết nối những ông chủ trẻ ăn nên làm ra với mô hình dịch vụ nông nghiệp, Dương Văn Thu trực tiếp đề xuất với Hội LHTN xã Yên Thắng mở Hợp tác xã thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế Hin Lò nhằm gây dựng phong trào khởi nghiệp trong thanh niên dân tộc thiểu số. Cuối năm 2009, mô hình này chính thức có quyết định thành lập với 4 thành viên, trong đó Thu giữ vai trò chủ nhiệm.
 
 
Mô hình hợp tác xã do Thu điều hành được Tỉnh đoàn Yên Bái bình chọn và tuyên dương là mô hình kinh tế thanh niên tiêu biểu toàn tỉnh giai đoạn 2009 – 2014. Cá nhân Thu giành nhiều phần thưởng tuyên dương, khen thưởng, tiêu biểu nhất là Giải thưởng Lương Định Của năm 2013 và danh hiệu Chủ nhiệm mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niêu tiêu biểu toàn quốc năm 2014 do T.Ư Đoàn trao tặng.
 

Đến nay, hợp tác xã có 15 hội viên thường xuyên sinh hoạt. Mỗi hội viên đều là những ông chủ trẻ có mô hình kinh tế doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không dừng lại ở dịch vụ nông nghiệp, Thu chủ trương giúp đỡ hội viên phát triển các mô hình kinh tế gia đình gắn với gìn giữ, bảo vệ diện tích rừng tại địa phương, trồng xen canh cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi.

Mỗi năm, hợp tác xã đều đứng ra tổ chức các chuyến tham quan học hỏi trực tiếp ở các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đặc biệt là quá trình khảo sát tìm hiểu nhu cầu thị trường về các nông sản, thực phẩm trước khi đầu tư nuôi trồng để sản phẩm phải có đầu ra tiêu thụ. Để hội viên dễ học hỏi, Thu đầu tư hàng chục triệu đồng nhập giống ếch lai về nuôi thương phẩm khi mô hình này còn mới lạ ở nhiều địa phương tại H.Lục Yên.
Ếch nuôi trưởng thành xuất bán được các nhà hàng, quán ăn đặt mua trực tiếp, chỉ riêng nghề nuôi ếch cho doanh thu gần 100 triệu đồng mỗi năm. Cộng cả nguồn thu từ 2 ha ao thả cá và vườn cam, gia đình anh Thu có tổng thu nhập mỗi năm không dưới 200 triệu đồng.
“Ở vùng miền núi, thanh niên khởi nghiệp có xuất phát điểm thấp vốn ít, trình độ, kiến thức khoa học kỹ thuật gần như không có… nếu làm ăn đơn lẻ rất khó phát triển. Khi đề xuất ý tưởng gây dựng hợp tác này, tôi mong kết nối những người lập nghiệp bước đầu thành công cùng nhau đoàn kết, giúp đỡ những thanh niên có khát vọng khởi nghiệp. Cá nhân mình phải làm ăn được, kinh tế gia đình phải khấm khá, tự thân sẽ có sức thu hút, tập hợp thanh niên”, anh Thu nói.

Phan Hậu (TNO)

 

Bình luận (0)